Quan ngại Quảng Nam nhưng Đà Nẵng lại có 2 nhà máy thép gây ô nhiễm

Chính quyền Đà Nẵng đã bày tỏ quan ngại khi Quảng Nam cho xây dựng nhà máy thép trên thượng nguồn sông Vu Gia. Nhưng ở trong lòng Đà Nẵng lại đang có 2 nhà máy thép gây ô nhiễm khiến bức xúc của người dân âm ỉ nhiều năm nay.

Hai nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý nằm sát nhà dân gây ô nhiễm nghiêm trọng

Dân lại bao vây nhà máy vì ô nhiễm

Giữa tháng 12.2016, người dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại một lần nữa bao vây phản đối việc sản xuất của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (cụm công nghiệp Thanh Vinh, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) do gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều người dân cho biết, 2 nhà máy thép này đi vào sản xuất từ năm 2007 và gây nên ô nhiễm trầm trọng về tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi, nước thải. Ông Phạm Mai (thôn Vân Dương 2) cho hay: “Khu vực này trước đây được quy hoạch dành cho sản xuất công nghiệp nhẹ nhưng không hiểu sao 2 nhà máy này được cấp phép sản xuất ở đây; cũng không rõ đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) được thẩm định theo pháp luật hay không. Theo quy định, việc cấp phép cho các nhà máy công nghiệp nặng như thế này phải cách xa khu dân cư tối thiểu là 1.000m nhưng thực tế, nhiều hộ dân chỉ cách nơi sản xuất vài chục mét”.

Người dân thôn Vân Dương bao vây nhà máy thép Dana Ý vì gây ô nhiễm

Chính quyền Đà Nẵng đã phải tổ chức đối thoại với người dân và tạm ngừng hoạt động của 2 nhà máy thép

Từ khi có 2 nhà máy thép, số người bệnh và chết ở hai thôn này ngày càng tăng, trong số người chết thì phần nhiều là do ung thư. Cụ thể, năm 2015 có 12 người chết thì có đến 7 người bị ung thư. Các bệnh khác về phổi, hô hấp, bệnh ngoài da ngày càng phổ biến. Cây cối hoa màu người dân trồng bị hư hỏng; gia súc gia cầm, thậm chí cả cá dưới đồng bị chết. Người dân phải đóng cửa suốt ngày cũng không ngăn được khói bụi, tiếng ồn. Gần đây, khu vực phía trước nhà máy đã cho đổ xỉ than, chất thải gây ngấm vào nguồn nước và do thời tiết mưa ẩm, không khí lại càng ô nhiễm khói bụi gây khó thở.

Trước việc người dân phản đối ô nhiễm, TP.Đà Nẵng đã phải cử lãnh đạo về đối thoại để tìm giải pháp tháo gỡ. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu 2 công ty thép Dana Ý và Dana Úc phải khẩn trương đầu tư công nghệ, thiết bị để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, trình các cơ quan liên quan thẩm định. Lãnh đạo TP này cũng yêu cầu 2 nhà máy này tạm thời ngừng sản xuất trong thời gian chờ đầu tư nâng cấp, kiểm tra, kết luận của các cơ quan chức năng.

Do lịch sử để lại?

Việc hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm dai dẳng đã vào tận nghị trường HĐND TP.Đà Nẵng. Rất nhiều đại biểu hội đồng đã chất vấn gay gắt về vấn đề này.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND và UBND, hiện tại quanh khu vực nhà máy thép Dana Ý đã giải tỏa 93 hộ, còn 6 hộ chưa di dời giao cho huyện Hòa Vang bàn giao trước ngày 20.12. Quanh nhà máy Dana Úc có 179 hộ dân sinh sống, hiện còn 18 hộ chưa di dời và cũng giao huyện Hòa Vang thực hiện công tác này.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng

Ông Nam thông tin đã yêu cầu công ty Dana Úc trồng hàng rào cây xanh trước ngày 20.1.2017, Dana Ý hoàn thành trước ngày 18.3.2017. Việc xây dựng tường rào theo phương án được sở xây dựng thẩm định. “Đây là phương án ban đầu để hạn chế ô nhiễm. Về lâu dài nếu các biện pháp này không hiệu quả sẽ có phương án di dời 2 nhà máy này tới KCN Liên Chiểu, nơi được quy hoạch để sản xuất thép”.

Trả lời báo chí về việc này, ngày 21.12, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng: “Chúng tôi không đánh đổi lợi ích kinh tế, thu nhập ngân sách, lao động… với môi trường. Hai nhà máy tồn tại hơn 10 năm và hiện cũng đang cố gắng khắc phục ô nhiễm. Khi có nhà máy người dân xung quanh ít nhưng do chúng tôi quản lý yếu kém nên dân làm nhà cửa có và không có phép nhiều lên thành khu dân cư đông”.

