Quốc gia nào sẽ thắng nếu chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra?

BizLIVE - Với sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí hạt nhân cùng sự gia tăng các xung đột vũ trang và bất ổn chính trị trong những thập kỷ gần đây, nguy cơ về chiến tranh thế giới thứ ba rất có khả năng xảy ra. Và nếu nó xảy ra thì quốc gia nào sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng?

Ngày 6/8/1945, Mỹ đã thả quả bom nguyên tử mang tên "Little Boy" xuống Hiroshima khiến 80.000 người thiệt mạng và phá hủy 69% các công trình của thành phố này.

Ba ngày sau, quả bom thứ hai được thả xuống Nagasaki khiến 40.000 chết và hàng chục nghìn người khác chết vì chấn thương hoặc bức xạ nhiều năm sau đó.

Sự kiện này cũng chính thức khép lại chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Á, khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh chỉ vài tháng sau khi Hitler tự sát trong một hầm bí mật của quân đội Đức.

Ngày nay, một vũ khí hạt nhân có trọng lượng hơn 1.000kg cũng có sức tàn phá tương đương với sức nổ của khoảng 1,2 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Nếu chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra, con số ước tính 22.000 vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí quân sự hiện đại, có thể xóa sổ hàng loạt quốc gia không có tiềm lực về quân sự trên bản đồ thế giới.

Tất nhiên, điều đó chỉ là giả thiết đáng sợ và chắc chắn khó có khả năng xảy ra bởi việc làm tương tự của Mỹ trong quá khứ đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận thế giới.

Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí hạt nhân trong những thập kỷ gần đây, nguy cơ về chiến tranh thế giới thứ ba không phải là không có cơ sở để xem xét. Và nếu nó xảy ra thì quốc gia nào sẽ là quốc gia có khả năng giành chiến thắng?

Trên cơ sở xem xét tiềm lực về quân sự cũng như xu hướng tăng trưởng trong chi tiêu dành cho quốc phòng và kinh tế những năm gần đây, Tạp chí Therichest của Mỹ đã đưa ra dự đoán về năm quốc gia có thể giành chiến thắng nếu chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra với một số tiêu chí cụ thể:

Tổng số quân nhân (bao gồm cả đang hoạt động, dự phòng và bán quân sự).

Tiềm lực hải quân (tính theo tổng trọng tải thực tế của các tàu quân sự).

Tiềm lực không quân (số lượng máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tấn công).

Xu hướng chi tiêu quân sự (tính theo đô la Mỹ và tỷ lệ phần trăm trên tổng GDP).

Số lượng vũ khí hạt nhân dự tính.

Tạp chí này cũng cảnh báo danh sách năm quốc gia này nên được nhìn nhận như một tóm tắt về sức mạnh quân sự, theo các thông số kỹ thuật được liệt kê chứ không nên mượn nó làm cái cớ để phô trương bức tranh quyền lực quân sự trong tương lai.

5. Vương quốc Anh: Chi 60,8 tỷ USD cho hoạt động quân sự năm 2013, chiếm 2,5% GDP

Tổng số quân nhân: 387.570

Tiềm lực không quân: 222 máy bay chiến đấu, 153 trực thăng tấn công

Tiềm lực hải quân: Khoảng 367.860 tấn

Vũ khí hạt nhân ước tính: Đã tiêu hủy khoảng 160 trên tổng số 225

Quân đội Hoàng gia Anh vốn có lịch sử rất lâu đời với lực lượng hải quân từng được nước này tuyên bố là tốt nhất và không quân lâu đời nhất thế giới.

Sự thật thì hải quân Hoàng gia Anh xếp thứ 5 và không quân đã rớt khỏi danh sách 10 nước tốt nhất. Tuy nhiên, chi phí quân sự của Anh vẫn xếp hàng thứ 4 thế giới. Nên tính trên tổng thể Anh vẫn có thể trên cơ Pháp, Đức và Nhật.

Anh là nước không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng nợ hiện tại của EU và với 2,5% GDP chi cho quốc phòng, Anh có nhiều khả năng huy động quân đội nhang chóng trong trường hợp căng thẳng gia tăng.

Ngoài ra, Anh cũng có mối quan hệ đồng minh khá tốt với Mỹ.

4. Ấn Độ: Chi 46,1 tỷ USD cho hoạt động quân sự năm 2013, chiếm 2,5% GDP

Tổng số quân nhân: 4.768.407

Tiềm lực không quân: 1080 máy bay chiến đấu, 140 máy bay trực thăng tấn công

Tiềm lực hải quân: Khoảng 317.725 tấn

Vũ khí hạt nhân ước tính: Khoảng 100

Mặc dù chi tiêu quân sự hiện nay của Ấn Độ thấp hơn Anh và đứng 8 trên toàn thế giới, nhưng trong tương lai gần, tiềm lực quân sự của nước này có thể vượt Anh. Theo nhận định của IHS Jane Group, công ty chuyên về khảo sát số liệu quân sự, quốc phòng toàn cầu thì điều đó rất có thể sẽ xảy ra vào năm 2017.

