Quản trị công ty: Lo đối phó, mất nhiều hơn được

Được xây dựng từ hơn 120 tiêu chí dựa trên các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, Báo cáo đánh giá công bố thông tin và minh bạch (CBTTMB) 2014 được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố cuối tuần qua, cho thấy còn nhiều việc để làm nhằm thay đổi quản trị công ty (QTCT) trong doanh nghiệp hiện nay.

Nặng tuân thủ hơn nhu cầu tự thân

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư - Thương mại TNG, cho biết từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 80 triệu đồng vì mắc lỗi về CBTT. Qua đó, công ty ông đã không mắc lỗi tương tự, thậm chí về sau còn được khen tuân thủ tốt về CBTT. Theo ông Thời, CBTT nói riêng, QTCT nói chung đã được TNG quan tâm hơn vì nâng cao hình ảnh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhờ QTCT tốt TNG đã nhận được những hợp đồng may từ các khách hàng đến từ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, dù có nhiều tác dụng tích cực, những công ty có điểm cao về CBTTMB lại không nhiều. Theo báo cáo đánh giá CBTTMB 2014, trong số 346 doanh nghiệp niêm yết được đánh giá, chỉ 19 doanh nghiệp đạt số điểm trên 75 (thang điểm 100); 237 doanh nghiệp đạt 50-70 điểm; 40 công ty dưới điểm trung bình và 64 doanh nghiệp đạt 70-75 điểm.

Số liệu từ HNX cũng cho thấy 97% trong số 521 doanh nghiệp niêm yết tại HNX tuân thủ thời gian về CBTT. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa TPHCM - đơn vị chủ trì thực hiện báo cáo, cho biết còn nhiều điểm yếu trong CBTTMB, như không công bố đầy đủ báo cáo ban kiểm soát và toàn văn báo cáo tài chính trong báo cáo thường niên; báo cáo thường niên thiếu thông tin về rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, không phân tích nguyên nhân dẫn đến việc không đạt/vượt các chỉ tiêu so với kế hoạch; trang thông tin điện tử thiếu báo cáo tài chính, nghị quyết và biên bản họp đại hội cổ đông.

Kết quả đánh giá cũng cho thấy khoảng cách hiện tại giữa mức độ CBTTMB của doanh nghiệp so với yêu cầu của cơ quan quản lý còn khá lớn, và rất lớn so với yêu cầu nhà đầu tư. Để tạo niềm tin nơi nhà đầu tư, báo cáo khuyến nghị doanh nghiệp không chỉ nỗ lực trong việc đạt được các yêu cầu của cơ quan quản lý thị trường, mà cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, tự nguyện CBTTMB, tôn trọng nhà đầu tư.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo cáo tạo cảm giác CBTT của doanh nghiệp vẫn dựa theo yêu cầu, quy định mang tính tuân thủ hơn so với nhu cầu của chính mình. Điều này cho thấy với nhiều doanh nghiệp, sự minh bạch chưa phải nhu cầu tự thân.

Còn theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN), CBTT của nhiều doanh nghiệp mang tính giải trình để không bị phạt, không phải để phục vụ cổ đông, nhà đầu tư. Ông Quách Thành Châu, Công ty Kiểm toán PwC, cho rằng không thể so sánh với Singapore nhưng nếu so với Thái Lan, Malaysia vẫn còn khoảng cách xa. Những thông tin nhà đầu tư cần có rất ít trong báo cáo, thậm chí thông tin đưa ra khiến nhà đầu tư khó hiểu, khó so sánh do mang tính tuân thủ hơn minh bạch.

Đề cập đến những mảng tối trong CBTT của doanh nghiệp niêm yết trên HNX liệu có ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, cho rằng “đã sợ không làm, đã làm không sợ”. Để hình thành báo cáo, HNX đã xây dựng 120 tiêu chí dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học cũng như tham khảo các tiêu chuẩn của IFC, các nước ASEAN và mời đơn vị độc lập chấm.

Kết quả đạt được, điều quan trọng không phải là sáng hay tối mà nhìn vào đúng thực tế. Vì thế, việc nhiều công ty không có điểm cao về CBTTMB, có thể lý giải được vì sao chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam đứng thứ 159 trong số 189 nước được nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Cơ hội hút vốn đầu tư

Các nghiên cứu về QTCT đã chỉ ra doanh nghiệp có QTCT tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn, có chỉ số P/E tốt hơn, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng và huy động vốn tốt, có khả năng chống chọi tốt hơn trong và sau khủng hoảng.

Ông Trần Văn Dũng,
Chủ tịch HĐQT HNX

Theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều tài liệu chứng minh QTCT liên quan chặt chẽ hoạt động của công ty, triển vọng phát triển. Bởi chỉ riêng việc minh bạch, công khai sẽ giúp nhà đầu tư rót tiền vào doanh nghiệp thay vì gửi ngân hàng. Nguồn vốn chỉ đổ vào những nơi thuận lợi, thiết chế minh bạch mà QTCT tốt đóng vai trò quan trọng.

Thời gian tới, để làm ăn với các tập đoàn, vấn đề QTCT càng phải được đặt nặng hơn. Cũng theo ông Tuấn, số liệu khảo sát được VCCI đưa ra cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ đi. Thực tế đáng suy nghĩ đó có thể bắt nguồn từ việc doanh nghiệp thiếu khả năng quản trị bài bản, nên khi phát triển đến một ngưỡng nhất định dễ gặp rủi ro, khủng hoảng, co hẹp hoạt động kinh doanh và không thể lớn được.

Ông Đàm Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, chia sẻ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khi được hỏi về việc QTCT, đã nói “cái gì cũng trong đầu tôi hết nên không cần đội ngũ hay áp dụng QTCT theo chuẩn mực”. Chính những doanh nghiệp này khi thuận lợi, làm ra nhiều tiền nhưng không có cơ chế phát hiện rủi ro, nên khi thị trường khó khăn lập tức mất phương hướng và ảnh hưởng đến khả năng phát triển sau đó.

Theo bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn quản trị công ty HNX, QTCT tốt sẽ góp phần hút vốn từ nhà đầu tư. Nghiên cứu tại nhiều nước đã chỉ ra QTCT và mức giá cổ phiếu tốt là mối quan hệ hữu cơ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán phát triển cho thấy công khai, minh bạch sẽ hạn chế cổ phiếu của doanh nghiệp bị làm giá, đồng thời việc thao túng cổ phiếu sẽ càng khó nếu doanh nghiệp có mức độ công khai, minh bạch cao.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20141006/lo-doi-pho-mat-nhieu-hon-duoc.aspx