Quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh CNN: Quyết định đúng

UBND TP Hà Nội vừa ký kết hợp tác tuyên truyền quảng bá giai đoạn 2017 – 2018 với mạng tin tức truyền hình cáp CNN.

Đây được xem là bước đột phá giúp Hà Nội thu hút du khách quốc tế. Bởi hiện CNN có hàng tỷ khán giả trên toàn thế giới và là nhà cung cấp tin tức cho hơn 200 đài phát thanh và truyền hình trên toàn cầu.

"Át chủ bài" hút khách quốc tế

Lâu nay, Hà Nội được đánh giá giàu tiềm năng phát triển du lịch hơn Thủ đô Bangkok của Thái Lan với hơn 1.000 làng nghề truyền thống, hơn 5.000 di tích, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng đã được UNESCO công nhận. Nhưng Hà Nội mới chỉ thu hút được 4 triệu du khách quốc tế năm 2016, bằng khoảng 1/5 lượt khách quốc tế đến Bangkok . Một trong những nguyên nhân được Tạp chí Forbes chỉ ra là bởi 2 triệu USD chúng ta chi cho quảng bá du lịch ở thị trường quốc tế chỉ bằng 2,9% Thái Lan với 67 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, giới chuyên môn luôn cho rằng, quảng bá, xúc tiến chính là “át chủ bài” để thu hút các “thượng đế” nước ngoài. Chuyên gia du lịch Nguyễn Châu Á - người đưa Sơn Đoòng lên Good Morning America khẳng định, việc Hà Nội chi tiền quảngbá hình ảnh trên kênh CNN là rất cần thiết. “Phải quảng bá để du khách biết đến Hà Nội, việc còn lại là các cơ quan và DN bắt tay xúc tiến. Chẳng hạn, khách xem chương trình truyền hình của CNN phải thốt lên “Việt Nam có Hà Nội đẹp quá, phở Hà Nội hấp dẫn quá”, sau đó DN mới có thể mời họ mua vé máy bay, tô phở. Còn nếu chưa biết tô phở là gì thì họ sẽ dè chừng” - ông Nguyễn Châu Á phân tích.

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đồng quan điểm này, nhiều DN, nhà nguyên cứu cho rằng, trong thế giới phẳng, nếu không chủ động quảng bá hình ảnh, đồng nghĩa với việc du lịch Hà Nội tự “nhường” miếng bánh thị phần cho các TP khác trong khu vực. Thời gian gần đây, du lịch Hà Nội đã có nhiều đổi khác, chỉ tính riêng năm 2016, cơ sở vật chất kỹ thuật, môi trường, sản phẩm du lịch đã được chú trọng cả về chất và lượng. Tháng 9, Hà Nội động thổ dự án Công viên Kim Quy đẳng cấp quốc tế bằng nguồn vốn xã hội hóa; thí điểm mở rộng không gian đi bộ quanh Hồ Gươm với khoảng 18 - 25 ngàn người/ngày. Cùng với đó, các sản phẩm mới như: Chương trình “Ký ức Hà Nội”, Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội - Việt Nam 2016 (thay đổi cả về nội dung và hình thức), Chương trình “Festival Áo dài Hà Nội 2016” được giới chuyên môn đánh giá cao, thu hút hàng vạn lượt khách. Giữa tháng 12, Sở Du lịch Hà Nội đã chính thức công nhận Lan Hương Fashion house (số 18 phố Âu Cơ, quận Tây Hồ) đạt tiêu chuẩn điểm đến du lịch áo dài đầu tiên trên địa bàn với tên gọi “Không gian Áo dài Việt”. Bên cạnh các sự kiện lớn, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các DN du lịch xây dựng sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội”; khai trương Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tại 28 Hàng Dầu và tour miễn phí đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội…

Tất cả đã và đang góp phần tạo nên một điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”. Minh chứng là năm 2016, ngành du lịch Hà Nội đã về đích sớm từ tháng 10 và lần đầu tiên đón bốn triệu lượt khách nước ngoài, tăng trưởng khoảng 26%. Trong đó, khách có lưu trú đạt gần 3 triệu người, ước tăng xấp xỉ 30% so với năm 2015. Những sắc màu mới, độc đáo trong bức tranh du lịch Thủ đô đó, nếu không “khoe” ra mà cứ chờ “hữu xạ tự nhiên hương” thì đồng nghĩa, Hà Nội tự hạ “đẳng cấp” của chính mình. Đó là chưa kể từ năm 2017, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh liên kết công – tư để tạo ra nhiều sản phẩm mới, dịch vụ chất lượng cao phục vụ du khách. Vì thế, nhiều người cho rằng, việc UBND TP Hà Nội quảng bá hình ảnh trên kênh CNN trong năm 2017 và 2018 là “nước cờ” rất đúng và trúng.