Những năm gần đây Ấn Độ rất tích cực đầu tư chi phí cho phát triển quốc phòng dài hạn và sẵn sàng để bắt kịp, thậm chí vượt qua các cường quốc quân sự phương Tây trong tương lai gần.

Ấn Độ hiện có số lượng quân nhân cao thứ hai thế giới, phần lớn là từ các nhóm bán quân sự luôn túc trực để tăng cường cho quân đội Ấn Độ trong trường hợp xung đột toàn cầu xảy ra.

3. Liên bang Nga: Chi 90,7 tỷ USD cho hoạt động quân sự năm 2013, chiếm 4,4% GDP

Tổng số quân nhân: 3.250.000

Tiềm lực không quân: 1.900 máy bay chiến đấu, 1.655 máy bay trực thăng tấn công

Tiềm lực hải quân: Khoảng 845.730 tấn

Vũ khí hạt nhân ước tính: Đã phá hủy 1.480/4502 vũ khí

Năm năm trở lại đây Nga chi rất mạnh tay cho quân sự và còn có thể tiếp tục tăng thêm 44% trong ba năm tới cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, mua sắm các thiết bị quân sự, theo IHS Jane.

Với lực lượng hải quân và không quân lớn thứ hai thế giới cũng như kho vũ khí hạt nhân chỉ xếp sau Mỹ, Nga chắc chắn vẫn duy trì được vị thế một cường quốc quân sự lớn trong tương lai.

2. Mỹ: Chi 682 tỷ USD cho hoạt động quân sự năm 2013, chiếm 4,4% GDP

Tổng số quân nhân: 2.291.910

Tiềm lực không quân: 3318 máy bay chiến đấu, 6.417 máy bay trực thăng tấn công

Tiềm lực hải quân: Khoảng 3.415.893 tấn

Vũ khí hạt nhân ước tính: đã phá hủy 1654 trên tổng số 5113

Mỹ là quốc gia chi lượng tiền khổng lồ bằng 10 cường quốc cộng lại cho việc nghiên cứu các vũ khí tối tân, công nghệ tiên tiến nhất và huấn luyện binh sĩ. Nhưng tại sao Mỹ vẫn chỉ xếp vị trí thứ hai?

Mặc dù đã chi tới 682 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2013 nhưng theo dự báo của IHS Jane Mỹ có thể sẽ tiếp tục chi khoảng 574,9 tỷ USD ngân sách cho quân sự năm 2014.

Ngày 24/2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã công bố kế hoạch cắt giảm một phần tám quy mô quân sự, theo đó nước này sẽ có số binh sĩ ít nhất kể từ trước Thế chiến II đến nay.

Động thái này đã cho thấy tiềm lực quân sự của Mỹ có thể đang gặp nhiều khó khăn dù Mỹ vẫn là nước có lực lượng hải quân và không quân lớn nhất thế giới cùng một kho vũ khí hạt nhân đáng sợ.

1. Trung Quốc: Chi 166 tỷ USD cho hoạt động quân sự năm 2013, chiếm khoảng 2% GDP

Tổng số quân nhân: 7.054.000

Tiềm lực không quân: 1.500 máy bay chiến đấu, chưa thống kê được số máy bay trực thăng

Tiềm lực hải quân: Khoảng 708.086 tấn

Vũ khí hạt nhân ước tính: Khoảng 240 (chưa chắc chắn)

Mặc dù còn tồn tại một số vấn nạn xã hội và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây của Trung Quốc đã chứng minh khả năng đáng ngưỡng mộ của Chính phủ Trung Quốc trong việc liên tục đưa ra các chính sách cải cách kinh tế và xã hội hiệu quả.

Trong bản cáo năm 2013, Liên đoàn kinh tế thế giới đã dự đoán tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2028. Trong khi, Trung Quốc hiện nay chỉ dành 2% GDP cho tăng trưởng quân sự thì con số này của Mỹ là 4,4%.

Năm 2011, Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cũng từng dự báo tiềm lực quân sự của Trung Quốc sẽ ngang ngửa với Mỹ chỉ trong 15-20 năm nữa nhưng thực tế nó có thể rút ngắn hơn nữa nếu Trung Quốc tiếp tục chi mạnh tay cho quân sự như năm 2013.

Tiềm lực quân sự Trung Quốc thực sự mạnh đến đâu vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với rất nhiều người, thậm chí các chuyên gia. Và với quan hệ mong manh Mỹ - Trung hiện nay, cũng không ai dám chắc rằng Trung Quốc không thể đánh bại Mỹ nếu xung đột quốc tế xảy ra.

Theo Therichest

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tu-lieu/quoc-gia-nao-se-thang-neu-chien-tranh-the-gioi-thu-ba-no-ra-108604.html