Quản lý chi tiêu - bài học quan trọng để làm giàu

Rất nhiều người dù có thu nhập ổn định, ở mức khá, nhưng vẫn thường xuyên rơi vào cảnh... cháy túi. Điều này không đơn thuần chỉ nằm ở khía cạnh thu nhập, mà còn liên quan đến khả năng quản lý chi tiêu cá nhân.

Xuyên suốt thời gian hơn 10 năm dẫn dắt CareerLink.vn trở thành một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm, Tổng Giám đốc Yamada Takafumi hiểu rõ tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu khi chia sẻ: “Dù là doanh nghiệp, hay cá nhân thì chúng ta đều phải dành một khoản thu hằng tháng để chi tiêu các thứ cần thiết. Do vậy, bất kì ai cũng cần nâng cao kỹ năng quản lý tài chính, cho dù là các bạn trẻ có thu nhập cao, hay các doanh nghiệp ăn nên làm ra.”

Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 5 vấn đề thường gặp khiến bạn hay rơi vào cảnh “cháy túi” và cách giải quyết vượt qua khó khăn.

Chi tiêu nhiều, nhưng không biết bao nhiêu?

Rất nhiều người vỗ trán mỗi tháng khi nhìn thấy tài khoản cá nhân của mình bị thâm hụt. Nhưng không nhiều người trong số họ đủ tỉnh táo để nhận thức rằng tài khoản thực sự bị thâm hụt bao nhiêu. Sẽ thật khó khăn để khắc phục chi vượt mức, khi bản thân lại không biết con số cụ thể.

Để biết đã chi tiêu như thế nào, thì bạn hãy cộng dồn tất cả các hóa đơn thanh toán cố định trong tháng và các khoản chi lặt vặt ngoài dự kiến. Gợi ý với các khoản chi linh tinh khó kiểm kê, thì bạn nên ghi chú vào một cuốn sổ riêng biệt. Nhờ vậy, bạn sẽ tổng kết đầy đủ, chính xác các khoản chi khiến bạn bị thâm hụt ngân sách cá nhân. Từ đó, bạn sẽ có những phương pháp khắc phục hợp lý để cân đối lại tài chính.

Sử dụng tiền dựa nhiều vào cảm tính

Bên cạnh các quyết định lý trí, thì chúng ta cũng phải đối mặt với tình huống đầy cảm tính. Do vậy, không thiếu các trường hợp bạn sẽ dùng tiền vào các mục đích không cần thiết cho hiện tại. Ví dụ như mua một chiếc áo khoác dày vào mùa hè chỉ phù hợp khi lập đông, hoặc mua máy chạy bộ nhưng lại ưu tiên ra phòng gym hơn.

Thực tế, sẽ không thể quả quyết rằng việc chi tiêu dựa vào cảm tính của bạn là đúng hoặc sai hoàn toàn. Tuy nhiên, kiểu quyết định này thường nằm ở việc bạn thích hay không, chứ không nhấn mạnh sự cần thiết, hay bắt buộc ở hiện tại. Do vậy, bạn sẽ khó tối ưu hoàn toàn chức năng của món đồ, dịch vụ bạn mua, cũng như làm tiêu tốn tiền dành dụm cho kế hoạch ở tương lai gần.

Thích xài tiền từ thẻ tín dụng

Cuộc sống hiện đại khiến việc chi tiêu từ thẻ tín dụng trở nên tiện lợi, hấp dẫn bởi các chương trình ưu đãi thường xuyên từ ngân hàng. Tuy nhiên, điều này sẽ trở thành một cái “bẫy” chi tiêu khi chiếc thẻ giải phóng bạn khỏi tâm lý ràng buộc tài chính, nên dễ dẫn đến mua sắm vượt mức. Ngoài ra, một số món đồ được mua trả góp thì các khoản lãi “nợ” cộng dồn về sau sẽ khiến bạn lao đao. Thay vì sử dụng thẻ tín dụng, bạn có thể chuyển sang thẻ ghi nợ, hoặc đơn giản nhất là tiền mặt. Khi bạn chỉ có thể sử dụng số tiền giới hạn tối đa trong tài khoản, chắc chắn điều này sẽ “thắt chặt” chi tiêu của bạn một cách hiệu quả.

Không sở hữu quỹ dự phòng

Đôi lúc bạn rơi vào tình trạng “cháy túi” không phải do yếu tố chủ quan, mà là vấn đề khách quan. Thực tế, bất kì ai cũng đôi lần rơi vào các tình huống “trời ơi đất hỡi” bởi chuỗi sự cố ngoài dự đoán, chính lúc đó ta sẽ hiểu rõ giá trị của quỹ dự phòng cá nhân.

Do vậy, việc bạn thành lập một quỹ dự phòng là điều cần thiết vì nó sẽ giúp bạn vượt qua tình huống “hiểm nghèo” khẩn cấp, thậm chí là đem lại thu nhập bởi lãi suất từ nó. Tuy nhiên, bạn lưu ý không tùy tiện “moi tiền” từ quỹ cho bất kì mục đích chi tiêu cá nhân không cần thiết, hãy cố gắng đảm bảo duy trì đầy đủ lượng tiền bổ sung hằng tháng đều đặn.

Nghĩ bản thân là “nhà từ thiện”

Có rất nhiều người thích làm “nhà từ thiện” dù thực tế họ đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về tài chính. Từ thiện là một việc tốt, nhưng nó cần được thể hiện đúng chỗ và đúng lúc.

Bạn không thể “mạnh tay” chi tiền cho một quỹ nào đó vì bạn thấy thích, hoặc hào phóng tổ chức tiệc tùng với bạn bè. Tất nhiên, điều này là không hoàn toàn sai, nhưng nó chỉ nên làm khi bạn thật sự dư dả, hoặc khoản chi này đã nằm trong dự tính từ trước.

Nhu cầu phải cân bằng với nguồn thu hiện tại

Có nhiều người không gặp bất kì vấn đề nào vừa nêu trong bài viết, nhưng họ vẫn phải đối diện với tình trạng khó khăn. Điều này có thể là vì các khoản chi cố định thường xuyên của họ vượt mức thu nhập dù bản thân cố gắng tiết kiệm như thế nào thì tài khoản vẫn bị âm.

Do vậy, bạn nên lập kế hoạch tài chính cá nhân trong cả dài hạn và ngắn hạn. Từ đó, việc chi tiêu cũng trở nên thoải mái và ít rơi vào cảnh “nợ nần” hơn.

Cập nhật thông tin việc làm mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ha-noi/HN

Trung Thành

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-ly-chi-tieu-bai-hoc-quan-trong-de-lam-giau/