Quảng Nam khẩn trương di dời, chấm dứt hoạt động kinh doanh tại chợ Kế Xuyên

Trong những ngày qua, sau khi huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phát đi “tuyên bố” chấm toàn bộ hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Kế Xuyên cũ (tại xã Bình Trung) để chuyển đến hoạt động tại chợ mới kể từ ngày 6-12-2016.

Và để tạo điều kiện cho tiểu thương trong việc di chuyển và sớm ổn định tại chợ mới, chính quyền địa phương đã triển khai phương án hỗ trợ các hộ tiểu thương và các hộ có nhà đang kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng do việc chấm dứt hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chờ này. Tuy nhiên, đến nay, công tác di dời chợ mới vẫn còn nhiều bất cập; tiểu thương vẫn buôn bán tại chợ cũ sập xệ, xuống cấp; trong khi chợ mới xây xong với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, hơn một năm rồi vẫn bỏ hoang...

Bất cập trong việc di dời

Chợ Kế Xuyên (mới) tại xã Bình Trung được đầu tư xây dựng khang trang trên diện tích gần 30 nghìn m2 (gấp hơn 4 lần so với chợ cũ) và nằm cách chợ cũ khoảng 500m về hướng Đông Nam; với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Dự kiến, chợ mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2015. Tuy nhiên, đã hơn một năm rồi trôi qua, tiểu thương vẫn kiên quyết bám chợ cũ, không muốn di dời đi chỗ khác, nên chợ xây xong đành bỏ hoang.

Trong khi đó, 125 hộ tiểu thương và hàng nghìn người dân ở các xã trong khu vực ở phía nam của huyện Thăng Bình, hằng ngày vẫn đang buôn bán trong các lều chợ chật chội, đang xuống cấp và không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy... ẩn chứa nhiều nguy cơ sụp đổ, mất an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.

Chủ tịch UBND Xã Bình Trung Lê Văn Cường cho biết, chợ Kế Xuyên được hình thành và xây dựng từ trước 1975. Khuôn viên chợ chỉ khoảng 700m2 và đang xuống cấp trầm trọng, thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy, cống rãnh thoát nước gây ô nhiễm môi trường. Các tuyến đường vào chợ chật hẹp, khó khăn trong việc cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Hơn nữa, chợ này nằm gần sát Quốc lộ 1A, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không bảo đảm cho việc hội họp buôn bán tại khu vực chợ; diện tích chợ lại quá nhỏ không bảo đảm cho việc đầu tư, nâng cấp theo tiêu chí chợ nông thôn mới.

Do vậy, vào năm 2006, xã Bình Trung đã đề nghị với tỉnh và huyện xin di dời chợ Kế Xuyên đi nơi khác. Theo đó, vào ngày 10-9-2013, UBND tỉnh Quảng Nam chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng chợ Kế Xuyên và khu dân cư quanh chợ tại xã Bình Trung.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Hồng Quốc Cường cho biết, do dự án đầu tư công trình chợ Kế Xuyên và khu dân cư quanh chợ có nguồn vốn lớn, nên việc bố trí ngân sách huyện đầu tư khó khăn, hơn nữa để xã hội hóa trong việc đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, nên UBND huyện đã kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư theo quy định của Nhà nước.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ của Công ty TNHH MTV Tân Phương Toàn về việc xin đầu tư dự án, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh xem xét. Ngày 10-10-2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn (số 3923/UBND-KTN) về việc thống nhất chủ trương chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án xây dựng chợ Kế Xuyên và Khu dân cư quanh chợ Kế Xuyên từ UBND huyện Thăng Bình cho Công ty TNHH MTV Tân Phương Toàn.

Sau khi có Giấy phép của Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Tân Phương Toàn triển khai theo xây dựng dự án. Đến ngày 30-7-2015, Dự án công trình chợ Kế Xuyên và Khu dân cư quanh chợ tại xã Bình Trung đã được hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho UBND xã Bình Trung quản lý sử dụng.

Sau khi chợ hoàn thành, chính quyền địa phương đã vận động được 60% hộ kinh hoanh vào chợ mới, nhưng do nhiều tiểu thương ở chợ cũ không chịu di dời và có một số người có nhà mở quầy kinh doanh chung quanh chợ cũ, cố tình lôi kéo, vận động tiếp tục ở lại buôn bán nên việc chủ trương di dời đến chợ mới không thực hiện được.

Theo ông Phan Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình, nội dung người dân thắc mắc chủ yếu là do việc quy hoạch, xây chợ Kế Xuyên mới sát cạnh, đối diện với Trường tiểu học Nguyễn Du, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông cho trường học. Và đề nghị làm rõ trách nhiệm của những tập thể và các cá nhân có liên quan trong việc thu hồi đất chưa bảo đảm trình tự pháp luật quy định; cho đến việc quản lý việc thu tiền khai thác quỹ đất chênh lệch so với mức phê duyệt...

