Quán rượu ông Thông

(ANTĐ) - Ở Hà Nội vào những năm 1970, khi các điểm bán bia hơi mậu dịch chỉ loáng thoáng, nơi có nơi không, thì ở nhiều khu phố có nhiều nơi bán rượu. Rượu ở đây là rượu ngang (rượu trắng) được gọi tếu táo là “rượu quốc lủi” do tư nhân ở ngoại thành, tỉnh khác tự nấu, trốn thuế nên còn được mang tên nữa là “rượu lậu”.

Vì rượu quốc doanh hồi ấy còn ít, chỉ bán phân phối, khó mua được một cách dễ dàng, nên rượu ngang lên ngôi. Các quán nước chè (trà, chè tươi) nơi góc phố, vỉa hè cũng bán luôn cả rượu. Một số gia đình nhà ở mặt phố nhân thể cũng mở hé cửa kê bàn bán rượu lẻ cho khách, không cần trưng biển hiệu. Phố nào cũng có vài nơi bán rượu như thế, gọi chung là quán rượu. Ai đi qua nom thấy thì rẽ vào uống. Uống suông (gọi là uống “xếch”) có chỗ bán lạc rang, lạc luộc bày ra đĩa nhỏ làm thức nhắm. Bàn uống là thứ bàn nhỏ, thấp, thường chỉ có vài người ngồi. Ghế là ghế con ngồi kề mặt đất, nền nhà. Những chỗ bán rượu như thế, không phải nơi nào, nhà nào cũng đông khách. Quán nào bán rượu ngon, người bán lịch thiệp, đon đả thì “khách nhớ nhà hàng”, khách vào, ra suốt ngày nhưng không quá đông, không ồn ào, ít khi có người say bét nhè và đến tối thì dẹp quán, đóng cửa. Dạo ấy các quán rượu, bia, hàng ăn chưa mở san sát, tưng bừng và nhốn nháo như bây giờ. Chẳng nói ai cũng biết các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ta nghèo lắm. Việc thì nhiều, lương bổng thấp, nơi tiếp khách ở cơ quan lại chật hẹp. Nhà thơ Hoàng Trung Thông - Một nhân cách thơ của Việt Nam, một người sống hết mình cho đời, cho thơ Có người không sắm nổi cái xe đạp để dùng. Quán rượu suông bình dân là điểm hẹn của những cuộc gặp gỡ trao đổi, làm quen, là nơi nộp bài của các cộng tác viên, bạn đồng nghiệp. Quán rượu nhiều lắm nhưng chỉ có vài nơi thực sự là tụ điểm của giới nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo. Tới quán rượu, là để vừa uống rượu vừa làm việc. Số tụ điểm ấy được gọi theo số nhà và tên phố như gọi tên hiệu phở, hàng café của các khách quen sành ăn uống. Một trong những tụ điểm ấy là quán ông Thông. Quán ông Thông nằm trên đường Bà Triệu, bên số lẻ ở ngã tư Trần Nhân Tông - Bà Triệu, cách điểm cắt nhau của hai phố vài số nhà. Quán ông Thông tồn tại khá lâu từ đầu thập niên 1970. Tên quán do khách hàng đặt, chứ không phải tên ông chủ quán. Số là sau khi nhận trách nhiệm Viện trưởng Viện Văn học được ít lâu, nhà thơ Hoàng Trung Thông một lần tản bộ dọc phố Bà Triệu, phát hiện ra quán này có rượu ngon, rẻ, nơi ngồi nhâm nhi thoáng đãng, khách hàng phần lớn là nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ thuộc lớp trẻ, mọi người đều biết ông và ông cũng biết mặt nhiều người. Từ đấy lần nào có thời giờ là ông lại lững thững tới quán rượu phố Bà Triệu cách không xa Hội Nhà văn Việt Nam ở phố Nguyễn Du và trụ sở của giới văn học nghệ thuật tại 51 Trần Hưng Đạo bao nhiêu. Năm 1971, tôi biết tiếng quán rượu rồi tìm đến thì đã thấy có ông Hoàng Trung Thông ngồi một mình một bàn ở trong quán rồi. Cái tên quán rượu ông Thông chẳng biết ai là người đầu tiên đặt ra thế. Chỉ biết rằng khi hẹn hò gặp nhau cứ nói: “Đến quán ông Thông” - thế là xong. Đúng là đến để bàn tính chuyện nghề nghiệp, uống suông xong là về, không xôi thịt nhậu nhẹt gì hết. Nhiều người nhớ cái tên ấy, chỉ có nhà thơ Hoàng Trung Thông là không. Lần nào nhà thơ đến quán, anh em làng văn nghệ có mặt đều ý tứ chuyển chỗ ngồi, dành cho ông một mình một bàn. Ông tới để uống rượu, không nói năng chuyện vãn gì hết. Chuyện văn chương thơ phú càng không. Dáng dấp thảnh thơi, phong cách lịch thiệp, quần áo giản dị, vẻ mặt đôn hậu, đặc biệt là ánh mắt như đang phải nghĩ ngợi… song, nếu có ai hỏi, ông tươi cười trả lời ngay với giọng nói ấm áp, từ tốn, rất vắn. Cứ nhấp xong ngụm rượu, ông đặt chén rất nhẹ rồi tiếp tục ngồi im phăng phắc như pho tượng, khi khoanh tay, lúc chống khuỷu tay xuống mặt bàn. Tuy thế, ông nghe và nhìn thấy hết mọi việc trong phòng rượu. Một lần có anh bạn trẻ ở bàn bên cạnh gần chỗ ông nhắc đến tên một cây bút nữ làm thơ được dư luận chú ý. Bạn ấy vừa nói, vừa dè dặt nhìn ông. Biết ý, ông đã nhấp một ngụm rượu rồi nói nhỏ: - Thơ của cô bé ấy hay nhưng mà buồn. Lúc đó, tôi cũng ngồi gần ông, liền đánh bạo thưa: - Thưa anh, thơ không được buồn ạ? Ông cười trả lời: - Cậu đúng là viết cho trẻ em. Thơ ấy, cái buồn riêng thì để cho riêng mình… Một lần khác, tôi và anh bạn nữa vào quán thấy rất đông, chưa biết len vào chỗ nào. Ông liền vẫy tay ra hiệu ngồi cùng ông. Tôi ý tứ nhấc cái ghế sang cạnh bàn, không dám đối diện với ông. Ông khẽ lắc đầu nói nhỏ: “Cậu ý tứ quá đấy!”. Cùng lúc anh bạn tôi rót rượu nhấc chén: “Xin chúc sức khỏe thủ trưởng”. Ông hơi cười, trợn mắt: “Cậu nói gì”. Anh bạn tôi nhắc lại lời chúc. Sắc mặt ông đã thản nhiên và nói: “Thơ không có thủ trưởng”! Ông nói như ông đã sống như thế. Thoáng nét buồn, nghĩ ngợi. Từ sau ngày ông đổi cõi (tháng 1-1993) không ai còn gọi tên “Quán rượu ông Thông” nữa. Và nay quán ấy cũng không còn…

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=68798&channelid=8