“Đắt xắt ra miếng”

Theo PGS TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, du lịch thực chất là một ngành kinh tế, do đó, quảng cáo chắc chắn là một hoạt động không thể thiếu trong việc kinh doanh. Việc chi 2 triệu USD để quảng bá trên CNN trong 2 năm là cao so hơn với các kênh quảng bá khác. Nhưng “đắt xắt ra miếng”, vì kênh này có độ phủ sóng toàn cầu, thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Hình ảnh Hà Nội và Việt Nam sẽ được hàng tỷ người trên khắp các châu lục biết đến. Và chắc hẳn chúng ta vẫn nhớ, sau khi CNN đăng tải video Tổng thống Obama ăn bún chả tại Hà Nội hay quán “bún chửi” ở Hà Nội, các hàng, quán này bỗng “vớ được vàng”, khách kéo đến đông tới mức phải mở cơ sở khác. Ngay sau đó, bún chả Hà Nội lọt Top 100 trải nghiệm đáng có trong đời…

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Trung Lương cũng lưu ý, vì đối tượng khán giả của CNN rất lớn, trải dài trên nhiều quốc gia, nên khác với việc xúc tiến quảng bá có tính thị trường trọng điểm, thông tin truyền tải đến người xem cần phải bao gồm những đặc điểm phủ hết được những thị trường ấy. Nghĩa là, phải vừa có cả văn hóa, vừa có cả thiên nhiên,... hình ảnh giới thiệu Hà Nội và Việt Nam phải chung và đủ đầy, nhưng phải thật chắt chiu, mang đặc trưng truyền thống, sự khác biệt. Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang được xem là một điểm đến an toàn, ổn định cho khách du lịch, nhất là trong bối cảnh chính trị bất ổn của nhiều nước trong khu vực, do đó, thông điệp này cũng cần được đẩy mạnh quảng bá.

Kỳ vọng việc quảng bá trên CNN sẽ tạo được “bước nhảy” hút khách quốc tế đến Hà Nội, nhưng ngành du lịch Thủ đô vẫn luôn xác định, điều quan trọng nhất để thu hút du khách là phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng và dịch vụ hoàn chỉnh. Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó, tiếp tục xây dựng các tour mới, có chất lượng; nâng cấp điểm đến tại một số di sản văn hóa trên địa bàn; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây... để phục vụ các “thượng đế” một cách tốt nhất. Ngoài ra, Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến ở các nhiều kênh, phương diện khác nhằm đạt mục tiêu đón 4,08 triệu khách quốc tế vào năm 2017.

Sẽ có đánh giá hiệu quả định kỳ

Theo Chương trình hợp tác chiến lược giai đoạn 2017-2018, mạng CNN sẽ hợp tác với TP Hà Nội sản xuất 3 phim quảng cáo 30 giây cùng các phim 60 giây, phóng sự 3-5 phút, chương trình đặc biệt 30 phút trên truyền hình. Cùng với đó là các trang giới thiệu riêng về Hà Nội như "Hà Nội - Trái tim Việt Nam", "Hà Nội của tôi" hay "Hà Nội Góc nhìn" trên trang CNN.com và bài viết trên mạng xã hội Facebook; Twitter cùng các banner quảng cáo. Kênh phát trên cả 2 nền tảng truyền hình và kỹ thuật số như trên máy tính, ứng dụng trên các thiết bị cầm tay. Khu vực phát sóng gồm Châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á. Chương trình thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bình đẳng, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và phạm vi thẩm quyền của mỗi bên. Ý tưởng, chủ đề, nội dung quảng bá, thời lượng phát sóng và các nội dung liên quan của Chương trình đảm bảo nhất quán, thể hiện đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội gắn với vùng Thủ đô, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và đất nước Việt Nam. Nội dung chương trình hợp tác được các bên liên quan phối hợp thực hiện, đồng thời, sẽ có một công ty tư vấn nghiên cứu độc lập của Vương quốc Anh thay mặt cho CNN và Hà Nội tiến hành các đợt khảo sát đo lường hiệu quả, nhận thức về thương hiệu và nhận thức của chiến dịch quảng bá về Hà Nội trên CNN định kỳ, nhằm đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện quảng bá đến cộng đồng quốc tế.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng

Nên đầu tư quảng bá cả trên internet

Mặc dù việc quảng bá du lịch trên hai kênh tiếng Anh Discovery và National Geographic đạt hiệu quả cao, nhưng, Malaysia vẫn đẩy mạnh quảng bá trên internet bởi sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc thường tìm kiếm nguồn tin từ kênh này. Nếu biết thực hiện tốt trên cơ sở tận dụng lợi thế kỹ thuật của internet thì đây là kênh quảng cáo cực kỳ hữu hiệu, đôi khi còn hơn cả truyền hình mà cho phí lại rẻ hơn. Cùng với đó, Malaysia cũng đã thực hiện nhiều phương thức quảng bá hữu hiệu khác ở nước ngoài như: Dán biểu tượng trên taxi, quảng cáo ở trạm xe buýt và ga tàu điện ngầm, phát loa nơi công cộng… bằng ngôn ngữ địa phương.

Nguyên Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch Malaysia Victor Wee

Cần sự vào cuộc của các chuyên gia

Quảng bá du lịch trên kênh CNN là một dự án mang tính đột phá của Hà Nội. Tuy nhiên, dự án này cần có sự vào cuộc của các chuyên gia về truyền thông để đạt hiệu quả cao nhất và đáng “đồng tiền bát gạo”. Trước tiên, phải có một slogan ấn tượng như nhắc đến Amazing Thailand là người ta nhớ đến Thái Lan, nhắc đến Truly Asia là người ta nhớ đến Malaysia ... Kinh phí 2 triệu USD là lớn thật nhưng cũng không lớn nếu Hà Nội chi đúng, còn nếu làm không bài bản và chuyên nghiệp dễ gây lãng phí. Mặt khác, muốn làm quảng bá hiệu quả trước hết Hà Nội phải có sản phẩm tốt, hấp dẫn, dịch vụ tốt, kế đến là các website có nội dung phong phú, hấp dẫn. Từ đây Hà Nội có thể dùng các phương tiện truyền thông để quảng bá hình ảnh, CNN là một trong những phương tiện truyền thông đó.

Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quang-ba-du-lich-ha-noi-tren-kenh-cnn-quyet-dinh-dung-276824.html