Quảng Nam sau 20 năm tái lập tỉnh: Nhìn thẳng thực tiễn, nói đúng sự thật để bước tiếp

Từ một tỉnh nghèo, trong 20 năm qua, Quảng Nam đã vươn lên là một trong số ít những tỉnh thành tự cân đối ngân sách. Đó là một thành quả đáng ghi nhận, đầy tự hào. Tuy nhiên, 20 năm cũng là một thời gian dài của một đời người, là 4 nhiệm kỳ lãnh đạo. Không tự mãn với thành công, để bước vào giai đoạn phát triển mới, Quảng Nam phải nhìn thẳng vào thực tiễn, cả những quyết sách đúng đắn và sai lầm để nói đúng sự thật. Có như vậy, địa phương mới bước vào giai đoạn phát triễn mới với nhiều những thời cơ và thách thức, phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xung quanh vấn đề này, Lao Động có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Ngành công nghiệp ôtô là " đôi cánh" giúp Quảng Nam bay xa trong 14 năm qua.

Thưa ông, sự xuất hiện của ngành công nghiệp ô tô như là " đôi cánh" đưa Quảng Nam đi lên trong nhiều năm qua. Trong khi đó, nhiều dự án treo, dự án không hiệu quả và những sai lầm trong quy hoạch... cũng đã kiềm hãm quá trình phát triển của địa phương. Quảng Nam nhìn nhận " hướng đi" nào cho hiện tại và tương lai để hội nhập với thế giới?

- Bước vào thời kỳ hội nhập, Quảng Nam đã có định hướng cho nhiều vấn đề với tầm nhìn chiến lược, đi theo sự vận động và phát triển chung của thế giới. Đó là tiếp tục thúc đẩy, đầu tư, mở rộng phát triển ngành công nghiệp ô tô. Chu Lai lấy công nghiệp ô tô là ngành chính, đầu tư nhiều dự án chiếc lược để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp này, nhiều nước trên thế giới có cả thành phố chuyên về ô tô thì tại sao Quảng Nam không thể.

Tiếp đến, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển ngành dệt may, da giày. Đây là xu hướng phát triển của cả thể giới. Hiện địa phương có 100 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động ngành này, địa phương cũng có thế mạnh nguồn nhân lực dồi dào. Trước đây, ngành này chủ yếu phát triển ở phía nam. Tuy nhiên những năm gần đây địa phương đã phát triển rất mạnh về dệt may, da giày. Trong khi đó, nguồn nhân lực cũng đã dịch chuyển về địa phương hoạt động ngày một gia tăng. Định hướng trong ngành này là tiếp tục thu hút đầu tư, chủ động nâng cao sức cạnh tranh, sản xuất nguồn nguyên liệu đầu vào... Đặc biệt là phải đưa ngành này tham gia vào chuỗi sản xuất với tất cả các công đoạn thay vì gia công một số công đoạn như trước.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiên trì đeo đuổi giấc mơ về ngành công nghiệp hàng không tại sân bay Chu Lai. Từ đây, lấy sân bay này làm trung tâm để đầu tư xây dựng trung tâm sửa sữa, bão dưỡng, chế tạo các linh phụ kiện của ngành hàng không. Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc để nhà đầu tư vào nghiên cứu để đầu tư khu vực này. Một định hướng khác, địa phương có thế mạnh về phát triển ngành công nghiệp dược liệu. Điều này cũng đã được Viện Dược liệu- bộ Y tế khảo sát và đánh giá là có tiềm năng thế mạnh. Trong tương lai, các thực phẩm chức năng, nước uống... được chiết suất từ thiên nhiên sẽ là nhu cầu của người tiêu dùng.

Địa phương cũng đang lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp này, để từ đó có hướng thu hút nhà đầu tư về cùng phối hợp với địa phương để xúc tiến đầu tư, phát triển... Ngoài ra, nhiều vấn đề về phát triển dịch vụ, du lịch cũng đã có nhiều chiến lược phát triển cho lâu dài cùng với sự vận động và phát triển chung của thế giới dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Quảng Nam.

Áp lực giữa phát triển và bảo tồn, tác động của con người cùng với biến đổi khí hậu đe dọa di sản Hội An và Cù Lao Chàm. Có ý kiến cho rằng, không thể chắp vá để giải quyết bài toán này mà phải có giải pháp đồng bộ. Quảng Nam nhìn nhận thế nào vấn đề này?

