Quảng Bình: Cào bằng trong chia gạo cứu đói, biết sai vẫn làm

Gạo cứu đói là nhằm hỗ trợ lương thực duy trì cuộc sống cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thực sự thiếu đói. Nhưng ở xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) thì việc nhận gạo cứu đói về và chia đều không đúng theo quy định.

Gạo cứu đói được chia đều

Theo phản ánh của chị Dương Thị Thanh (45 tuổi, trú tại thôn Đạm Thủy 3, xã Thạch Hóa) về việc chính quyền địa phương phát, chia gạo cứu đói không đúng nguyên tắc, không đúng đối tượng.

Đơn người dân thôn Đạm thủy 3 phản ánh tiêu cực trong chia gạo cứu đói gửi Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa.

Đơn người dân thôn Đạm thủy 3 phản ánh tiêu cực trong chia gạo cứu đói gửi Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa.

Trong đơn chị Thanh trình bày, chính quyền Thôn Đạm Thủy 3 “chia gạo đợt 1, 2 cuối năm 2016 và đã cắt mất 2 khẩu của gia đình ông Dương Trọng Đãi vì số khẩu này không có mặt trong lũ. Trong khi đó có nhiều gia đình có người không có mặt trong lũ ở thôn này vẫn được chia gạo. Đợt chia gạo lần thứ 4 vào ngày 22/2/2017, gia đình chị Thanh được chia 1,7 kg/khẩu, nhưng gia đình không nhận và đem trả lại cho thôn”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, không riêng gia đình chị Thanh, mà nhiều gia đình trong thôn cũng bị cắt giảm số khẩu khi chia gạo hỗ trợ trong các đợt. Thôn không họp bình xét các hộ theo hướng dẫn của công văn chỉ đạo, mà tiến hành chia đều số gạo cứu đói cho toàn dân.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thương là hộ nghèo, có 6 khẩu gồm bố mẹ và 4 người con. Đứa lớn học lớp 12, đứa út đang học lớp 6. Để con có cái ăn, cái chữ, nên tháng 10, anh chị vào hái cà phê thuê trong Tây Nguyên.

“Hai vợ chồng tôi vừa đi vào đến Kon tum thì con điện vào nói ở nhà mưa to, bị lụt. Hai vợ chồng lại bắt xe quay ra thì bị mắc lũ. Đến khi về đến nhà thì nước đã xuống. Chỉ có 4 đứa nhỏ dìu nhau trong lũ thôi. Sau đó thôn thông báo đi nhận gạo hỗ trợ lụt bão, gia đình tôi chỉ được nhận 4 khẩu, còn khẩu tôi và chồng không có vì trưởng thôn nói không có mặt trong lũ.

Sau lần đó, các lần chia gạo sau gia đình tôi cũng chỉ có 4 khẩu được nhận gạo. Họ không tổ chức họp thôn, mà tự ý phân chia theo cảm tình. Trong khi nhận phân phát gạo, ai to miệng thì họ thêm gạo, còn không thì không được thêm”.

Hộ anh Nguyễn Văn Chiến có 7 khẩu, nhưng lần nào cũng chỉ được thôn chia cho 4 khẩu, lần sau cùng thôn thêm cho 1 khẩu của đứa cháu nữa là thành 5 khẩu.

“Họ chia 4 khẩu vì họ nói khi đi kiểm tra, không có mặt ở nhà để ghi danh sách. Đã phát chia 4 khẩu, nhưng khi trưởng thôn đọc thông báo danh sách được nhận gạo trên loa truyền thanh thì lại có đầy đủ 7 khẩu. Tôi lên hỏi lại thì ông Điền trưởng thôn dùng lời lẽ thô tục chửi xúc phạm, và đuổi chúng tôi về để cháu ông ngủ” chị Tiếp vợ anh Chiến bức xúc kể.

Biết sai nhưng vẫn làm?

Ông Hoàng Hữu Điền-Trưởng thôn Đạm Thủy 3 cho biết, trong thôn có 150 hộ với hơn 620 nhân khẩu. Thôn đã được hỗ trợ 4 đợt gạo cứu đói của Nhà nước, trong đó 2 đợt cứu đói sau lũ tháng 10/2016.