“Vừa rồi xảy ra sự cố bụi do cúp điện, chúng tôi đã yêu cầu hai nhà máy tạm dừng hoạt động để bổ sung, nâng cấp các thiết bị; khi nào đạt chuẩn môi trường thì mới được hoạt động lại. Về lâu dài, chúng tôi cho rằng sẽ rất phập phù và sẽ xảy ra sự cố nên đang nghiên cứu lộ trình di dời”, ông Thơ nói.

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng 2 nhà máy thép này là do lịch sử để lại

Phát biểu tại kỳ họp HĐND mới đây, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cho hay: “Tôi nghĩ về lâu dài phải di dời, bây giờ phải thông báo cho người ta về lộ trình để di dời. Cái này lịch sử để lại, mình phải giải quyết hậu quả, dân không có lỗi gì cả. Mà hoạt động nghĩa vụ tài chính của 2 công ty này chây ỳ, mình phải đòi như đòi nợ”.

Đà Nẵng lo ngại nhà máy thép ở Quảng Nam

Trong khi Đà Nẵng còn 2 nhà máy thép gây ô nhiễm thì thành phố này lại cũng đang đứng trước lo ngại nhà máy thép Việt Pháp được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đóng tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam), đầu nguồn sông Vu Gia, nguồn nước chủ yếu đổ về Đà Nẵng. Sông Vu Gia hiện cung cấp khoảng 250.000m 3 nước/ngày đêm cho nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng), chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại thành phố này.

Dù dư luận phản đối dự án rất nhiều nhưng vào cuối tháng 11.2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức phê duyệt DTM dự án nhà máy thép Việt Pháp tại thị trấn Thạnh Mỹ.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự quan ngại về dự án nhà máy thép này. Ông Thơ cho hay: “Chính quyền và nhân dân Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia, bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho Đà Nẵng”.

“UBND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân TP.Đà Nẵng được biết”.

Nhà máy thép Việt Pháp đóng ở TX.Điện Bàn, Quảng Nam cũng từng bị người dân nhiều lần bao vây vì gây ô nhiễm

Đáp lại lo ngại của Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đã có công văn khẳng định nhà máy thép Việt Pháp không luyện quặng sắt để sản xuất phôi thép mà sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu (sắt thép phế liệu) sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải và tiếng ồn.

Đối với nguồn nước thải sản xuất của nhà máy là tuần hoàn, không thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại TP.Đà Nẵng.

“Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam không thông tin lấy ý kiến từ UBND TP.Đà Nẵng đối với việc nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án này”, tỉnh Quảng Nam cho hay.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết: “Bản thân Chủ tịch UBND TP đã có công văn gửi tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với Sở TN-MT của Quảng Nam. Lo ngại của Đà Nẵng là đúng, tỉnh Quảng Nam cũng ghi nhận. Trong tuần tới chúng tôi sẽ vào kiểm tra thực tế tại thôn Hoa”.

Trong một diễn biến mới nhất, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã thống nhất và ký thỏa thuận phối hợp về quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng với mục đích tăng cường phối hợp giữa 2 địa phương để quản lý tổng hợp, chia sẻ thông tin, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP.Đà Nẵng sẽ thành lập Ban điều phối chung để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng (bao gồm đại diện của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan chức năng liên quan). Giai đoạn thử nghiệm trong 3 năm (2017 - 2020), sau đó sẽ xem xét để gia hạn 3 năm tiếp theo nếu không có văn bản đề nghị chấm dứt của UBND tỉnh Quảng Nam hoặc UBND TP.Đà Nẵng.

Vu Gia - Thu Bồn là một trong 9 hệ thống sông lớn của Việt Nam và là sông liên tỉnh. Diện tích toàn bộ lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tính từ thượng nguồn đến cửa sông là 10.350 km 2 , tổng lượng nước bình quân hàng năm khoảng 20,22 tỉ m 3 . Vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng là phần thấp nhất của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn dài khoảng 225km.

Lưu vực sông này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Theo đánh giá, trong những năm gần đây thực trạng các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước chưa hoàn toàn phù hợp đang trở thành yếu tố làm suy giảm chức năng của lưu vực, là yếu tố có thể gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai. Trong đó nặng nề nhất là việc phát triển thủy điện, mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành liên quan chưa được giải quyết thỏa đáng.

Lê Đình Dũng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/quan-ngai-quang-nam-nhung-da-nang-lai-co-2-nha-may-thep-gay-o-nhiem-52526.html