- Đúng là như vậy, vì vấn đề này có tính khoa học biện chứng. Cần biết rằng, khu vực phố cổ Hội An có mật độ dân số cao nhất cả nước, chưa nói đến vấn đề có khả năng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong xu thế phát triển chung, khách du lịch đến ngày một đông, gia tăng dân số cơ học là không tránh khỏi. Bởi vậy, Hội An phải có một quy hoạch cụ thể về không gian. Trong đó, quy định rất rõ về vũng lõi và vùng đệm, cả về vấn đề vui chơi, giải trí, tìm cách dãn dân ra những khu vực lân cận... Thế giới có nhiều thành phố cũng đã thực hiện thành công việc bảo tồn di sản theo cách này. Thực tế, cần phải có giải pháp đồng bộ, có quy hoạch không gian cụ thể trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà khoa học. Nhìn vào thực tiễn có thể thấy, Hội An hiện đang bị động, chắp vá trong giải quyết các vấn đề phát sinh. Và điều này sẽ là vô cùng nguy hiểm đối với di sản Hội An, bởi lẽ cần ứng xử đúng mực và chủ động đi trước trong vấn đề này, chưa nói đến vấn đề về thiên tai, hỏa hoạn.

Còn về khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, đây chính là tài sản quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Nam. Nhìn nhận Cù Lao Chàm phải có cái nhìn toàn diện trong một không gian rộng lớn. Bất cứ việc gì tác động đến nơi này phải dựa trên nguyên tắc của tính hoang sơ. Đặc biệt là vấn đề quy hoạch. Phát triển du lịch cộng đồng có tổ chức, nề nếp. Hạn chế tối đa các dự án du lịch đầu tư tại đây dựa trên nguyên tắc mật độ xây dựng thấp và chiều cao phải được khống chế, vật liệu xây dựng tự nhiên, kiến trúc phải mang bản sắc dân tộc... Kiên quyết không bêtông hóa, nếu vấn đề nào cần thiết bêtông hóa, thì phải phủ xanh bằng thảm thực vật.

Quảng Nam đã là tỉnh tự cân đối ngân sách, việc thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển vùng đông và không bỏ lại khu vực các huyện miền núi là cần thiết. Địa phương cũng đang nổ lực sắp xếp lại dân cư, đẩy mạnh phát triển kinh tế các huyện miền núi. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không dễ thực hiện bởi nguồn lực và những bài học sai lầm từ quá khứ?

- Đúng là trước đây, việc sắp xếp dân cư vùng núi ảnh hưởng từ xây dựng các nhà máy thủy điện đã để lại nhiều cái được và chưa được. Đây là một cuộc "cách mạng" kéo dài, không phải câu chuyện của một sớm một chiều có thể thực hiện được ngay. Việc này sẽ là ưu tiên di dời xen ghép, phải có sự đồng ý của cộng đồng các dân tộc sẽ có thêm các hộ di dời đến và cả sự đồng ý của các hộ cần di dời. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc xây dựng khu dân cư miền núi, hạn chế tối đa việc can thiệp vào địa hình tự nhiên.

Việc sắp xếp dân cư phải đảm bảo việc giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ di dời sẽ được hỗ trợ kinh phí, cộng đồng nơi tiếp nhận thêm các hộ mới đến cũng được hỗ trợ kinh phí. Việc định cư phải tính đến vấn đề định canh với nhiều cách như cấp đất sản xuất cho dân, hỗ trợ người dân chăn nuôi, trồng cây dược liệu, hỗ trợ người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng lồng ghép với phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc xã hội hóa giúp người dân trồng cây dược liệu là cần thiết vừa giúp thoát nghèo vừa phát triển ngành công nghiệp dược liệu như đã nói trên. Những năm đầu, địa phương sẽ ưu tiên sắp xếp dân cư khu vực thiên tai, sạt lở, động đất... hay những khu vực có khả năng bị uy hiếp ở hạ lưu các hồ thủy điện.

Phước Bình

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/quang-nam-sau-20-nam-tai-lap-tinh-nhin-thang-thuc-tien-noi-dung-su-that-de-buoc-tiep-648783.bld