Khi PV Báo Nhân Dân đến tìm hiểu lý do không di dời chợ, Bà Lý Thị Nguyệt Hoài (tiểu thương chợ Kế Xuyên) bộc bạch: Thứ nhất, do làm mà không tổ chức họp, lắng nghe ý kiến người dân; thứ hai, việc triển dự án của chợ mới có nhiều sai trái; thứ ba, trường gần chợ, chợ gần trường… gây ảnh hưởng đến việc học tập của con em. Còn ông Ngô Văn Minh (thôn Kế Xuyên 2) thì cho rằng, chợ mới xây dựng rất khang trang nhưng dân không xuống là do đặt chợ trước trường, không đúng tiêu chuẩn của Nhà nước. Và từ việc chợ đặt trước trường, làm ảnh hưởng đến việc học tập của con em, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của thầy cô giáo và nhà trường, nên người dân không đồng tình…

Tạo điều kiện cho tiểu thương sớm di chuyển đến chợ mới

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải thích, trả lời các thắc mắc của người dân chung quanh việc di dời của người dân, nhưng có nhiều người không đồng thuận và có đơn kiến nghị nhiều nơi.

Ông Hồng Quốc Cường khẳng định, kế hoạch di dời chợ Kế Xuyên đã có từ 10 năm trước, nhưng đến nay, mới được UBND tỉnh cho phép triển khai. Việc một số người phản ánh, chợ mới xây gần Trường tiểu học Nguyễn Du, thì trước khi xây dựng đã được các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát, kiểm tra cấp phép mới tiến hành triển khai dự án. Hơn nữa, qua kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh đã kết luận, việc xây dựng chợ Kế Xuyên mới thay thế chợ cũ là phù hợp với nhu cầu phát triển và nguyện vọng của đông đảo nhân dân, không ảnh hưởng đến việc dạy và học ở Trường tiểu học Nguyễn Du.

Còn vấn đề diện tích xây dựng chợ mới tăng lên hơn 500m2 (so với quyết định phê duyệt) là do khi triển khai thi công, thay vì kè đứng, đơn vị thi công lại “kè nghiêng” làm diện tích khu vực chợ tăng lên. Việc phát sinh này đã được kiểm tra, xử lý và giải thích cho người dân. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn “vin” vào lý do này, lý do nọ để “cố bám” lại chỗ cũ, và kiên quyết không di dời đến khu vực chợ mới.

Do vậy, ngày 18-11-2016, UBND huyện Thăng Bình đã ban hành quyết định về việc chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Kế Xuyên (cũ). Theo đó, chợ Kế Xuyên (cũ) sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 6-12-2016; đồng thời, để tạo điều kiện cho hộ buôn bán khi di dời, UBND huyện đã phê duyệt phương án hỗ trợ đối với các hộ tiểu thương và các hộ có nhà đang kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng do việc chấm dứt hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ cũ.

Theo đó, các hộ tư thương sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền từ 2 triệu - 4 triệu đồng (tùy theo quy mô kinh doanh), được miễn tiền thuê mặt bằng, ki-ốt trong thời gian một năm; đồng thời, sẽ xét miễn, giảm thuế đối với các trường hợp kinh doanh, buôn bán sụt giảm về doanh thu do di chuyển chợ...

Ông Hồng Quốc Cường cho biết, đến nay, các cơ quan chức năng ở của huyện đã thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục về xây dựng chợ mới cũng như là di dời các hộ tiểu thương từ chợ cũ sang chợ mới. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện việc di dời từ chợ cũ sang chợ mới gặp một số khó khăn; hiện chỉ có 60 hộ tiểu thương (trong số 125 hộ) chấp hành chủ trương di dời và đã đến nhận tiền hỗ trợ và còn hơn 50% tiểu thương vẫn muốn bám lại chợ cũ.

Trong tuần tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có phương án hỗ trợ cho bà con tiểu thương buôn bán từ chợ cũ sang chợ mới; đồng thời, sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp hộ vì lợi ích cá nhân, cố tình lôi kéo, có hành động cản trở và chống lại người thi hành công vụ.

Vấn đề di dời chợ Kế Xuyên đến địa điểm mới là việc làm bức bách nhằm sớm ổn định việc kinh doanh của bà con tiểu thương; đồng thời khắc phục tình trạng đông chợ tràn ra Quốc lộ 1A, gây ảnh hưởng an toàn giao thông. Do vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và huyện Thăng Bình cần đẩy mạnh công tác vận động, tạo điều kiện cho bà con tiểu thương di chuyển hàng tài sản, hàng hóa đến chợ mới; đồng thời có biện pháp kiên quyết đối với những tiểu thương cố tình không chấp hành và các đối tượng ngăn cản, gây khó khăn làm ảnh đến công tác di dời chợ đến địa điểm mới.

Dù đã thông báo chấm dứt hoạt động từ ngày 6-12 nhưng đến nay, tư thương vẫn chưa rời khỏi chợ cũ nên huyện sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế để di chuyển chợ đến địa điểm mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31521402-quang-nam-khan-truong-di-doi-cham-dut-hoat-dong-kinh-doanh-tai-cho-ke-xuyen.html