Quảng Bình gồng mình gượng dậy sau 'siêu bão' số 10

Gượng dậy sau cơn bão dữ Doksuri, các địa phương, ngành cùng nhân dân Quảng Bình đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp khắc phục hậu quả để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bão đổ bộ vào Quảng Bình với sức gió giật cấp 12 cấp 13 làm nhiều cây xanh gãy đổ. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Bão đổ bộ vào Quảng Bình với sức gió giật cấp 12 cấp 13 làm nhiều cây xanh gãy đổ. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Về các xã bãi ngang, ven biển như Đức Trạch, Hải Trạch (huyện Bố Trạch), xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) hay ngược lên những vùng quê vốn được ví như thủ phủ của cây cao su, hồ tiêu như Nông Trường Việt Trung, Phú Định (huyện Bố Trạch) của tỉnh Quảng Bình… tận mắt chứng kiến những thiệt hại mà bão gây ra khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Những gì còn lại sau bão số 10 là cảnh ngổn ngang, tiêu điều và tan hoang. Gượng dậy sau cơn bão dữ Doksuri, các địa phương, ngành cùng nhân dân Quảng Bình đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp khắc phục hậu quả để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 10, đặc biệt trong lĩnh sản xuất và trồng trọt. Tại huyện Bố Trạch, bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề với trên 19.850 nhà dân bị tốc mái, 17 nhà dân bị sập, trong đó 06 nhà sập hoàn toàn; 300 nhà dân bị ngập trên 1 mét; gần 200 phòng học bị tốc mái. 500 ha cây ăn quả và hàng ngàn ha hoa màu bị gãy đổ, ngập úng. Hàng ngàn vật nuôi gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hệ thống cơ sở vật chất tại các trường học, y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan, công trình thủy lợi, giao thông, điện lưới, đê kè… bị vỡ, hư hỏng nặng. Đặc biệt, thiệt hại nặng nhất phải kể đến đó là trên 6.200 ha cao su - tài sản quý giá - của nông dân trên địa bàn đã bị đổ, gãy và mất trắng.
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Nhiệm vụ trước mắt cần làm là huy động lực lượng cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên các đơn vị, hội, đoàn thể chung tay chung sức cùng bà con nhân dân khắc phục thiệt hại về nhà cửa; khẩn trương sửa chữa, dọn dẹp, vệ sinh trường học, trạm xá, trụ sở làm việc bị hư hỏng nặng… để sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện tiếp tục thống kê báo cáo thiệt hại do bão gây ra đối với nhân dân và địa phương, để kịp thời có phương án xử lý, hỗ trợ giúp đỡ bà con sớm ổn định đời sống, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp về các địa bàn được giao phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra nắm tình hình; đồng thời chia sẻ, động viên bà con vùng bị thiệt hại ổn định tinh thần, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhiều tàu thuyền xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch đã được người dân chằng chống, đưa vào nơi cao khuất gió trước khi bão đổ bộ. Tuy nhiên, sức gió quá lớn đã khiến nhiều thuyền nhỏ bị cát vùi lấp, đánh úp hoặc bị những cây phi lao nhiều năm tuổi gãy ngang đè lên. Ngư lưới cụ của ngư dân cũng bị mưa bão thổi bay. Nhiều bãi biển của tỉnh Quảng Bình ngổn ngang rác thải, củi khô. Nhà cửa của các hộ dân bị tốc mái, có nhà nước biển và cát tràn vào bên trong.
