Nợ công: 3 bộ quản chi bằng 1 đầu mối

Dù nợ công được cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cùng quản lý nhưng thực ra rất phân tán và bất cập, nên quy về một mối để việc quản lý được thống nhất hơn.

Nợ công đang được quản lý bởi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Quản lý nợ công vừa được trình ra Quốc hội vẫn giữ nguyên việc 3 cơ quan cùng quản lý nợ công. Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cụ thể (trừ các thỏa thuận vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thống nhất quản lý vốn vay ODA, trong đó chủ trì vận động, điều phối, đàm phán ký kết các hiệp định khung về ODA và vay ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò chủ trì đàm phán ký kết các hiệp định vay ODA với các tổ chức tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công. Trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay...

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính. Việc nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập.

Theo đó, thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh các luật có liên quan cho phù hợp.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới có cuộc phỏng vấn với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính).

Nợ công hiện nay có đến 3 bộ quản lý, ông nghĩ sao về điều này?

- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Việc quản lý nợ công hiện nay đang rất phân tán. Hiện tại, việc quản lý nợ công do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước thực thi quản lý.

Chúng ta vẫn nói rằng Bộ Tài chính là bộ quản lý chung nhưng thực chất, các bộ kia quản lý theo chức năng và nhiệm vụ của họ. Họ báo cáo với Bộ Tài chính thế nào thì Bộ Tài chính nắm được thế đó.

Từ những năm 2000, người ta đã nói là phải tập trung thống nhất một đầu mối nợ công trực thuộc Chính phủ hoặc Bộ Tài chính, để từ đó có thể thống kê tổng hợp và lên kế hoạch cũng như thực thi các phương án vay nợ, quản lý nợ, xử lý nợ, đảm bảo yêu cầu thống nhất toàn diện và các chế độ cơ chế quản lý.

Tuy nhiên, đến nay vẫn cứ để tình trạng mạnh ai nấy làm, quản lý nhà nước phân tán, không có đầu mối chính thống, cơ chế thống nhất. Điều này dẫn đến việc tìm nguồn vốn vay nợ trong nước và nước ngoài, quản lý sử dụng nợ vay cũng như đảm bảo hiệu quả nợ vay không được như mong muốn.

Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến các khoản nợ công cứ phình dần lên, việc vay nợ trở nên bị động, giật gấu vá vai, cấu trúc lại rất chật vật. Do đó, yêu cầu về quản lý nợ công trở thành bắt buộc của cơ chế quản lý nhà nước, để từ đó có kế hoạch về huy động vốn, quản lý sử dụng vốn, kế hoạch vay trả nợ công hiệu quả.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc quản lý nợ công nên quy về một mối.

Vậy theo ông, đầu mối nợ công nên ở Bộ Tài chính hay trực thuộc Chính phủ?

- Việc đưa về một đầu mối nợ công trở nên cực kỳ cấp thiết. Cơ quan này có thể đặt ở Bộ Tài chính nhưng phải được Chính phủ giám sát chỉ đạo.

Có ý kiến cho rằng nên để cơ quan này trực thuộc thẳng Chính phủ và chỉ để quản lý nợ công của Chính phủ thôi. Tuy nhiên, phương án này sẽ tạo nên một bộ máy mới về quản lý nợ công và tương đối cồng kềnh và không gắn với thu chi của ngân sách nhà nước với quản lý nợ.

Theo quan điểm của tôi thì nên chấn chỉnh lại và trực thuộc Bộ Tài chính. Chúng ta đã có sẵn Cục Quản lý nợ và Cục Tài chính đối ngoại, có sẵn các cơ chế quản lý nợ công dưới Bộ Tài chính nên chúng ta có thể phát huy nó. Cùng với đó là tập hợp các khoản liên quan đến quản lý nợ công mà các bộ ngành khác đang nắm về Bộ Tài chính.

Từ đó mới có được một cơ chế quản lý nợ thống nhất từ khâu lập kế hoạch vay nợ cho đến khâu trả nợ vay, đảm bảo nợ công phát huy hiệu quả của nền kinh tế.

Như vậy sẽ thuận tiện hơn cho việc kiểm soát nợ công và gắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan trong vấn đề vay nợ và sử dụng vốn vay phải không, thưa ông?

- Việc phân định rạch ròi trách nhiệm cơ quan về hoạch định vay nợ cũng như cơ quan đàm phán ký kết nợ vay và cơ quan quản lý, đảm bảo hiệu quả nợ vay, quản lý trả nợ là một công việc đáng ra phải làm từ lâu. Đây là việc liên quan đến hiệu quả sử dụng tiền tệ, cần phải quy định trách nhiệm rõ ràng và cụ thể.

Trước nay chúng ta cứ theo quan niệm “cha chung không ai khóc” cho nên tất cả cứ quy trách nhiệm tập thể và từ đó đến khi mà nó không trả được nợ thì coi như Nhà nước trả thay. Ngân sách nhà nước lại cấp phát vốn cho doanh nghiệp được bảo lãnh, hoặc cấp vốn cho dự án đã đi vay ODA hoặc đi vay nước ngoài là điều không thể chấp nhận được khi chúng ta đi vào nền kinh tế thị trường.

“Vay có đầu, nợ có chủ” chứ không có chuyện các anh cứ vay thoải mái đi rồi nợ để Nhà nước gánh. Trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cơ quan đứng ra vay nợ không rõ ràng nên những người đại diện của các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan Chính phủ cần là họ cứ vẽ ra để vay. Nhiều khi họ không cần đầu tư thực sự nhưng lại cần dự án, cần công trình để mà có nguồn thu…

Thậm chí phải quy định trách nhiệm về mặt hình sự cho những chủ thể, những cơ quan đơn vị và người đứng đầu các cơ quan đơn vị đó phải có trách nhiệm về hiệu quả khoản vay và sử dụng khoản vay hiệu quả nhất. Tuyệt đối không như thời gian qua địa phương nào cần vốn thì cứ phát hành trái phiếu địa phương, vay nợ nước ngoài hoặc phát hành các công trái để huy động vốn rồi cuối cùng trả được nợ hay không thì không quan trọng bởi khi cần thì đã có nhà nước trả nợ rồi.

Việc Dự thảo Luật Quản lý nợ công được trình ra Quốc hội cũng là bước tiến về mặt pháp lý, cũng như bước tiến về mặt quản lý nợ công của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian tới còn cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.

Trí Lâm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/quan-ly-no-cong-3-bo-van-khong-hieu-qua-bang-1-dau-moi-63807.html