Quân sự thế giới hôm nay (18-4): Iran duyệt binh lớn trong bối cảnh căng thẳng leo thang

Quân sự thế giới hôm nay (18-4-2024) có những thông tin sau: Iran phô trương sức mạnh quân sự khi căng thẳng với Israel tăng cao, Ấn Độ vẫn đảm bảo phụ tùng thay thế cho vũ khí, khí tài do Nga sản xuất, Belarus nhận trực thăng chiến đấu Mi-35M.

* Iran phô trương sức mạnh quân sự khi căng thẳng với Israel tăng cao

Ngày 17-4, Iran đã tổ chức duyệt binh lớn, phô trương sức mạnh quân sự sau khi tiến hành cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel. Theo Aljazeera, cuộc duyệt binh là một động thái cho thấy Iran sẵn sàng đáp trả mọi hành động leo thang nào nếu có.

Cũng trong ngày 17-4, Tổng thống Ebrahim Raisi phát biểu tại một căn cứ quân sự ở ngoại ô Tehran rằng: “Chiến dịch này (cuộc tấn công trả đũa) cho thấy các lực lượng vũ trang của chúng ta đã sẵn sàng”.

Cuộc duyệt binh lớn ngày 17-4 có sự góp mặt của nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự của Iran như máy bay không người lái Ababil, Arash và Mohajer cũng như tên lửa đạn đạo tầm trung Dezful và hệ thống tên lửa phòng không S-300. Dưới đây là một số hình ảnh của cuộc duyệt binh.

Iran phô trương sức mạnh quân sự khi căng thẳng với Israel tăng cao. Ảnh: Aljazeera

Tên lửa của Iran xuất hiện trong lễ duyệt binh. Ảnh: Aljazeera

Xe tải chở UAV Kaman trong lễ duyệt binh. Ảnh: Aljazeera

* Ấn Độ vẫn đảm bảo phụ tùng cho vũ khí, khí tài do Nga sản xuất

Theo Tướng Không quân Ấn Độ VR Chaudhary, cuộc xung đột ở Ukraine hầu như không ảnh hưởng đến nguồn cung phụ tùng thay thế cho máy bay Nga sản xuất hiện đang được Không quân Ấn Độ sử dụng. Có được điều này là do Ấn Độ đã “nội địa hóa” các phụ tùng cho khí tài do Nga sản xuất. Nói cách khác, Ấn Độ hiện đang tự mình sản xuất ngày càng nhiều phụ tùng cho máy bay nhập khẩu của Liên Xô trước đây, Nga hiện nay.

Theo Bulgarian Military, để đối mặt với khó khăn về phụ tùng thay thế, Ấn Độ đã thiết kế và đang thực hiện giải pháp thúc đẩy trách nhiệm của các ngành công nghiệp trong nước trong sản xuất các linh kiện thiết yếu cho quốc phòng. Trước đây, có những dự đoán về việc Ấn Độ sẽ có giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine đến nguồn cung phụ tùng thay thế cho vũ khí, khí tài quân sự có nguồn gốc từ Nga thông qua việc áp dụng chiến lược “nội địa hóa” lâu dài và mạnh mẽ để giảm thiểu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc phòng của Nga.

Ấn Độ vẫn đảm bảo phụ tùng cho vũ khí, khí tài do Nga sản xuất. Ảnh: Bulgarian Military

Ngoài ra, New Delhi vẫn tiếp tục tiếp nhận một số loại vũ khí từ Nga theo các hợp đồng đã ký kết trước đây. Gần đây nhất, Ấn Độ đã nhận lô 24 hệ thống phóng tên lửa phòng không vác vai Igla-S và 100 đạn tên lửa cho hệ thống này trong tổng số 100 hệ thống phóng và 400 đạn tên lửa như đơn hàng đã ký.

Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ vẫn có thể tự đáp ứng nhu cầu nội địa và giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc xung đột ở Ukraine ngay cả khi xung đột tiếp tục kéo dài sang năm nay 2025 và xa hơn. Điều này phần lớn đạt được là do hợp đồng cấp phép sản xuất ký kết giữa Nga và Ấn Độ. Bên cạnh đó, hai nước vẫn tiếp tục liên danh sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.

Tuy nhiên, không phải mọi yếu tố đều thuận lợi như phát biểu của Tướng Chaudhary. Một số hệ thống được mua từ Nga vẫn phải đối mặt với thiếu hụt nguồn cung phụ tùng, trong đó có phụ tùng cho máy bay vận tải Il-76 và sự chậm trễ trong chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph.

* Belarus nhận trực thăng chiến đấu Mi-35M

Theo Army Recognition, Bộ Quốc phòng Belarus đã công bố những bức ảnh tại căn cứ không quân Machulishchi, thông báo về việc tiếp nhận 4 máy bay trực thăng Mi-35M. Với 4 máy bay trực thăng Mi-35M mới, Belarus đã hoàn thành việc giao lô hàng đầu tiên tại cùng một căn cứ.

Belarus nhận trực thăng chiến đấu Mi-35M hiện đại hóa. Ảnh: Bộ Quốc phòng Belarus

Được trang bị công nghệ cảnh báo và phát hiện tên lửa mới nhất, máy bay trực thăng Mi-35M sẽ giúp tăng cường khả năng không vận, chuyển quân của Belarus trong bối cảnh đội trực thăng Mi-24 của Belarus được bắt đầu đưa vào sử dụng năm 1974 đã sắp hết thời hạn sử dụng. Đầu thế kỷ 21, sau khi hiện đại hóa sâu rộng, trực thăng Mi-35M ra đời. Mi-35M khác với Mi-24 cổ điển ở thiết bị hạ cánh cố định, giúp giảm trọng lượng cho trực thăng; hệ thống cánh quạt chính và cánh quạt cân bằng đuôi ở phía sau cũng ngắn hơn và hệ thống dẫn đường và lấy phần tử bắn của Mi-35M có thể vận hành trong mọi điều kiện thời tiết.

Mi-35M cũng được trang bị động cơ VK-2500 mạnh mẽ và hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, có thể hoạt động cả ngày và đêm. Hệ thống theo dõi địa hình tự động trên máy bay đảm bảo cho Mi-35M có thể tiếp cận mục tiêu mà không bị phát hiện. Vũ khí chính trên Mi-35M bao gồm tên lửa chống tăng dẫn đường “Sturm-V” hoặc “Ataka-M”, tên lửa không dẫn đường S-8 và S-13, và pháo hai nòng GSh-23 23 mm. Mới đây, Mi-35M cũng đã được trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa L-370.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-18-4-iran-duyet-binh-lon-trong-boi-canh-cang-thang-leo-thang-773254