Quảng Bình: Liên tục phát hiện xe công vụ ngành Y tế sử dụng sai mục đích

Ngay từ đầu năm nay, Tỉnh ủy Quảng bình đã có công văn về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý xe ô tô công trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, chỉ trong một ngày đã có 3 chiếc xe công vụ ngành Y tế tại tỉnh này bị phát hiện sử dụng sai mục đích.

Dùng xe biển xanh chở gỗ quý

Theo đó, vào khoảng 9h sáng ngày 27/3, đội tự nguyện bảo vệ đàn voọc gáy trắng tại xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã phát hiện và ghi lại hình ảnh chiếc xe biển xanh của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa mang BKS 73M-000.45 chở gỗ hương giáng.

Nhân chứng xác nhận, thời điểm các thành viên đội bảo vệ phát hiện và ghi hình, trên xe có 4 khúc gỗ Hương giáng. Đoàn công tác lúc đó cũng có 4 người, trong đó có ông Cao Sỹ Phượng - GĐ Trung tâm và ông Phạm Công Thành - Phó GĐ trung tâm. Đặc biệt hơn, chính tay ông GĐ Cao Sỹ Phượng là người trực tiếp trả tiền cho những người bốc gỗ.

Tuy nhiên một người trong đoàn công tác giải thích ông Phượng trả tiền mua thuốc chứ không phải tiền mua gỗ. Còn ông Phượng cho biết: “Số gỗ trên là do anh em trạm y tế nhờ chở” (?!).

Được biết, thời gian gần đây nhiều người đồn thổi cho rằng cây hương giáng để trong nhà có thể trừ ma, trừ tà, tạo phong thủy tốt cho gia chủ. Vì thế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã nóng lên tình trạng khai thác gỗ Hương giáng lậu, mỗi gốc có thế đẹp được bán với giá vài chục triệu đồng.

Đặc biệt, tại vị trí mà “đoàn công tác” của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa vận chuyển gỗ trên xe công có sự xuất hiện và sinh sống của loài voọc gáy trắng - là loài cực kỳ quý hiếm, nằm trong sách đỏ thế giới, trên toàn cầu chỉ còn tồn tại ở Quảng Bình. Tại 2 xã Đồng Hóa và Thạch Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình), chúng được người lính biên phòng về hưu Nguyễn Thanh Tú cùng một số người dân tự nguyện đứng ra bảo vệ. Hiện quần thể voọc quý hiếm này đang phục hồi với hàng trăm cá thể, tuy nhiên từ khi gỗ hương giáng bị đồn thổi trừ tà, đuổi ma quỷ thì chúng bị săn lùng ráo riết khiến quần thể voọc gáy trắng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính những hành vi vận mua bán, tiêu thụ hay vận chuyển cây Hương giáng như những vị cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa cũng đã “hâm nóng” thêm thực trạng khai thác loại gỗ giá trị này. Đồng thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại và thu hẹp không gian sống của loài voọc quý.

Phó GĐ Sở cùng thuộc cấp đến nhà hàng bằng xe biển xanh trong giờ hành chính

Cũng trong ngày 27/3, nhiều người dân ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình phát hiện trong giờ hành chính có 3 chiếc xe ô tô biển số xanh đậu trước nhà hàng tại địa bàn.

Sau khi nhận được phản ánh, phóng viên đã có mặt tại quán Bờ Hồ (xã Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Theo ghi nhận, có 3 xe ô tô mang BKS màu xanh gồm: 73A-002.19, 73A-000.67 và xe 37A-1675. Phía trong quán có 8 người tổ chức ngồi 2 bàn ghép lại đang ăn nhậu. Đến khoảng 16h45, có 2 người lên chiếc xe 37A-1675 về trước chạy theo hướng ra Bắc. Những người còn lại vẫn ở lại trong quán, đến 18h mới lên xe ra về.

Xe biển xanh chễm chệ trước nhà hàng trong giờ hành chính

Qua xác minh được biết, chiếc xe mang BKS 73A-002.19 là của Trung Tâm y tế Dự phòng huyện Lệ Thủy, xe 73A-000.67 là của Sở Y tế Quảng Bình, và xe 37A-1675 là của Trung tâm y tế tỉnh Nghệ An đang sử dụng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lại Văn Hải - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Lệ Thủy cho biết: “Chiều 27/3, tôi có đi công việc lên địa bàn xã Sen Thủy, đến đây thì vừa lúc anh Bốn (Ngô Văn Bốn – Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình) đi công tác ở Huế ra và gọi điện vào quán để tiếp đoàn lãnh đạo ngành Y tế ở Nghệ An. Chúng tôi có ăn nhậu đến gần 4h thì đoàn khách Nghệ An về trước. Sau đó anh Bốn có việc ở trạm y tế xã Sen Thủy nên gọi trưởng trạm ra để làm việc tại quán”.

Ông Hải cho biết thêm: “Lịch chúng tôi về công tác ở trạm y tế xã Sen Thủy, nhưng anh trưởng Trạm chọn vị trí ở quán đó luôn, vì quán đó là anh em gì với trưởng trạm. Xe tôi đến đến thẳng quán lúc 14h30 luôn, chứ không vào trạm nữa. Xong việc, tôi cũng lên theo xe anh Bốn để về thành phố Đồng Hới luôn”.

Trao đổi với báo chí, bà Dương Thị Phúc - Chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Bình xác nhận chiếc xe ô tô BKS 73A-000.67 là xe của Sở quản lý, và giao xe cho ông Ngô Văn Bốn - Phó giám đốc Sở đang đi học trong Nha Trang.

“Việc ông Bốn và xe đang đi học mà có mặt tại địa phương thì tôi cũng không rõ”, bà Phúc cho hay.

Việc sử dụng xe công sai mục đích gây phản cảm và bức xúc trong dư luận

Được biết, để thắt chặt hơn nữa trong công tác quản lý xe công vụ trên địa bàn tỉnh để tránh lãng phí khi xe biển xanh bị sử dụng sai mục đích, ngay từ đầu năm 2017 Tỉnh ủy Quảng Bình đã có công văn số: 228-CV/TU về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý xe ô tô công trên địa bàn tỉnh.

Trong công văn nêu rõ: “Xe ô tô công chỉ được sử dụng phục vụ cho các hoạt động, công tác của cơ quan, đơn vị; tuyệt đối không sử dụng xe ô tô công để phục vụ lợi ích cá nhân.

Tỉnh ủy Quảng bình khuyến khích các cán bộ đi công tác bằng phương tiện công cộng; nghiêm cấm lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không được phân công nhiệm vụ lái xe của cơ quan, đơn vị trong mọi trường hợp”.

Chỉ thị từ trên là vậy, nhưng những vị cán bộ ngành Y tế Quảng Bình vẫn ngang nhiên sử dụng sai mục đích một cách ngang nhiên như vậy ít nhiều đã gây hiệu ứng xấu trong dư luận. Phải chăng, chế tài xử lý những sai phạm này chưa đủ mạnh nên đã gây ra hiện tượng “nhờn luật?”.

Trần Cường

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/dieu-tra-don-thu/quang-binh-lien-tuc-phat-hien-xe-cong-vu-nganh-y-su-dung-sai-muc-dich-d110133.html