Ông Hoàng Hữu Điền, Trường thôn Đạm Thủy 3 thừa nhận biết có sai chỉ đạo, sai nguyên tắc, nhưng chia đều gạo là ý của dân(?).

“Khi nhận gạo về, đợt 1 vì trong lũ nên không tổ chức họp toàn dân được nên thôn đã họp cán bộ cốt cán và quyết định chia gạo đều cho mọi người bởi lụt thì lút cả làng, ai cũng bị ảnh hưởng. Nhưng không chia phát gạo cho những người vắng mặt trong lũ.

Sau đó đợt 2 và đợt 3 chúng tôi cũng chủ trương như lần 1. Sang đợt 4, thôn được nhận 1.110kg gạo, chúng tôi đã biết các lần trước sai nguyên tắc, nên lần này tổ chức họp thôn, nhưng một số ý kiến cho rằng dân không ai bị thiếu đói thực sự, cũng không bị đứt bữa nên không tiến hành chia được.

Ngày 9/2, chúng tôi họp cốt cán trong thôn và báo cáo xã bằng văn bản, rồi sau đó nhận gạo về chia đều, mỗi khẩu được 1,7kg. Khi người dân nhận gạo, chúng tôi đánh dấu thôi, chứ người dân không ký nhận vào sổ sách. Theo công văn chỉ đạo thì mỗi khẩu 15kg, và hộ nào được trợ cấp thì trợ cấp toàn bộ, nên chúng tôi biết làm vậy là không đúng” ông Điền thanh minh.

“Trong quá trình phân chia gạo, chúng tôi cũng dành phần dôi dư ra, để có gì mà bổ sung, chứ không nếu chia hết rồi rà soát lại có thêm khẩu không còn gạo mà chia cho họ”, ông Điền cho biết.

Thực tế tại thôn Đạm Thủy 3 thì việc nhận gạo về từ giữa tháng 2, nhưng đến nay công tác chia gạo vẫn còn chưa xong. Hiện đang còn khoảng 125 kg gạo chưa phân chia đang được gửi ở nhà dân. “Số gạo này là do người dân đang đi vắng chưa nhận và một hộ nhận xong rồi mang trả lại”, ông Hoàng Minh Tú, cán bộ mặt trận thông thông tin.

Ông Hoàng Minh Tuất, cán bộ mặt trận Thôn Đạm Thủy 3 cùng với số gạo chưa chia hết vì dân không đến nhận, và một hộ mang trả lại phải gửi nhờ ở nhà dân.

Trao đổi với báo chí, ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết: “Chúng tôi cũng vừa nhận được đơn dân gửi từ cấp trên chyển về, phản ánh việc chia gạo không đúng nguyên tắc, đối tượng ở thôn Đạm Thủy 3. Tôi đã chỉ đạo tổ công tác ủy ban xuống cơ sở để kiểm tra. Nếu có sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định”.

Trước đó, UBND huyện Tuyên Hóa đã có Công văn số 40/UBND ngày 06/02/2017 về việc tiếp nhận và hướng dẫn hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp tết năm 2017 gửi các địa phương. Theo đó, các địa phương căn cứ số lượng gạo được phân bổ và tình hình thực tế đời sống nhân dân và điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đối tượng trong những ngày dịp Tết Nguyên đán để xét hỗ trợ gạo đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và chế độ quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ. Tuyệt đối không được xét và cấp phát bình quân, dàn trải, không đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Về mức hỗ trợ, tại khoản 1, Điều 12, Nghị định 136/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ lương thực 15 kg gạo/người đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch.

Việc thôn Đạm thủy 3 chia gạo sai ngyên tắc và không minh bạch nhưng chính quyền xã không hề hay biết. Người dân lên phản ánh nhưng xã không tiếp thu, đến khi đơn trên huyện trả về xã giải quyết theo thẩm quyền thì xã mới vào cuộc “kiểm tra”.

Thanh Hà

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quang-binh-cao-bang-trong-chia-gao-cuu-doi-biet-sai-van-lam-post222830.info