Quân Trần đánh tan triều đình bù nhìn do nhà Nguyên ngụy dựng

Cuối tháng 1.1288, đám Việt gian cùng đoàn quân hộ tống do Tỉnh đô sự hầu Sư, Vạn hộ Đạt, Thiên hộ Tiên chỉ huy vượt qua biên giới, tiến vào địa phận Lạng Sơn. Lúc này, các tin tức về sự di chuyển của địch đã được quan quân Đại Việt do thám được.

1. Thoát Hoan tiến chiếm Thăng Long. Triều Trần lần thứ 3 rút khỏi kinh thành:

Chiến thắng Vân Đồn – Cửa Lục của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cùng các quân sĩ dưới trướng là một bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến, đem lại cho quân dân Đại Việt rất nhiều lợi thế. Triệt tiêu được nguồn quân lương quan trọng của địch, quân ta có thể tiếp tục triển khai thế trận trường kỳ như lần kháng chiến trước, trong khi quân Nguyên sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng đói khát. Tuy nhiên trong nhất thời quân Nguyên vẫn còn hung hăng do số quân lương mang theo ban đầu bằng đường bộ vẫn còn, và chúng vẫn chưa hay biết gì về sự thảm bại của Trương Văn Hổ. Sĩ khí của quân Nguyên vì thế vẫn cao, lực lượng địch lại đông đảo, chúng vẫn tiếp tục đà tấn công mạnh.

Thoát Hoan chưa thấy thuyền thương của Trương Văn Hổ đến, tạm thời vẫn cho rằng việc hành quân bị chậm trễ chứ chưa biết thuyền lương đã bị quân ta đánh tan tác. Hắn sai Ô Mã Nhi cầm quân cướp bóc, vơ vét lương thực ở những vùng chiếm đóng để nuôi quân. Nhân dân quanh vùng Vạn Kiếp phải rên xiết dưới gót xâm lăng. Ngày 7.1.1288, quân Nguyên tiến đánh Tứ Thập Nguyên gần Vạn Kiếp để củng cố vùng chiếm đóng. Sau đó, Thoát Hoan gom quân thủy bộ tiến về hướng Thăng Long, đánh phá những cứ điểm tiền tiêu của quân ta, lấn dần từng bước một.

Ngày 21.1.1288, thủy bộ quân Nguyên cùng phối hợp đánh vào các vị trí tiền tiêu bảo vệ Thăng Long của quân ta trên sông Đuống. Thủy quân địch đánh vào cảng Mao La (bến cảng trên sông Đuống), Hưng Đạo vương cho quân vừa đánh vừa lui dần. Kỵ bộ địch thừa thế đánh vào trại quân ta ở Phù Sơn (chưa rõ vị trí cụ thể), chiếm lấy trại làm tiền tiêu.

Ngày 27.1.1288, Thoát Hoan chia quân tấn công kinh thành Thăng Long. Ô Mã Nhi làm tiên phong cánh thủy quân, A Bát Xích làm tiên phong cánh bộ binh, Phàn Tiếp chỉ huy thủy quân hộ tống đại quân của Thoát Hoan tiến sau làm hậu viện. Khí thế quân Nguyên rất mạnh, hành quân rất quy củ.

Hưng Đạo vương chia quân đánh cầm chân quân Nguyên, lại đặt mai phục ở nhiều nơi để đánh tỉa lược lượng giặc, trong khi đó việc chuẩn bị sơ tán quân dân khỏi Thăng Long đã sẵn sàng. Ngày 30.1, tiên phong thủy quân Nguyên chạm trán với quân Đại Việt do Minh tự Nguyễn Thức chỉ huy tại cửa Đại Than. Quân ta đánh bại được tiên phong của giặc, Nguyễn Thức cho quân rút lui ngay sau đó theo kế hoạch đã định trước. Quân Nguyên vẫn còn rất đông, xốc lại lực lượng tiến đến gần Gia Lâm.Quân Đại Việt mai phục từ trước đổ ra đánh một hồi rồi lại rút lui. Thuyền quân Nguyên đuổi theo một quãng rồi thôi.

