Quảng Nam phạt nhà máy kẽm xả nước thải khiến cá chết hàng loạt tại Đà Nẵng

UBND tỉnh Quảng Nam vừa xử phạt 94 triệu đồng nhà máy mạ kẽm nhúng nóng trên địa bàn vì gây ô nhiễm khiến cá chết tại bàu Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Còn người dân địa phương thì vẫn mong muốn cơ quan chức năng sớm di dời nhà máy này đến khu vực an toàn.

Tối 25/4, trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng cảnh sát môi trường (PC49) công an TP Đà Nẵng cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam vừa xử phạt 94 triệu đồng nhà máy mạ kẽm nhúng nóng trên địa bàn vì gây hiện tượng cá chết tại huyện Hòa Vang của TP Đà Nẵng.

Ngày 24/4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Đà Nẵng) đã có công văn gửi Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến việc ô nhiễm môi trường tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nghi do nhà máy mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T (xã Điện Tiến, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gây ra.

Cá chết hàng loạt tại bàu Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày 12/4. Ảnh: TT

Cá chết hàng loạt tại bàu Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày 12/4. Ảnh: TT

Trước đó như báo Gia đình và Xã hội đã phản ánh, ngày 12/4, nhiều người dân tại thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phản ánh tình trạng cá vá lúa chết trắng đồng nhiều ngày qua. Đây là lần thứ 3 từ sau Tết xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại địa phương này.

Ngoài ra, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng khiến người dân lội nước làm ruộng ở bàu Lệ Sơn Nam liên tục bị mẩn ngứa, mắc các bệnh ngoài da. Nhiều người dân nghi ngờ hiện tượng trên là do nhà máy mạ kẽm nằm cách đó 3 km thuộc tỉnh Quảng Nam xả thải ra.

Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang kiểm tra hiện trường và thu 3 mẫu nước (một mẫu nước thải tại bàu Lệ Sơn Nam, một mẫu nước tại đồng ruộng khu vực bàu Lệ Sơn Nam (cách mẫu nước thải bàu Lệ Sơn Nam 20m) và một mẫu nước thải tại khu vực thượng nguồn (cách nhà máy kẽm nhúng nóng 20m).

Kết quả phân tích mẫu nước thải cho thấy thông số sắt tại các vị trí lấy mẫu này đều vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Trong đó, thông số sắt (Fe) thu tại mẫu nước Bàu Lệ Sơn Nam vượt quy chuẩn 1,18 lần; tại thượng nguồn nhà máy nhúng kẽm vượt quy chuẩn 1,56 lần.

Sau khi có kết quả phân tích mẫu nước, PC49 Công an TP Đà Nẵng đã gởi công văn cho Công an tỉnh Quảng Nam yêu cầu có kế hoạch kiểm tra phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng – Công ty T.Đ.T nghi xả nước thải ra môi trường gây ra hiện tượng cá chết tại Đà Nẵng.

Ngay say đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có quyết định xử phạt Công ty TNHH T.Đ.T số tiền 94 triệu đồng về hành vi xả thải vượt chuẩn ra môi trường. Đồng thời, tăng mức phạt lên 50% đối với công ty này về hành vi xả chất thải rắn nguy hại ra môi trường vượt chuẩn gấp nhiều lần.

Việc công ty này xả nước thải ra môi trường là có thật, tuy nhiên một phần cũng do trước đây, một số bể chứa của công ty không có mái che khiến nước thải chưa qua xử lý tràn ra ngoài khi trời mưa.

Sau khi bị xử phạt hành chính, công ty đã xây dựng thêm ba bể chứa cùng việc lắp hệ thống xử lý nước thải, mái che để đảm báo nước thải không còn bị tràn ra ngoài…", Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an TP Đà Nẵng nói.

Khu vực bể chứa nước thải của nhà máy kẽm không có hệ thống xử lý nước thải, mái che. Ảnh: CTV

Về phía nhà máy kẽm, công ty này đã cam kết sẽ chấm dứt hành vi xả thải ra môi trường bằng việc lấp toàn bộ hệ thống dẫn nước thải được nối từ bể chứa nước thải ra mương nước nằm ngoài nhà máy. Đồng thời cam kết không tái diễn hành vi xả thải ra môi trường trong thời gian tới.

Tối 25/4, trao đổi với phóng viên, ông Lê Lộc, phó thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến) cho biết, hiện tình trạng cá chết nổi trắng đã không còn xuất hiện. Tuy nhiên, những ngày qua, tại bàu Lệ Sơn liên tiếp xuất hiện tình trạng bột ván màu đỏ như rỉ sắt nổi trên mặt nước sau mỗi cơn mưa.

Đặc biệt, theo người dân địa phương, sau khi chảy về cánh đồng Lệ Sơn Nam thì nguồn nước này lại chảy vào sông Yên và điểm cuối đổ về sông Cầu Đỏ - là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng, nên có khả năng ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Vì vậy, người dân nơi đây mong muốn cơ quan chức năng sớm có kế hoạch di dời nhà máy mạ kẽm ra khỏi khu vực này để tránh hậu quả về lâu dài.

“Thật ra việc công ty xả kẽm có bị xử phạt hay không thì không quan trọng. Vì mong muốn của người dân địa phương bây giờ là cơ quan chức năng sẽ di dời nhà máy mạ kẽm này vì người dân chúng tôi rất sợ việc các chất thải từ nhà máy này sẽ thấm dần vào lòng đất và sẽ gây ô nhiễm về lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi…”, ông Lê Lộc, phó thôn Lệ Sơn Nam nói.

Tâm Trí

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quang-nam-phat-nha-may-kem-xa-nuoc-thai-khien-ca-chet-hang-loat-tai-da-nang-20170425200920733.htm