Quảng trường ngàn tỉ chưa biết bao giờ xây xong

Công trình quảng trường Đinh Tiên Hoàng tại TP.Ninh Bình có tổng mức đầu tư 1.543 tỉ đồng, được khởi công từ 7 năm trước nhưng đến nay vẫn còn dang dở và một số hạng mục đã xuống cấp.

Lối đi vào vườn cây xanh xung quanh tượng đài lầy lội và ứ đọng nướcẢnh: Phạm Đức

Công trình này xây dựng trên diện tích 34,23 ha tại P.Ninh Khánh, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình từ nguồn ngân sách T.Ư và các nguồn vốn xã hội hóa, khởi công vào năm 2009, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Các hạng mục chính của công trình gồm: quảng trường, tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, hệ thống giao thông kết nối, bãi đỗ xe...

Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện các hạng mục quảng trường, đường hầm, sân sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đường giao thông kết nối, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng cơ bản đã hoàn thành. Riêng tượng đài đã hoàn thành việc đúc, đặt tượng và đế tượng, nhưng các công trình phụ trợ xung quanh tượng đài vẫn chưa hoàn thiện. Ngày 7.9, phần công trình tường bao xung quanh quảng trường đang thi công dang dở, đất đá, gạch đổ ngổn ngang. Xung quanh sân quảng trường, nơi đặt ghế đá để khách tham quan nghỉ chân, cỏ mọc um tùm, chiếm hết lối đi. Nhiều điểm mặt sân quảng trường đá lát có dấu hiệu bong tróc, hư hỏng. Một số đèn điện xung quanh quảng trường bị vỡ bóng. Hai bên cụm tượng đài nhếch nhác bởi đồ đạc, vật liệu xây dựng. Vườn cây xanh khu vực quanh tượng đài đất bùn lầy lội và ứ đọng nước. Một số bậc tam cấp đi lên cụm tượng đài bị bong tróc do không được bảo dưỡng, tu sửa thường xuyên. Toàn thân tượng Đinh Tiên Hoàng đế làm bằng đồng gỉ xanh… Hiện trạng trên khiến công trình vốn được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong không gian đô thị của TP.Ninh Bình đang trở thành đề tài gây bức xúc dư luận.

Cỏ mọc um tùm bao hết lối đi và ghế đá ở phần sân quảng trường

Tượng bị mốc chưa thể bàn giao

Trao đổi với Thanh Niên chiều 6.9, ông Lê Minh Trị, Trưởng ban Quản lý dự án thuộc UBND TP.Ninh Bình, cho biết sau 7 năm thi công hiện công trình mới hoàn thành được trên 70% khối lượng. Các hạng mục thảm cỏ, hệ thống tưới cây, dàn đèn, khu vực chân tượng đài, bãi đỗ xe, tường bao, một số cổng và các bức phù điêu trang trí… còn chưa hoàn thành. Tượng Đinh Tiên Hoàng bị mốc, chưa thể bàn giao được, địa phương đang yêu cầu nhà thầu khắc phục, sửa chữa.

Theo ông Lê Minh Trị, công trình bị chậm tiến độ là do thiếu vốn và chưa giải phóng xong mặt bằng, quá trình thi công cũng có một số vấn đề phải điều chỉnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thực hiện dự án xây dựng quảng trường Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Ninh Bình phải thu hồi đất thổ cư của 181 hộ dân và di chuyển đường điện cao thế 110 kV. Đến nay vẫn còn hàng chục hộ dân chưa chấp nhận tiền đền bù, hoặc đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng chưa bố trí được nguồn vốn để di chuyển đường điện 110 kV ra khỏi khu vực quảng trường.

Cũng theo ông Trị, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu TP tổ chức giải phóng mặt bằng cho dự án. TP đang tích cực vận động người dân nhận tiền đền bù, chuyển đến nơi ở mới. “Vốn thì đang gặp khó khăn, T.Ư chưa rót thêm về”, ông Trị nói. Khi chúng tôi hỏi liệu công trình có thể về đích trong năm 2016 hay không, ông Trị ngập ngừng: “Khối lượng thi công còn lớn, lại còn khâu giải phóng mặt bằng, còn nguồn vốn nữa. Chưa thể nói được đâu”.

Tượng đồng phải bảo dưỡng định kỳ

Về hiện tượng mốc rêu xanh ở tượng đồng Đinh Tiên Hoàng, Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến của các nhà điêu khắc và chuyên gia mỹ thuật.

“Đây không phải là chất lượng tượng đồng kém mà là bảo trì kém. Trong điều kiện khí hậu VN thì chả có vật liệu nào ngoài trời trụ được mà không cần bảo trì”. (Nhà điêu khắc Nguyễn Thái Bình)

“Tượng đài bằng đồng để ngoài mưa nắng sẽ bị gỉ xanh. Điều đó ở VN khó tránh khỏi, nhưng xử lý cũng đơn giản, chỉ cần làm sạch rồi phun một lớp hóa chất bên ngoài là có thể giữ được khoảng 2 - 3 năm”. (Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL)

“Về nguyên tắc gỉ xanh tượng đồng có thể xử lý được. Vấn đề kỹ thuật sẽ được quyết định dựa trên hiện trạng của tượng, chất lượng đồng. Chẳng hạn, tượng đồng tốt như tượng Lê Nin sẽ ít loang lổ như tượng đài Điện Biên Phủ. Cơ bản sẽ phải loại phần gỉ sau đó ổn định bề mặt. Các hóa chất chuyên dụng không đắt. Hoặc sau khi xử lý phần gỉ có thể làm phương pháp điện hóa. Các tượng đài lớn trên thế giới là làm như vậy. (Bà Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng Bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội)

B.Trần - N.Minh - P.Đức

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/quang-truong-ngan-ti-chua-biet-bao-gio-xay-xong-742062.html