Quốc hội hay Chính phủ quy định thuế suất tài nguyên?

(VnMedia) - Sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật thuế tài nguyên. Nhiều đại biểu cho rằng, việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý. Theo lý giải của các đại biểu, việc quyết định thuế suất liên quan trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân, đến tính ổn định của sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư và đời sống người dân. Do đó, việc UBTVQH quyết định thuế suất không ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong quản lý, điều hành kinh tế vì UBTVQH mỗi tháng họp 1 lần.

Quốc hội quyết định mức thuế suất: Có làm thay việc Chính phủ? Biểu khung thuế suất trong Dự thảo luật được giữ như quy định hiện hành với 8 nhóm đối tượng chịu thuế; khung thuế suất được áp dụng theo các nhóm, không có khung cho từng đối tượng chịu thuế. Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, về thuế suất, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cùng nhiều đại biểu đoàn Hà Nội khác tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính- ngân sách, cho rằng việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý. Đại biểu Quyền nhấn mạnh căn cứ vào Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó quyết định mức thuế suất cụ thể áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp thật đặc biệt, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thời kỳ, Quốc hội giao UBTVQH xem xét, quyết định thuế suất cụ thể. Đại biểu Quyền nhấn manh, nội dung này đã được quy định trong Hiến pháp nên việc giao Quốc hội quyết định mức thế suất là điều không cần phải bàn cãi. Ngoài lý do trên, việc quyết định thuế suất liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, đến tính ổn định của sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư và đời sống người dân; do đó, phải do cơ quan lập pháp quyết định. Việc giao UBTVQH quyết định thuế suất không ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong quản lý, điều hành kinh tế vì UBTVQH mỗi tháng họp 1 lần. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, khác với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên mang tính ổn định cao, không chịu tác động lớn của thị trường. Vì vậy cần tạo khuôn khổ pháp lý ổn định cho sắc thuế này. Nhiều ý kiến tán thành, tại thời điểm hiện nay, khi việc tổng kết, đánh giá quá trình áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với mỗi loại tài nguyên còn chưa đầy đủ, trước mắt Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn, đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao UBTVQH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên. Trong những năm tới, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, tính ổn định của hệ thống pháp luật, của môi trường sản xuất kinh doanh thì mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phải được quy định trong luật. Đó cũng là đề nghị của giới doanh nghiệp và mong muốn của các tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, Quốc hội không quyết định khung thuế suất chung chung mà nên sửa đổi theo hướng bỏ khung thuế suất, đồng thời Quốc hội quyết định trong luật mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên. Trái ngược với ý kiến trên,có đại biểu lại nhìn nhận, Quốc hội chỉ quyết định khung thuế suất còn mức thuế suất cụ thể do Chính phủ quy định trên nguyên tắc bảo đảm không thất thu NSNN và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tài nguyên hiệu quả. Lý giải cho đề nghị này, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TPHCM) cho rằng, UBTVQH quyết định mức thuế suất cụ thể sẽ ảnh hưởng đến tính chủ động trong điều hành của Chính phủ. Hơn nữa, theo đại biểu Đạt, nếu để Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể để điều hành linh hoạt, vừa hấp dẫn các nhà đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích đất nước. Ban hành pháp luật về thuế thuộc cơ quan lập pháp Trước những luồng ý kiến còn trái ngược trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều hành kinh tế - xã hội và việc quyết định chính sách, thể chế hóa chính sách bằng ban hành pháp luật là hai vấn đề khác nhau, được Hiến pháp giao cho các cơ quan khác nhau thực hiện, phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Quốc hội, UBTVQH quyết định chính sách thuế là thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp. Chính phủ có trách nhiệm chủ động điều hành kinh tế trên nền tảng pháp luật do Quốc hội, UBTVQH ban hành. Nếu coi việc ban hành pháp luật về thuế là quyền chủ động điều hành thì sẽ dẫn đến lẫn lộn về chức năng, không bảo đảm thực hiện đúng nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Đại biểu Đặng Khôi Nguyên (Hà Nội) bày tỏ quan điểm tán thành với Ủy ban Tài chính- ngân sách cho rằng việc ban hành Luật thuế tài nguyên phải tạo công cụ quản lý vĩ mô quan trọng để một mặt khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế, mặt khác, bảo đảm quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo. Ông Nguyên cho rằng với Luật thuế tài nguyên này, chúng ta sẽ góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật người cao tuổi. Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật người cao tuổi. Anh Thi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=26&newsid=177502