Quảng Ninh: Chủ nhà bè nguy cơ mất trắng vì chính quyền trốn bồi thường?

Nhiều nhà bè của người dân trên Vịnh Hạ Long có chứng nhận nguồn gốc, được hội đồng thẩm định của UBND TP Hạ Long xét duyệt và lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời. Nhưng sau nhiều năm, chủ nhà bè vẫn chưa được nhận tiền đền bù và mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng.

Nhà bè Hải Sâm được kéo đến neo đậu tại vị trí mới gần với trụ sở UBND TP Hạ Long.

Nhà bè Hải Sâm được kéo đến neo đậu tại vị trí mới gần với trụ sở UBND TP Hạ Long.

Có hay không việc chính quyền TP Hạ Long né tránh bồi thường?

Theo đơn thư phản án của ông Dương Cao Thường, chủ nhà bè Hải Sâm tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long và các tài liệu liên quan do PV thu thập được, ngày 21/3/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số: 819/QĐ-UBND về việc "phê duyệt đề án sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên Vịnh Hạ Long”. Đề án trên được giao cho UBND TP Hạ Long tổ chức thực hiện.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, UBND TP Hạ Long đã xây dựng tờ trình số 123/TTr – UBND về phương án di dời nhà bè. Sau khi phương án trên được UBND tỉnh phê duyệt, ngày 27/6/2013 UBND TP Hạ Long đã ban hành QĐ số 1517/QĐ-UBND “Về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ di chuyển và tái định cư cho các nhà bè trên Vịnh Hạ Long”.

Điều 2 của QĐ số 1517/QĐ-UBND xác định đối tượng được hưởng bồi thường, hỗ trợ phải là: Nhà bè được hình thành trước 21/3/2008 và chủ sở hữu phải là người có hộ khẩu thường trú tại TP Hạ Long.

Đối chiếu với các điều kiện trên, nhà bè Hải Sâm được đóng năm 2003 và chủ sở hữu là ông Dương Cao Thường có hộ khẩu thường trú tại phường Bãi Cháy, nên thuộc diện phải di dời và được hưởng bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy, ngày 7/12/2012, hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất đai của UBND phường Bãi Cháy đã tổ chức xét duyệt, xác nhận nhà bè Hải Sâm đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ.

Căn cứ vào bản chứng nhận nhà bè số 03/UBND của UBND phường Bãi Cháy, ngày 24/10/2013 Hội đồng bồi thường UBND TP Hạ Long đã họp thẩm định và xét duyệt cho nhà bè Hải Sâm. Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hạ Long đã tổ chức kiểm đếm, lập phương án và áp giá bồi thường. Ông Thường đã đồng ý với phương án đã lập và chờ đợi việc chi trả tiền bồi thường từ UBND TP Hạ Long.

Sau nhiều năm, ông Thường vẫn chưa được nhận tiền, ngược lại còn đứng trước nguy cơ bị mất trắng vì một số lý do vô lý mà theo ông đó là các “chiêu bài” do chính quyền TP Hạ Long cố tình áp dụng để né tránh việc bồi thường.

Đi ngược với chính sách do chính mình ban hành?

Ông Thường cho biết: Sau thời gian dài không nhận được tiền bồi thường với lý do thành phố hết kinh phí. Đến đầu tháng 4/2016, ông đã làm đơn và đề nghị UBND TP Hạ Long trả lời bằng văn bản. Tại công văn số 2031/UBND ngày 04/05/2016 do ông Hồ Ngọc Hoài – Chánh văn phòng ký trả lời với nội dung: Nhà bè Hải Sâm không được bồi thường vì: “…Căn cứ thông báo số 343/TB – UBND ngày 11/10/2012 của UBNDTP Hạ Long về việc di dời đối với nhà bè trên Vịnh Hạ Long trong đó nêu rõ: Đối với các nhà bè kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, được tiếp tục hoạt động theo quy định của giấy phép, nhưng thời gian không quá ngày 31/5/2014”.

PV đã nhiều lần liên hệ gặp lãnh đạo UBND TP Hạ Long để tìm hiểu, nhưng do bận công việc, lãnh đạo TP Hạ Long chưa bố trí được thời gian tiếp xúc báo chí. Theo thông tin mà PV nắm bắt được, sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành QĐ số 819/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt đề án sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên Vịnh Hạ Long” và phân cấp cho UBND TP Hạ Long thực hiện, UBND TP Hạ Long đã xây dựng kế hoạch số 129/KH – BCĐ ngày 03/10/2012 về lộ trình di dời nhà bè trên Vịnh Hạ Long. Theo đó thì TP Hạ Long tập trung di dời các nhà bè của ngư dân sinh sống và nuôi trồng thủy hải sản không có đăng ký kinh doanh. Còn các nhà bè có giấy phép đăng ký kinh doanh chưa phải di dời ngay, mà được tiếp tục hoạt động theo quy định của giấy phép, nhưng thời gian không quá ngày 31/5/2014.

Như vậy thì thông báo số 343/TB – UBND của UBND TP Hạ Long chỉ là văn bản mang tính hướng dẫn về lộ trình di dời nhà bè, chứ nó không phải thông báo được ban hành để thay thế QĐ số 1517/QĐ-UBND.

