Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu

Ngày 21-6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công bố 4 nghị quyết, gồm 3 nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba và vừa được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký chứng thực; 1 nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội-Chính phủ-Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nghị quyết đầu tiên được công bố lần này là Nghị quyết số 34/2017/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo nghị quyết, chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư được bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Đồng thời, dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) được đổi tên thành dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.

Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ thông qua các dự thảo: Luật Hành chính công; Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Cũng tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ thông qua các dự thảo: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cùng với đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật Công an xã; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Nghị quyết thứ hai được công bố là Nghị quyết số 35/2017/QH14 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Nghị quyết nêu rõ, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ xem xét: Báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả giám sát và việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ tư. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, giai đoạn 2011-2016”.

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo công tác năm 2018 của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC), Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; Báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của UBTVQH về chất vấn tại phiên họp; Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm; Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, cũng tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội.

Nghị quyết thứ ba được công bố là Nghị quyết số 36/2017/QH14 về việc Phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm thẩm phán TANDTC. Theo nghị quyết, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Lê Hồng Quang và Phó chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Văn Tiến được phê chuẩn bổ nhiệm làm thẩm phán TANDTC.

Nghị quyết thứ tư được công bố là Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

THÙY LÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-se-lay-phieu-tin-nhiem-bo-phieu-tin-nhiem-tai-ky-hop-thu-sau-510627