Quảng Nam: Lần đầu tiên hội thảo khoa học về Phan Khôi

Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Phan Khôi - người khai mở cho dòng “Thơ mới”, từ nhiều tháng qua tỉnh Quảng Nam đã tích cực chuẩn bị cho tổ chức hội thảo khoa học về Phan Khôi như một cách tôn vinh và nhìn nhận lại những đóng góp của ông cho nền văn hóa, học thuật, báo chí của Việt Nam.

Phan Khôi sinh ngày 06.10.1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất ngày 16.01.1959 tại Hà Nội, là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX.

Ông là gương mặt nổi bật trong đời sống báo chí và học thuật Việt Nam những năm 1920-1940, nhưng lại rất xa lạ ở miền Bắc kể từ đầu những năm 1960 và cả nước từ sau 1975 cho đến tận những năm cuối thế kỷ XX.

Gần đây, di sản văn hóa học thuật gắn với tác gia này mới được khôi phục qua do nỗ lực sưu tầm, tái bản các tác phẩm Phan Khôi từng đăng báo, in sách.

Một phần ký ức về ông cũng được biết đến qua Nhớ cha tôi Phan Khôi (Phan Thị Mỹ Khanh, Nxb. Đà Nẵng, 2001), Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ “Sông Hương” đến “Nhân Văn” (Phan An Sa, Nxb. Tri Thức, 2013).

Tại Đà Nẵng, một đường phố đã được đặt tên Phan Khôi theo Nghị quyết kỳ họp thứ 7, khóa VIII 2013 của HĐND thành phố.

Ngày 06.10.2014 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, hội thảo có chủ đề “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa”.

Hội thảo sẽ có khoảng gần 50 đại biểu khách mời, ở Trung ương như đại diện Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Sử học,Viện Văn học, Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây; ở thành phố Đà Nẵng, Huế có đại diện các Sở VHTTDL, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hội Khoa học lịch sử, Hội VHNT, Viện KHXH Trung bộ tại Đà Nẵng.

Tỉnh Quảng Nam có đại diện các Sở ban ngành, hội, liên quan, cơ quan truyền thông, trường đại học Quảng Nam và ĐH Phan Châu Trinh, đại diện quê hương - huyện Điện Bàn, xã Điện Quang, tộc Phan làng Bảo An và gia đình Phan Khôi.

Có khoảng 40 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên lĩnh vực văn học, lịch sử cả nước có tham luận giới thiệu và thảo luận về Phan Khôi, được in trong kỷ yếu hội thảo.

Theo chương trình hội thảo diễn ra trong thời gian 01 ngày, sẽ có một số tham luận sau đây được trình bày: Vị thế Phan Khôi trong phong trào Thơ mới - Nhìn từ thực tại Thơ mới 1932 – 1945 của PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phong cách nghị luận, bút chiến của Phan Khôi của GS Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Khôi trong bối cảnh văn học từ thời chiến sang thời bình (1954 - 1958) của Nhà văn Thái Kế Toại, Phan Khôi với lý luận văn học của GS.TS Ngô Quang Huy, Nhìn lại hai cuộc tranh luận giữa Phan Khôi và Hải Triều của TS Phạm Hồng Toàn, Bộ VHTTDL, Phan Khôi với vấn đề nữ quyền trên báo Phụ nữ tân văn của TS. La Mai Thi Gia, Khoa Văn học & Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH& NV, ĐHQG TP.HCM, Phan Khôi - Người khai phá con đường Thơ mới của Nhà báo Vũ Đức Sao Biển, Xóa một cái án về dịch thuật: Thân oan cho dịch giả Phan Khôi của Phan An Sa, Phan Khôi với vấn đề chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỷ XX của ThS. Dương Thanh Mừng, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Đóng góp của Phan Khôi đối với Tuần báo Sông Hương của ThS Nguyễn Thị Thùy Nhung, Khoa Lịch sử ĐHKD Huế, Phan Khôi - Cây bút phản biện sắc sảo của Lại Nguyên Ân, Phan Khôi với Tiếng Việt của Nhà văn Vu Gia. Bộ phim tài liệu Con mắt còn có đuôi - phim đạt giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2012 - của đạo diễn, NSƯT Huỳnh Hùng, Đài PTTH Đà Nẵng cũng sẽ được trình chiếu trong thời gian hội thảo.

Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng hội thảo khoa học về Phan Khôi đảm bảo tính khoa học về nội dung, có tính kế thừa các nghiên cứu trước đây, qua đó nêu bật được vai trò cùng những đóng góp của Phan Khôi trong lĩnh vực văn hóa, báo chí, triết học đối với văn hóa Việt Nam nói chung và quê hương Quảng Nam nói riêng.

Hà Phan

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/tieu-diem/quang-nam-lan-dau-tien-hoi-thao-khoa-hoc-ve-phan-khoi-108441.html