Xét về mốc thời gian thì thông báo số 343/TB – UBND được ban hành năm 2012, còn QĐ số 1517/QĐ-UBND được ban hành năm 2013. Do đó một văn bản ban hành trước không thể thay thế một văn bản ra đời sau đó được. Xét về giá trị pháp lý của hai văn bản trên thì Thông báo 343/TB – UBND chỉ là văn bản mang tính hướng dẫn, nên có giá trị pháp lý thấp hơn. Còn QĐ số 1517/QĐ-UBND mang tính áp dụng, điều chỉnh nên có giá trị pháp lý cao hơn.

Như vậy UBND TP Hạ Long đã áp dụng thông báo 343/TB – UBND để thay thế cho việc áp dụng QĐ số 1517/QĐ-UBND trong việc bồi thường, hỗ trợ di dời nhà bè trên Vịnh Hạ Long có trái với quy định pháp luật và đi ngược lại với chính sách do chính mình ban hành?

Cần giải quyết dứt điểm, trả lại vẻ đẹp cho vịnh Hạ Long

Theo đề nghị giải tỏa các nhà hàng nổi, thuyền bè neo đậu trên đất dự án đã được giao, trong đó có nhà bè Hải Sâm. Cùng với sự cam kết hỗ trợ về kinh phí của của công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội tại công văn số 222/GALEXIMCO – HN. UBND TP Hạ Long đã nhanh chóng ra văn bản số 1059/UBND ngày 17/3/2016 chỉ đạo cho Đội TTXD&TTĐT phối hợp với UBND phường Bãi Cháy phải kiểm tra, giải tỏa và phải thực hiện xong trước ngày 30/03/2016.

Nhận được sự chỉ đạo, đội TTXD&TTĐT TP Hạ Long lập tức xuống kiểm tra và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, du lịch và quảng cáo đối ông Dương Cao Thường về hành vi “Lấn chiếm đất danh lam thắng cảnh" theo điểm b, khoản 5 điều 23 NĐ 158/2013 của Chính phủ. Sau đó là các quyết định khắc phục hâu quả số 199/QĐ-KPHQ và quyết định cưỡng chế số 306/QĐCC-UBND liên tiếp được ban hành.

Trước sức ép quyết liệt từ phía chính quyền, ông Thường đã phải tự nguyện di dời một số tài sản lên bờ và kéo nhà bè Hải Sâm sang một ví trí neo đậu khác, đồng thời làm đơn kiến nghị chờ các cơ quan ban ngành tỉnh Quảng Ninh xem xét chỉ đạo giải quyết.

Mặt nước nhà bè Hải Sâm sử dụng được UBND TP Hạ Long cho là đất danh lam thắng cảnh.

Theo bà Mai Lan – Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh: UBND TP Hạ Long có dấu hiệu lạm quyền, cố tình đưa ra cái cớ rất vô lý để “cài” ông Thường trở thành người vi phạm pháp luật. Nhà bè Hải Sâm được đóng từ năm 2003, có giấy phép kinh doanh, đặt đúng vị trí cho phép đặt. Tại bản chứng nhận nhà bè số 03 năm 2013, UBND phường Bãi Cháy đã xác nhận nhà bè không bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, là tài sản hợp pháp và đủ điều kiện bồi thường di dời.

Từ đó cho đến nay, ông Thường vẫn giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng, cơi nới và lấn chiếm đất. Nhà bè Hải Sâm chỉ sử dụng mặt nước, không sử dụng mặt đất, vậy sao lại quy kết quy kết ông Thường lấn chiếm đất?

Xét về thẩm quyền theo các điều 80, 81, 82, 83 của Nghị định 158/2013/NĐ – CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì không có quy định nào cho phép đội TTXD&TTĐT được quyền xử lý trong lĩnh vực này.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay trên Vịnh Hạ Long vẫn còn một số nhà bè khác đang neo đậu ở các khu vực thuộc phường Hồng Hà, Hồng Hải. Các nhà bè này cũng cùng chung tình cảnh với nhà bè Hải Sâm. Họ vẫn đang phải chờ đợi UBND TP Hạ Long trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Nhưng sự việc cứ nhùng nhằng như thế này chưa biết khi nào mới giải quyết dứt điểm.

Còn về phía UBND TP Hạ Long cũng đã rất nhiều lần thông báo về mốc thời gian thực hiện xong việc di dời toàn bộ nhà bè trên Vịnh Hạ Long, gần nhất đây nhất là cam kết di dời xong trước 20/5/2016. Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều nhà bè vẫn còn án ngữ trên mặt Vịnh, làm xấu cảnh quan Vịnh Hạ Long mà không thể di dời vì lý do gì?

Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh Quảng Ninh cần sớm có những chỉ đạo rõ ràng cụ thể trong sự việc này và quy trách nhiệm cho người thực hiện. Có như vậy thì đề án sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên Vịnh Hạ Long theo QĐ số 819/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh mới được hoàn thành đồng thời trả lại vẻ đẹp cho Vịnh Hạ Long./.

Bắc Hà

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/quang-ninh-chu-nha-be-nguy-co-mat-trang-vi-chinh-quyen-tron-boi-thuong-d28546.html