Quốc hội muốn làm rõ: DN 'héo mòn' nhưng ngân hàng vẫn lãi lớn

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn trong năm 2023 khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Doanh làm ăn khó khăn, ngân hàng vẫn lãi lớn

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2023 là một năm thực sự khó khăn với các doanh nghiệp khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 20,5% so với năm trước đó.

Trái với tình trạng ảm đạm này, các ngân hàng thương mại, từ ngân hàng thuộc nhóm Big4 đến các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn lãi lớn trong năm 2023. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế của toàn ngành ngân hàng đạt hơn 198.446 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đã chỉ ra nghịch lý “doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng vẫn lãi lớn”.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, nhiều khó khăn trong thời gian qua đã đè nặng doanh nghiệp, khiến bức tranh phát triển doanh nghiệp trở nên ảm đạm trong quý I/2024. Sức sống của doanh nghiệp đang “héo mòn”.

Hiệu suất kinh doanh giảm khiến nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm các khoản vay. Tín dụng theo đó cũng có dấu hiệu “đông cứng” trong những tháng vừa qua. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tăng trưởng tín dụng quý I/2024 ở mức thấp nhất trong 10 năm qua dù nền lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp. Thậm chí, tính đến giữa tháng 2/2024, tăng trưởng tín dụng ở mức âm.

Tuy nhiên, điều đáng nói là bất chấp tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp và ảm đạm tín dụng, các ngân hàng vẫn duy trì mức sinh lời cao từ hoạt động cho vay.

Dẫn chứng cho nhận định này, chuyên gia của VEPR chỉ ra NIM – thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay của nhiều ngân hàng vẫn đang tăng, thậm chí còn cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Kể từ khi bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay, điều này đã khiến cho NIM tăng. Theo một số các ngân hàng, các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay.

“Xét về bản chất kỳ hạn thì điều này đúng. Tuy nhiên, đến giờ thì đã là 4 năm kể từ khi lãi suất được định hướng giảm, thì có lý do gì mà lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với mức giảm lãi suất huy động. Điều này rất cần có sự mổ xẻ sâu hơn”, chuyên gia của VEPR cho biết.

Ngành ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp thế nào?

Kể từ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có nhiều chỉ đạo cho các tổ chức tín dụng, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất vay. Mới đây nhất, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo tiếp tục phấn đấu giảm 1 - 2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội.

Nhờ đó, mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động cũng đang dần được thu hẹp. Thống kê mới nhất của chứng khoán Smart Invest chỉ ra, tốc độ giảm lãi suất cho vay đang nhanh hơn. Trong quý I/2024, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,7% so với cuối năm 2023, trong khi lãi suất huy động giảm 0,3%.

Đồng thời, các ngân hàng cũng công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch giữa lãi suất huy động với lãi suất cho vay. Theo NHNN, việc công khai lãi suất cho vay nhằm giúp tạo sự cạnh tranh bình bằng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất phù hợp.

NHNN mới đây cũng đề xuất gia hạn Thông tư 02 đến ngày 31/12/2024, tức kéo dài thêm 6 tháng nữa theo kế hoạch ban đầu. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc gia hạn Thông tư 02 là cần thiết và giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để bình ổn, huy động thêm các dòng tiền hoàn trả các khoản nợ vay.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quoc-hoi-muon-lam-ro-chuyen-dn-heo-mon-nhung-ngan-hang-van-lai-lon-d111102.html