Quốc hội thảo luận dự án Luật Người cao tuổi

(Chinhphu.vn) – Đa số các đại biểu tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật là người cao tuổi công dân Việt Nam, cho rằng quy định này là phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về người cao tuổi ở nước ta nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật.

Chiều 21/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người cao tuổi và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Người cao tuổi. Nhìn chung, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của dự án Luật. Đa số đại biếu tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo đó, không đưa đối tượng người cao tuổi là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh. Các đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)… tán thành quy định độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi. Tuy nhiên, đại biểu Trương Văn Nọ (Long An) đề nghị quy định độ tuổi này đối với nam là 60 tuổi, đối với nữ là 55 tuổi để kế tiếp tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động; có ý kiến đề nghị nâng độ tuổi người cao tuổi lên 65 tuổi hoặc 70 tuổi; phân biệt độ tuổi theo địa bàn nông thôn, đô thị... Một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật tiếp tục chỉnh lý theo hướng quy định tập trung ưu tiên trợ giúp những người cao tuổi có khó khăn về kinh tế và điều kiện sống, người cao tuổi thuộc nhóm tuổi cao. Đại biểu Lê Văn Cuông, Nguyễn Anh Liêm (Thanh Hóa) đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 85 tuổi xuống từ đủ 80 tuổi cho phù hợp với nguyện vọng của người cao tuổi cũng như chính sách của Nhà nước đối với nhóm người tuổi cao trong xã hội. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật nên phân biệt mức trợ cấp khác nhau đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo và người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không thuộc hộ nghèo nhằm đảm bảo tính công bằng. Về tính chất của Hội Người cao tuổi Việt Nam, có 2 luồng ý kiến khác biệt: hoặc coi Hội là tổ chức xã hội hoặc coi Hội là tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất, Hội Người cao tuổi nên tổ chức thành 4 cấp để đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương vì nếu tổ chức theo 2 cấp, hoạt động của Hội sẽ gặp khó khăn. Đại biểu Bùi Tuyết Minh (Kiên Giang) đề nghị không nên phân biệt độ tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh (Điều 12, 13) mà nên quy định chung đối với người cao tuổi hoặc giao cho cơ sở chữa bệnh tự quy định. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định người cao tuổi được ưu tiên cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, Điều 24 quy định về trách nhiệm phát huy vai trò người cao tuổi, nhiều đại biểu cho rằng, quy định chính sách về vốn, đất đai, thuế đối với người cao tuổi là không phù hợp; chỉ nên quy định về vay vốn, không nên quy định về ưu đãi đất đai, thuế để tránh lợi dụng việc vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho người cao tuổi. Nguyễn Hoàng - Quỳnh Hoa

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-nguoi-cao-tuoi/200910/23571.vgp