Quốc hội muốn giám sát việc mở trường Đại học

Câu chuyện mở trường đại học dễ dãi, nâng cấp trường đại học ồ ạt nóng rẫy trên mặt báo những ngày qua cũng đã lan tới Quốc hội ngay ngày khai mạc.

- Câu chuyện mở trường đại học dễ dãi, nâng cấp trường đại học ồ ạt nóng rẫy trên mặt báo những ngày qua cũng đã lan tới Quốc hội ngay ngày khai mạc (20/10). Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi về vấn đề này - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã từng tiến hành giám sát vấn đề thành lập trường đại học cũng như chất lượng đào tạo Đại học chưa, thưa ông? Một năm trước đây, Ủy ban cũng đã tiến hành giám sát về vấn đề thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo. Nhưng chủ yếu tập trung và các cơ sở đào tạo nghề. Do bức xúc chung của xã hội, tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ sẽ báo cáo Quốc hội để đưa nội dung về trường Đại học thành 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2010. Việc thành lập trường Đại học cũng như chất lượng đào tạo Đại học, trong đó có liên kết đào tạo với nước ngoài sẽ là nội dung quan trọng trong chương trình giám sát của Quốc hội. - Khi giám sát việc thành lập các cơ sở giáo dục, Ủy ban có phát hiện ra những sai phạm nào trong việc thẩm định lập các trường Đại học chưa. Việc thẩm định sai là rõ ràng rồi, vì có một số trường Đại học chưa đủ điều kiện vẫn cứ ra đời. Có thông tin cho rằng, để thành lập trường, có trường Đại học đã phải "lót tay" 2 tỷ đồng? - Chúng tôi không biết, vì chưa thực hiện giám sát vấn đề này. - Ông nghĩ sao về hiện tượng nhiều trường ĐH với điều kiện "3 không": không cơ sở vật chất, không năng lực tài chính, không đội ngũ vẫn tiến hành tuyển dụng và đào tạo sinh viên? Quả thật là có hiện tượng đó. Phải thừa nhận là trong các quy định của ta hiện nay về việc thành lập trường Đại học vẫn còn có nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ. Vì vậy, rất khó để giám sát việc thực hiện các quy định đó. Nhưng qua đây để thấy một điều rõ ràng: Các cơ quan trực tiếp giúp Chính phủ trong việc thẩm định để thành lập một trường Đại học đã không làm hết trách nhiệm. - Vậy theo ông, trách nhiệm thuộc về ai? Đương nhiên là trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì Bộ này chịu trách nhiệm trực tiếp về việc thẩm định thành lập trường Đại học, đồng thời cũng là cơ quan quản lý Nhà nước về Giáo dục đào tạo. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam không có cơ quan chuyên biệt để thẩm định chất lượng các trường ĐH như các quốc gia khác đang làm, vì vậy mới phát sinh nhiều vấn đề? Các nước có hoàn cảnh điều kiện khác. Ở các nước, việc ra đời một trường Đại học không quan trọng. Mà quan trọng là trường đó phải được một tổ chức có uy tín kiểm định chất lượng. Chỉ sau khi được kiểm định, được công nhận thì trường mới thu hút được sinh viên. Còn ở Việt Nam, các trường Đại học là hệ thống quốc gia. Đại học được Nhà nước thành lập nên bản thân Đại học đã tạo được niềm tin cho người học. Các trường Đại học của Việt Nam do Chính phủ thành lập, đồng nghĩa với việc được Nhà nước bảo hộ. Vì vậy, Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội về kiểm định chất lượng. Nhưng cái yếu của Việt Nam là công tác kiểm định còn mới, chưa bảo đảm. Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục? Khi sửa đổi Luật Giáo dục lần này, chúng tôi đang đề nghị chia quy trình thành lập trường Đại học thành 2 bước. Bước 1 là quyết định thành lập trường và sau đó mới cho phép hoạt động giáo dục. Mỗi bước sẽ có những quy định cụ thể. Cơ quan thẩm định sẽ căn cứ vào những quy định cụ thể đó để thẩm định. Cơ quan giám sát cũng căn cứ vào đó để giám sát trách nhiệm thẩm định đã đúng hay chưa. Hy vọng, với sự thay đổi này, quy định pháp luật sẽ chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Nhưng quy định là một chuyện, quan trọng hơn nữa là bản thân người thực thi pháp luật phải làm đúng. Sẽ phải có cơ chế để xử lý những người thẩm định sai, giám sát sai. L. Nhung (ghi)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/200910/Quoc-hoi-muon-giam-sat-viec-mo-truong-Dai-hoc-874597/