Quanh bí mật về căn hầm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

(CATP) Căn hầm được cho là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng đồng thời là cơ sở cách mạng vừa được phát hiện tại Thừa Thiên - Huế. Qua đó cũng xuất hiện nhiều thông tin mới về cuộc đời và chuyện tình cảm của ông trong thời gian hoạt động tại đây.

(CATP) Căn hầm được cho là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng đồng thời là cơ sở cách mạng vừa được phát hiện tại Thừa Thiên - Huế. Qua đó cũng xuất hiện nhiều thông tin mới về cuộc đời và chuyện tình cảm của ông trong thời gian hoạt động tại đây.

QUANH CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI TỎ

Ông Mai Văn Huế (SN 1955), người trông coi ngôi nhà số 191 (số cũ 95A) Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa, TP.Huế ngày 26-9 trong lúc sửa lại nhà phát hiện căn hầm dài 5m, rộng 1,5m, cao 1,2m, có lỗ thông hơi, nối với mặt đất qua 4 bậc thang. Hầm được xây bằng gạch đặc và xi-măng kiên cố, phía trước, bên dưới cầu thang là kho cất giấu súng đạn; phần sau cách đó khoảng 15m là kho chứa vũ khí thô sơ.

Căn nhà này vốn là nơi ở của gia đình ông Hồ Diễn (một đại tư sản yêu nước có cửa hàng kinh doanh vật liệu, tạp hóa mang tên Thái Lợi). Ông Huế biết thông tin về căn hầm này vào năm 1968 khi gia đình chuyển từ khu vực chùa Từ Đàm - vùng chiến sự ác liệt xuống nhà ông Diễn. Ông nội ông Huế là Mai Văn Bổn, em ruột bà Mai Thị Cần - vợ ông Diễn. Lúc đó ông Huế 13 tuổi, được cô là Hồ Thị Xuân Mai (con gái ông Diễn, hiện 96 tuổi, sống tại TPHCM) hay tâm sự mọi chuyện. Theo lời ông: “Tôi hay chui vào hầm chơi, hỏi thì cô Mai nói là hầm che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.

Ông kể tiếp: “Vào buổi chiều thu năm 1944 có một thanh niên đẹp trai tìm đến hiệu Thái Lợi hỏi mua bẫy chuột. Cô Mai (học trường nữ sinh Pháp) vừa về đến nhà, vào lấy hàng cho khách, sơ ý bị bẫy kẹp tay. Anh thanh niên liền chạy đến giúp. Những ngày sau đó, người này thường đến mua hàng, hỏi thăm sức khỏe cô Mai và hai người nảy sinh tình cảm. Về sau cô Mai mới biết đó là Nguyễn Vịnh (tên khai sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), Bí thư Tỉnh ủy Trị Thiên, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4.

Ông Mai Văn Huế trước cửa hầm bí mật

Ông Mai Ngân (cháu ruột bà Cần, 85 tuổi, 52 tuổi Đảng, trú TP.Huế) kể: “Năm 1943 tôi 13 tuổi thì cả gia đình chuyển xuống nhà cô Cần ở để tránh sự truy quét của giặc. Ông Vịnh hay ra vào nhà cô, có quan hệ tình cảm với chị Mai nhưng không thể làm đám cưới. Thời gian ngụ tại đây, ông thường tổ chức họp bí mật quanh bộ bàn ghế cạnh hầm, nếu xảy ra biến cố gì thì xuống đó trú cho tiện. Ngoài ra còn 3 căn khác dành cho một số cán bộ ẩn náu. Chỉ có bà Mai và ông Phùng Duy Phiên (quan Pháp, sau này giác ngộ, làm trinh sát Trung đoàn 101 - tiền thân của Trung đoàn Trần Cao Vân, Sư 325, Quân đoàn 2 - QĐND Việt Nam) biết việc này. Ông Vịnh vận động gia đình ông Diễn tham gia cách mạng, nhà ông Diễn trở thành trụ sở của Đội Tuyên truyền xung phong Việt minh Trung bộ, nơi huấn luyện đội ngũ cán bộ và liên lạc của lãnh đạo tỉnh ủy, được xem là cơ sở cách mạng đầu tiên ở Huế trước Cách mạng tháng 8-1945”.

Ông Ngân kể thêm: “Năm 1945 ông Vịnh về quê cưới bà Nguyễn Thị Cúc, cũng là con một gia đình tư sản đã giác ngộ cách mạng. Sau này khi Đại tướng về Chiến khu Dương Hòa, tôi trở thành điệp viên tình báo Ban 2 Ty Công an Thừa Thiên - Huế, thỉnh thoảng có gặp Đại tướng. Chị Mai và em gái Hồ Thị Xuân Nhạn (đã mất) được giao nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ cách mạng, cung cấp lương thực, thuốc men cho chiến sĩ. Gia đình ông Diễn đóng góp và tích cực vận động các gia đình tư sản khác góp tiền của mua vũ khí cho Việt minh. Sau giải phóng, do những người trong gia đình ông Diễn chuyển đi nơi khác nên không ai để ý đến căn hầm, chỉ có Huế biết nên mới tìm lại được”.

CẦN XÁC MINH, LÀM RÕ

Việc căn hầm được cho là nơi trú ẩn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phát hiện sau thời gian dài bị lãng quên thu hút sự chú ý của dư luận. Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Di sản văn hóa thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Chưa nghe thông tin này, cũng chẳng thấy ai báo cáo”. Trong khi đó, ông Huế khẳng định: “Năm 2013, tôi viết thư gửi gia đình thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), sau đó ông Vịnh có gửi thư cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị kiểm tra, xác minh”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh qua công văn 7054/UBND-VH, Phó giám đốc Sở VH -TT&DL tỉnh Cao Chí Hải giao trách nhiệm cho Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh xác minh thông tin và làm việc cụ thể với ông Huế để nghiên cứu bổ sung vào tư liệu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=882&id=526384&mod=detnews&p=