Thoát Hoan kéo tới Gia Lâm, dừng quân đóng trại, chỉnh đốn lực lượng chuẩn bị vượt sông công phá thành Thăng Long. Vua Trần tranh thủ lúc dừng quân, sai sứ sang trại giặc phân tích thiệt hơn phải trái và yêu cầu hòa đàm. Thoát Hoan không nghe, sai Sát Hãn (Cayan) “kể tội” vua Trần, đuổi sứ về chuyển lời đến vua Trần. Những kẻ xâm lược tưởng rằng đã nắm được thế thượng phong nên không ngần ngại khép lại mọi nỗ lực hòa bình. Thực ra vua tôi nhà Trần đã bày sẵn thế trận liên hoàn chờ đón chúng.

Ngày 2.2.1288, Thoát Hoan từ Gia Lâm tung quân vượt sông công phá Thăng Long. Đại quân ta đã rút khỏi đây cùng với hoàng thất và nhân dân, chỉ còn một số chiến sĩ cảm tử quân ở lại thủ thành để dựa vào thành trì cố gắng gây cho địch nhiều tổn thất nhất có thể. Do vậy, Thoát Hoan nhanh chóng chiếm được Thăng Long. Quân ta các đồn quanh Thăng Long cũng lần lượt rút lui. Cánh quân Nguyên ở Vân Nam tiến xuống nước ta từ hướng tây bắc dưới trướng Ái Lỗ nhiều ngày bị cầm chân ở ải Phú Lương, nay mới có thể thuận lợi kéo quân đến hội sư với Thoát Hoan.

Ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông, ba lần vua tôi nhà Trần phải sơ tán khỏi kinh thành. Cũng như lần kháng chiến trước, Hưng Đạo vương cùng triều đình nhà Trần quyết định bỏ ngỏ Thăng Long, chuyển lực lượng về phía nam tránh thế mạnh ban đầu của giặc. Lần này quân ta có kinh nghiệm hơn, tiến hành đánh và rút, đổ bộ, chuyển quân, chặn hậu đều rất thành thục. Những chiến thuyền chở quân đều rất nhanh nhẹn, thuyền quân Nguyên không sao đuổi kịp. Cuộc rượt đuổi trên dòng sông Hồng vì thế mà ưu thế luôn nghiêng về phía quân ta.

2. Đánh đuổi Việt gian – Trận Nội Bàng:

Bấy giờ tại châu Tư Minh còn một đạo quân Nguyên có nhiệm vụ hộ tống đám Việt gian thuộc biên chế của “triều đình” bù nhìn mà Nguyên triều dựng lên. Khi thấy đường tiến vào nước ta đã mở, chúng lục tục kéo vào nước ta. Đạo quân hộ tống đông đến 5.000 tên. Đám Việt gian về nước lần này có Lê Trắc là thuộc hạ của tên quý tộc phản bội Trần Kiện đã bị giết trong lần kháng chiến trước. Ngoài ra còn có các tên Nguyễn Lĩnh, Lê Án, Trần Dục (con trai Trần Ích Tắc, mới 9 tuổi)…

Quân địch nghĩ đơn giản rằng những nơi mà quân Thoát Hoan đã đi qua hẳn là đã tương đối an toàn do quân các cửa ải của Đại Việt đã bị quân Nguyên đánh hạ. Nhưng thực sự quân ta còn rất đông ở rải rác các vùng biên giới, dọc theo trục đường tiến quân của giặc. Theo kế hoạch của Hưng Đạo vương, quân dân những vùng biên giới chỉ đánh cầm chân, tiêu hao đại quân Nguyên dưới trướng Thoát Hoan rồi rút lui, lẩn tránh nơi rừng núi chờ cơ hội quấy rối hậu tuyến của giặc. Và điều mà đám Việt gian và đoàn quân hộ tống không ngờ nhất là chẳng những quân Đại Việt còn bám trụ lại, mà quân ta còn đông đảo hơn hẳn con số 5.000 quân của chúng, lại còn nguyên bộ khung tác chiến, sẵn sàng tản ra để ẩn giấu hình tích hay hợp lại để đánh những đòn mạnh.

