Quản lý nợ công: Phải thống nhất đầu mối, không thể để con vay mẹ trả

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn và vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Một trong những nội dung thu hút nhiều ý kiến tham gia liên quan đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại phiên họp.

Lợi ích quốc gia là quan trọng

Về vấn đề này, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.

Cơ chế quản lý nợ công như hiện nay đã được thực hiện từ nhiều năm và các cơ quan đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ nước ngoài cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Vì vậy, xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như quy định của Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách cho biết, đa số ý kiến các thành viên đều đề nghị quy định thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công. Chỉ có điều, bên cạnh những ưu điểm, việc thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công đòi hỏi phải điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy liên quan đến công tác quản lý nợ tại một số cơ quan; tập trung, củng cố quản lý nợ tại cơ quan đầu mối tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao cả về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân hàng nhà nước và các văn bản hướng dẫn sẽ phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) khi được ban hành. Việc thay đổi sẽ gây biến động về cơ cấu tổ chức bộ máy của một số bộ nên có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, báo cáo đánh giá tác động và sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền sau khi Hội nghị Trung ương 6 có ý kiến kết luận về công tác tổ chức bộ máy.

Nêu quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật, Bộ Tài chính đã đề xuất quy về một đầu mối, vừa đảm bảo thông lệ quốc tế, vừa khắc phục tồn tại, hạn chế. “Đương nhiên khi làm cái mới sẽ có động chạm đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan. Song, chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị thì cần phải đáp ứng một vấn đề quan trọng được nêu trong đó là 1 việc thì chỉ 1 người làm. Khi Chính phủ trình ra, Quốc hội thấy phương án nào hiệu quả hơn thì lựa chọn, Chính phủ sẽ thực hiện” - Bộ trưởng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Hội nghị Trung ương 6 sắp tới sẽ bàn sâu về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần của Trung ương 6. Theo đó, lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải “ngành này, ngành kia”.

Phải rà soát lại

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần đánh giá việc phân tán trong quản lý nợ công vừa qua để nhận rõ “được cái gì, chưa được cái gì” bởi dự thảo Chính phủ trình không thể đi ngược với chủ trương của Đảng là phải thống nhất một đầu mối quản lý nợ công.

“Một người lo cân đối ngân sách của gia đình nhưng con cái một đứa đi vay nợ tùm lum, tiêu xài rồi cha mẹ lo trả nợ thì làm sao có nền tài chính bền vững được. Điều này là không phù hợp. Tôi không nói ngành nào nhưng phải thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Còn lý do để ổn định bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nên giữ nguyên như dự thảo là không thuyết phục. Nói như vậy không bao giờ chúng ta phát triển, đổi mới, cải cách được” - bà Ngân nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra ngồi lại với nhau rà lại phải theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, phân định rõ vai trò chức năng nhà nước, tập trung cho tập thể, hạn chế quyền cá nhân. Ông Hiển cũng đề nghị trên tinh thần Nghị quyết 07, các cơ quan đánh giá tác động cụ thể của từng phương án đưa ra. Nếu vẫn chưa thống nhất thì báo cáo Bộ Chính trị và hoàn thiện lại dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2017.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quan-ly-no-cong-phai-thong-nhat-dau-moi-khong-the-de-con-vay-me-tra.aspx