Quốc hội “bắt lỗi” trong thu, chi ngân sách

(Toquoc)-Những tồn tại, hạn chế trong sử dụng, quản lý ngân sách của Nhà nước được các ĐB “điểm mặt”

Ngày 28/5, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008. Các ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Thị Loan… đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong sử dụng, quản lý ngân sách của Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước tuy vượt dự toán gần 20% nhưng cơ cấu thu lại thấp hơn dự toán và nguồn thu lại chưa thực sự vững chăc. Tăng thu chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu mà không phải tăng thu từ sản xuất kinh doanh. Việc sử dụng ngân sách tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cũng được các ĐB yêu cầu kiểm toán Bên cạnh đó nhiều ĐB cho rằng quản lý chi ngân sách tại một số nơi chưa thực sự triệt để tiết kiệm, hiệu quả hầu hết các địa phương thu không đủ chi, phải chờ bổ sung từ ngân sách TƯ, thêm vào đó lại có số chi chuyển nguồn lớn theo hướng năm sau cao hơn năm trước đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước. Đặc biệt những tồn tại này đã kéo dài trong nhiều năm. "Chi ngân sách ra rồi không hoàn thành nhiệm vụ, gây tốn kém Nhà nước, chẳng thấy ai bị kỷ luật, chẳng thấy ai từ chức, không thấy ai xin lỗi nhân dân", ĐB Nguyễn Minh Thuyết bức xúc và đi đến kết luận: Điều này chứng tỏ kỷ luật chi không nghiêm. UB Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội phê chuẩn mức tổng thu cân đối là 548.529 tỷ đồng, tổng chi cân đối 590.714 tỷ. Số bội chi ngân sách nhà nước kiến nghị 67,677 tỷ đồng, tương đương 4,58% GDP. Còn ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng báo cáo của Chính phủ cần phải rút ra được những điểm thu, chi chưa hợp lý để rút kinh nghiệm vào những năm tiếp theo. Đặc biệt cần nói cho rõ đã chi cho chống tham nhũng bao nhiêu; các doanh nghiệp làm sai, làm ẩu phải sửa chữa tốn kém bao nhiêu cũng phải công khai... để nhân dân cùng biết. Thêm nữa, Quốc hội phải được biết những khoản chi bất hợp lý để có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, các ĐB cũng chỉ ra việc chấp hành quản lý thu tại một số đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, nhiều sai phạm trong quản lý thuế còn diễn ra với các mức độ khác nhau… Trước thực tế này, nhiều ĐB kiến nghị cần tăng cường vai trò của kiểm toán (kể cả kiểm toán tư nhân, kiểm toán độc lập) để đánh giá thực chất hiệu quả của việc thu, chi ngân sách nhà nước ở các địa phương và cả ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tránh tình trạng bố trí vốn dàn trải, thiếu hiệu quả, tình trạng chạy nợ dự án… ĐB Trần Đình Long nhận xét: “Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán thu-chi ngân sách của một số tỉnh thành, bộ ngành, nhưng còn chưa làm hết, chưa nói gì đến cấp huyện. Như vậy Quốc hội làm sao có đủ cơ sở để quyết định.” Chính vì vậy mà ĐB Phan Trung Lý đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải có những kết luận rõ ràng, cô đọng, thể hiện rõ đánh giá cuối cùng của mình báo cáo với Quốc hội. Công tác kiểm toán cũng cần được làm kỹ càng hơn, ở các lĩnh vực, địa phương cần kiểm toán theo Luật Ngân sách nhà nước. Một số ĐB còn kiến nghị trong Báo cáo quyết toán ngân sách cần bổ sung phụ lục đối với khoản thu, chi ngoài ngân sách. Bởi theo ĐB Lê Quốc Dung "số để ngoài nguồn thu chi ngân sách còn lớn và có xu hướng tăng lên" và như vậy Quốc hội khó kiểm soát. Do vậy cần tăng hiệu lực phê chuẩn, giám sát thu chi ngân sách của Quốc hội hơn nữa. Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp thêm một số báo cáo để giải đáp rõ hơn các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra, để Quốc hội có thể xem xét, thông qua quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2008 vào cuối kỳ họp theo như chương trình dự kiến./. T.Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Quoc-Hoi-Bat-Loi-Trong-Thu-Chi-Ngan-Sach.html