“Quản trị” rủi ro thiên tai

(DĐDN) Honda VN sẽ phải dừng sản xuất ôtô Civic đến tháng 4/2012 vì đối tác bên Thái Lan… lụt. Ví dụ này để thấy, khi DN chịu rủi ro thiên tai, sẽ có hiệu ứng đôminô xảy ra không chỉ trên bình diện quốc gia. Tuy vậy, dường như DN Việt lại chưa được hướng dẫn về cách để giảm thiểu những rủi ro này.

Thực tế tại VN cho thấy, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến khắc phục hậu quả sau thiên tai của cộng đồng mà chưa thật sự quan tâm đến thiệt hại của DN trong vùng chịu ảnh hưởng (thậm chí DN còn là những đối tượng để làm nhiệm vụ quan tâm đến cộng đồng). Điều này đã được khẳng định qua báo cáo “nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó rủi ro thiên tai (RRTT) cho các DNNVV” do VCCI phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) triển khai tại một số tỉnh miền Trung ở VN.

Ảnh hưởng nhiều...

Qua khảo sát cho thấy 100% DN đã và đang tham gia tích cực đóng góp tài chính vào việc cứu trợ thiên tai cho người lao động, cộng đồng trong vùng và kể cả những vùng lân cận. Ngoài tiền, một số DN còn đóng góp bằng lương thực, thuộc men và nhu yếu phẩm khác...

Tuy nhiên, các DNNNV của VN lại chưa tự bảo vệ mình trước các sự cố bất ngờ của thiên tai. Kết quả khảo sát cho thấy 100% số DN khảo sát đều bị ảnh hướng bởi thiên tai ở các mức độ khác nhau, trong đó 35% số DN thiệt hại ở mức nặng nề và rất nặng nề. Chỉ tính riêng cơ bão Xangsane năm 2006, TP Đà Nẵng thiệt hại 5.290 tỉ đồng, trong đó cộng đồng DN thiệt hại khoảng 3.000 tỉ đồng. Nhưng phần lớn các DN bị nạn đều không có hợp đồng bảo hiểm tài sản nên đành chịu mất trắng và nợ nần chồng chất. Đáng nói là, một số DN của Nhật có nhà xưởng tại địa bàn Đà Nẵng gặp rất ít thiệt hại. Bởi họ đã áp dụng đúng châm ngôn của... VN: phòng hơn chống. Họ đã giảm thiểu rủi ro ngay từ... những phích cắm điện. Bà Tô Kim Liên – Đại diện Quỹ Châu Á cho biết, họ đã để những chiếc phích cắm ở mức trên 1 mét với lý giải, mức nước ngập đến mức này cũng phải có thời gian. Chính vì thế, DN vẫn có điện để tiếp tục tìm cách giảm thiểu rủi ro.

Đối phó ít

Tuy nhiên, số liệu khảo sát trong báo cáo đánh giá tình trạng sẵn sàng của DN trong RRTT cho thấy, hầu hết các DN chưa quan tâm đến công tác quản lý RRTT. Đặc biệt, các DNNVV chưa có điều kiện để quan tâm đến công tác quản lý RRTT và tự bảo vệ mình trước các sự cố bất ngờ của thiên tai.

Chỉ tính các DN trả lời phiếu điều tra, 5,43% DN không quan tâm đến công tác phòng chống RRTT hoặc không nhận thức được lợi ích của việc quản lý RRTT; 45,74% DN có quan tâm nhưng chưa có kế hoạch quản lý RRTT; 33,33% DN đã có kế hoạch nhưng không đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện và 8,53% DN không trả lời về vấn đề này. Nghiên cứu một số phương án phòng ngừa và giảm nhẹ RRTT thu thập được qua đợt khảo sát cũng nhận thấy rằng các phương án chỉ liệt kê và mang tính đối phó. Các DN cho biết họ không được tiếp cận đầy đủ về các chính sách của Chính phủ liên quan đến phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Chính vì thế, họ không có khả năng lên kế hoạch và chuẩn bị ứng phó với thiên tai.

Các DNNVV, trong đó bao gồm ban lãnh đạo, các các cán bộ quản lý ở các bộ phận liên quan thiếu kiến thức và kỹ năng để có thể tự xây dựng kế hoạch quản lý RRTT. Bởi từ trước đến nay, các DNNVV chưa từng được trang bị kiến thức và kỹ năng về công tác quản lý RRTT. Trong khi đó các DNNVV hoạt động kinh doanh tại khu vực miền Trung, nơi trung tâm của bão lụt lại là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhất trước các biến cố về thiên tai. Một số DN đã xây dựng được phương án phòng chống RRTT nhưng chỉ mang tính hình thức đối phó cho đúng thủ tục trong trường hợp để vay ngân hàng.

Hơn nữa, việc tham gia mua bảo hiểm RRTT chính là một trong những biện pháp nhằm giảm tủi ro cho DN trong trường hợp thiên tai. Nhưng hiện nay, hầu hết các DNNVV chưa nhận thức được vấn đề này. Số lượng DN tham gia mua bảo hiểm RRTT còn rất hạn chế. Nhiều DN còn chưa nắm được thông tin về loại dịch vụ bảo hiểm này. Đã có những DN không thể tiếp tục hoạt động trở lại do khánh kiệt nguồn vốn phải đứng ngấp nghé bờ vực phá sản.

Từ thực tế của Nhật Bản, Tiến sĩ Takehiro Isei, nguyên cố vấn trưởng dự án JICA Nhật Bản đã đưa ra một số kinh nghiệm: Quản trị rủi ro bằng việc đa dạng hóa đối tác nhà cung ứng đầu vào, đối tác mua sản phẩm đầu ra, đa dạng hóa vị trí của nhà máy và mở thêm chi nhánh văn phòng đại diện ở một số vị trí khác nhau... Quản trị rủi ro về tiền và tài sản bằng cách mua bảo hiểm cho tiền và tài sản của mình để khi rủi ro xảy ra được bảo hiểm chi trả.

Thay lời kết

Hơn lúc nào hết, đã đến lúc chính sách của nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ mọi công dân, cộng đồng và đặc biệt là các DN cùng tham gia công tác chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đưa công tác này trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi thành phần kinh tế, chứ không chỉ là của Nhà nước.

P.V

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2011112510385588cat44/quan-tri-rui-ro-thien-tai.htm