Quảng Ninh: Bục nước hầm lò, một công nhân đang mắc kẹt

Sau sự cố bục nước hầm lò, hiện nước vẫn tiếp tục tràn xối xả vào bên trong, công tác cứu hộ đang hết sức khó khăn.

Khoảng 19h10 tối qua (4/7) tại lò thượng mức - 100 lên - 60m vỉa 8, phân xưởng Đào lò 2, Công ty than Dương Huy (Km2, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ bục nước làm công nhân Phạm Văn Dân (thợ lò bậc 5/6, quê xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị mắc kẹt trong lò.

Ảnh minh họa

Hiện, các lực lượng cứu hộ đã được huy động tối đa. Tuy nhiên, đến thời điểm 9h sáng nay (5/7), nước vẫn tiếp tục tràn vào lò. Vị trí công nhân bị mắc kẹt nằm ở độ sâu -100m nên công tác cứu hộ rất khó khăn. Các đơn vị cứu hộ cùng các thiết bị máy móc hiện đại đã được điều động tham gia cứu hộ.

Lãnh đạo tập đoàn TKV cũng đã có mặt tại hiện trường cùng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh nỗ lực hết sức để đưa được công nhân ra ngoài.

Bục túi nước là gì, nguyên nhân do đâu?

Theo PGS.TS Trần Văn Thanh, nguyên Trưởng bộ môn khai thác Hầm lò, Khoa Mỏ, Đại học Mỏ - Địa chất, túi nước được gọi theo đúng như hình dáng của chúng, nó giống như một chiếc túi chứa nước khổng lồ. Túi nước có hai dạng trên bề mặt và dưới sâu trong lòng đất. Nó có thể có sẵn trong quá trình hình thành các vỉa than, địa tầng… Hoặc túi nước cũng có thể hình thành từ các hang động đá vôi (rất phổ biến ở Quảng Ninh), tích tụ lâu ngày thành những túi nước. Có thể chúng được sinh ra từ các đứt gẫy địa tầng, trải qua hàng trăm năm, nước lắng đọng ở chỗ đứt gẫy đó nên tạo ra chỗ chứa nước. Cũng có thể do hoạt động khai thác than từ thời Pháp để lại, khai thác than thổ phỉ tạo những đường lò cũ nay bị lấp.

Về cơ chế gây tai nạn chết người của những túi nước, PGS.TS Trần Văn Thanh giải thích: Hãy tưởng tượng, đường hầm lò dưới đất giống như lỗ chuột, chỉ với khoảng cách chừng 5- 10m, thể tích túi nước thường từ 10m3 đến 20m3, thậm chí là lớn hơn, khi vỡ, áp lực nước, kèm bùn đá, vụn than… sẽ chèn chặt đường đi khiến người trong đó bị cô lập, không thể thoát ra được.

Về quy phạm an toàn và biện pháp phòng tránh, PGS.TS Trần Văn Thanh cho biết thế giới và cả Việt Nam đã đúc kết những quy trình khoan thăm dò phát hiện túi nước. Trước khi thác thác than, người ta thường khoan thăm dò cách khu vực có nghi ngờ xuất hiện túi nước chừng 70m. Mũi khoan có thể sâu, hay nông tùy theo nhận định về nơi có túi nước. Từ những số liệu này, các nhà địa chất có thể đánh giá rủi ro, phân tích tỉ mỉ và mô phỏng điều kiện địa chất khu vực mỏ, từ đó dự đoán điểm phát sinh túi nước cụ thể như thế nào. Trên cơ sở đó, người ta sẽ tính toán để tìm ra cách phòng tránh vỡ túi nước, đảm bảo tính mạng cho công nhân.

“Tuy nhiên, rủi ro trong quá trình làm việc là khó tránh khỏi” - PGS.TS Trần Văn Thanh nhận định và cho rằng “đã gọi là sự cố thì cũng đồng nghĩa với rủi ro. Rủi ro thì khó có thể đoán biết trước được. Có thể do quá trình khoan thăm dò bị lệch hoặc đáng lẽ khoan sâu lại khoan nông. Thậm chí cũng không loại bỏ khả năng, người ta làm quy trình sai”.

VIẾT CƯỜNG

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/quang-ninh-buc-tui-nuoc-ham-lo-cong-nhan-dang-mac-ket-d124648.html