Cuối tháng 1.1288, đám Việt gian cùng đoàn quân hộ tống do Tỉnh đô sự hầu Sư, Vạn hộ Đạt, Thiên hộ Tiên chỉ huy vượt qua biên giới, tiến vào địa phận Lạng Sơn. Lúc này, các tin tức về sự di chuyển của địch đã được quan quân Đại Việt do thám được. Quân ta âm thầm tập họp lực lượng bao gồm quân chính quy triều đình, thổ binh, dân binh các châu động đón lõng địch ở ải Nội Bàng. Ngày 1.2.1288, quân địch tiến vào ải Nội Bàng (thuộc thị trấn Chũ, Bắc Giang ngày nay), quân ta trước sau chặn đánh. Quân Nguyên cùng đám Việt gian lọt vòng vây, rút vào làng ven sông Bình Giang (một đoạn sông Lục Nam chảy qua Nội Bàng) cố thủ. Địch đốt nhà dân để làm chướng ngại vật, bày trận tựa lưng vào sông chống cự lại, hy vọng quân Nguyên từ Vạn Kiếp tới ứng cứu. Quân ta quyết tâm cao độ, tiến đánh không ngừng nghỉ suốt một ngày một đêm.

Đến hừng sáng hôm sau thì trận thế quân Nguyên tan vỡ, mạnh ai nấy chạy. Quân Đại Việt thả sức truy kích, 5.000 quân địch bị giết gần hết, Tỉnh đô sự hầu Sư chết trong đám loạn quân. Lê Trắc thuộc đường nên dẫn bọn Vạn hộ Đạt, Thiên hộ Tiêu, Nguyễn Lĩnh, Lê Án, Trần Dục … cùng khoảng 60 kỵ binh còn sót lại đêm ngày chạy trốn về nước Nguyên. Truy binh Đại Việt vẫn đuổi dài theo sau, có lúc suýt bắt kịp cả bọn. Bọn Lê Trắc chạy bán sống bán chết mới thoát được về châu Tư Minh nước Nguyên vào ngày 3.2.1288. Bấy giờ là đúng là mồng 1 Tết Nguyên tán, đám Việt gian cùng tàn binh bại tướng bày tiệc ăn Tết và ăn mừng thoát chết. Lê Trắc tự ghi trong hối ký của mình: “Chật vật hiểm nghèo, muôn phần chắc chết. Ngày chạy mấy trăm dặm, từ nửa đêm đến tảng sáng đến châu, vọng bái cửa khuyết, mừng tết năm Mậu Tý”.

Chiến thắng tại ải Nội Bàng của quân dân vùng biên giới diễn ra chớp nhoáng, nhanh gọn, là minh chứng cho sự thất bại của quân Nguyên trong việc kiểm soát vùng hậu tuyến. Sau trận chiến, quân ta lại tản ra và rút về các nơi ém quân an toàn. Mặc dù Thoát Hoan có cố gắng xây dựng căn cứ Vạn Kiếp vững chắc với mong muốn đảm bảo sự thông suốt về quân lực, liên lạc, hậu cần giữa các tuyến đường mà quân Nguyên đi qua thì tình hình cũng không khả quan hơn lần xâm lược trước là bao. Thất bại này nối tiếp thất bại khác trong chuỗi kế hoạch tác chiến của quân Nguyên. Quân xâm lược dù đông và mạnh nhưng cũng đầy những điểm yếu để quân dân ta khai thác hòng giành thắng lợi cuối cùng.

(còn tiếp)

Quốc Huy

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/quan-tran-danh-tan-trieu-dinh-bu-nhin-do-nha-nguyen-dung-nen-50769.html