Con thuyền nhỏ đi lộng của lão ngư Phan Văn Phố, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch bị cát biển vùi lấp khi bão quét qua. Sáng 16/9, ông Phố cùng cậu con trai cả đã có mặt ngoài bờ biển từ sớm, cùng với các ngư dân trong làng hợp sức đưa thuyền ra khỏi hố cát. Vừa hì hục dội nước, lau chùi các phần thân thuyền, ông Phố cho hay, từ khi sinh ra đến giờ, đây là lần thứ hai sau hơn 10 năm, ông chứng kiến cơn bão to với sức gió kinh khủng như thế. Cả làng biển tan hoang, hầu hết nhà dân ở đây đều tốc mái, nhiều cây phi lao hàng chục năm tuổi cũng bị gãy đổ…. “Bão tan rồi, ngư dân chúng tôi lại chuẩn bị thuyền bè, ngư lưới cụ để tiếp tục ra khơi. Dân biển là vậy, sống chết chi cũng bám biển, gắn bó máu thịt với biển rồi”, lão ngư Phan Văn Phố nói.
Cách bờ biển khoảng 100m, nhà ông Lê Văn Toán cũng bị bão số 10 cuốn phăng mái che và hệ thống vòng bi bằng xi măng chắn cát biển của gia đình. Các vòng bi nặng hàng trăm kg trước đây được gia đình ông Toán đầu tư đúc, sắp thành hàng dài để ngăn cát, sóng biển lấn vào nhà và làng. Nhưng sau bão, tất cả bị gió biển hất văng khỏi mặt đất, nằm ngổn ngang, đè chồng lên nhau hỗn độn. Chỉ tay về phía những vòng bi, vẻ mặt đầy lo lắng, ông Toán cho biết: Biển ngày càng ăn sâu vào làng, chỉ cần một trận bão là nước biển dâng ùa cả vào nhà. Chỉ mong Trung ương, chính quyền địa phương sớm xây dựng hệ thống đê kè biển cho địa phương, may ra còn đỡ lo mỗi khi có bão.
Gần 4 tiếng đồng hồ bão Doksuri đi qua, hàng trăm ha cao su tại xã Phú Đinh, huyện Bố Trạch đang kỳ thu hoạch hoặc trong giai đoạn sắp cho thu hoạch bị gãy ngang, bật gốc hoặc bị gió đánh trơ trụi lá. Từng hàng cây gãy đỗ đè lên nhau ngổn ngang, tiêu điều. Chủ nhân các vườn cao su chỉ biết lượm lặt những cành củi cao su sao bão, lén lau nước mắt vì xót của và tiếc công chăm sóc. Tất cả tài sản, ước mơ của con cái họ gửi vào những hàng cây này, nhưng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, siêu bão số 10 cướp đi toàn bộ. Nhiều người rơi vào cảnh trắng tay sau gần chục năm đầu tư trồng cao su.
Thu lượm những cành cây cao su gãy đổ sau bão, nước mắt lăn dài trên má, chị Nguyễn Thị Hà, thôn Trung Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nghẹn ngào cho biết: Khoảng 1,5 ha với gần 1.000 cây cao su của gia đình đã bị bão đánh gãy, một số bị bật gốc, không thể khôi phục lại. Trước khi bão vào, chúng tôi còn phấn khởi đặt nhiều hy vọng vì giá mủ cao su trên thị trường đang có dấu hiệu tăng từ 20.000 đồng/kg lên gần 40.000 đồng/kg, nhưng bây giờ, không còn gì nữa. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư cả vào đây giờ trắng tay…
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương chủ yếu là vùng đất gò đồi, cây hồ tiêu và cao su được coi là cây trồng chủ lực và cao su được ví như “vàng trắng” của người dân. Nhưng cơn bão số 10 đã tàn phá, gây thiệt hại rất nặng nề, gần 400 ha ca

Tại nhiều nơi trong tỉnh, để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã triển khai tổ chức hai tổ công tác gần 200 cán bộ chiến sỹ tăng cường cho các địa phương như huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị dốc toàn lực cùng với các ban ngành và nhân dân địa phương với phương châm “phát huy tinh thần 4 tại chỗ”, nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão; tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình mưa lũ sẵn sàng ứng phó, giúp đỡ nhân dân.

Ngay sáng sớm 16/9, tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức vệ sinh, sửa chữa nhà bị tốc mái cho các hộ dân bị thiệt hại và Trường Tiểu học số 2 Thanh Trạch, sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn, thiệt hại, chung sức cùng nhân dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/quang-binh-gong-minh-guong-day-sau-sieu-bao-so-10/57114.html