Quốc hội thảo luận Tổ: Nhờ Thống đốc 'cũ' giải thích giùm

'Cơ chế xử lý nợ xấu giống bệnh tăng xông của con người, đừng để tích tụ lại. Phải xử lý thường xuyên, mạch máu mới tốt; không dẫn đến hệ lụy, từ đó mới dẫn đến nền kinh tế tốt', ông Nguyễn Văn Bình người từng ngồi 'ghế nóng' Thống đốc ngân hàng mở đầu phát biểu bằng việc mượn lại hình ảnh khóa trước Quốc hội từng nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Khánh Huyền.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Khánh Huyền.

Cục máu đông hẹp quá là tăng xông

Chiều nay, theo đúng lịch, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu và bàn về sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng. Tại tổ 13, nơi có đoàn đại biểu QH Quảng Bình, với tư cách đại biểu Quốc hội- Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nguyên “người cũ” của ngành ngân hàng mở màn nói về nợ xấu.

Ý kiến của ông Bình lập tức thu hút sự chú ý lắng nghe của các đoàn đại biểu trong Tổ 13 ( Quảng Bình, Quảng Trị, ĐăkLak; Bạc Liêu). Hơn một năm sau khi rời “ghế nóng” Thống đốc lên cương vị mới, ông Bình lưu ý ngay khi phát biểu: “Tôi phát biểu trước hết với lý do người gần gũi với công việc này”.

Với hai phần việc về nghị quyết và luật sửa đổi các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Văn Bình cho biết: Việc này Đảng đoàn Quốc hội theo quy đinh đã trao đổi khá kỹ lưỡng, góp ý. Bộ chính trị với tinh thần đã thống nhất chủ trương của Quốc hội. Với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trên cơ sở đó để các đại biểu thảo luận”.

Để dễ hình dung, ông quay trở lại mượn hình ảnh quen thuộc ví nợ xấu giống cục máu đông. “Cái rất thuận lợi hiện nay kể cả về Bộ Chính trị cũng như Đảng đoàn Quốc hội đều nhất trí cao là bảo đảm xử lý nợ xấu cho được thông thoáng. Khóa trước người ta ví nợ xấu như cục máu đông trong nền kinh tế- hình ảnh đó rất chính xác, nó cũng giống như anh em ta đến tuổi cứ tích tụ dần, làm cho đường ống dẫn máu ngày càng hẹp; hẹp quá ta gọi là tăng xông; anh nào nhẹ chữa được; anh nào nặng đi luôn”, người từng có thời phụ trách ngành NH nói.

Toản cảnh Tổ 13 họp thảo luận Dự thảo Nghị quyết nợ xấu.

Ông Bình cũng đồng thời khẳng định: “Cơ chế xử lý nợ xấu giống bệnh tăng xông của con người. Đừng để nó tích tụ lại; phải xử lý thường xuyên, mạch máu mới tốt và mới không dẫn đến hệ lụy từ đó mới dẫn đến nền kinh tế tốt lên”.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình còn phát biểu: “Xử lý nợ xấu ta nói suốt thời gian vừa qua. Tôi nói thật là nợ xấu có suốt trên dưới 10 năm qua. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng đã có những bước tiến quan trọng; năm 2010 đã có quy định bổ sung; mọi quy đinh xử lý nợ xấu liên tục hoàn thiện qua các thời kỳ tuy nhiên chúng ta có nhiều văn bản pháp lý chưa thực sự đồng bộ từ đó dẫn tới quá trình xử lý có những bất cập…”

Khó khăn ở ta theo ông Bình quy định cho vay có thể không cần tài sản thế chấp nhưng trên thực tế cho vay ở ta toàn có tài sản thế chấp; điều đó có cái hay nhưng có cái dở; nó cản trở phát triển kinh tế; nhưng nó cũng có điểm dở: làm cản trở, chậm tiến trình phát triển DN vì có tài sản rồi thì họ ko phải đi vay; nhưng có cái hay là có tài sản đảm bảo.

Tổng hợp lại, đại biểu Bình nhấn mạnh mấy điểm cần lưu ý Nghị quyết xử lý nợ xấu hướng tới. Đó là xử lý nợ xấu góp phần đảm bảo quyền lợi người gửi tiền trong hệ thống NH. Nếu nợ xấu được thông thoáng, tiền giải phóng ra lớn, chính tiền đó lại đưa vào nền kinh tế tạo vòng luân chuyển, cung cấp tiền cho các TCTD tăng lên.

“Mấy ngày vừa rồi, chúng ta thảo luận tình hình KTXH thấy ngân sách hết sức khó khăn; trong khi muốn phát triển tăng trưởng như Quốc hội đề ra; phải trông cậy vào các TCTD cho nên không có cách nào phải sớm có Nghị quyết. Sự cần thiết ban hành Nghị quyết là hết sức đúng đắn”, đại biểu Bình nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu).

Nhờ Thống đốc cũ giải thích giùm

Phát biểu ngay sau đại biểu Nguyễn Văn Bình, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nói: “Anh Bình còn khiêm tốn chứ chúng tôi nhìn thấy có nhiều điều hệ thống ngân hàng đã làm được“. Tuy nhiên, ông Hạ thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đồng ý nợ xấu là cục máu đông và Nghị quyết là liều thuốc xử lý cục máu đông đó nhưng cũng phải phân định rõ ngân hàng (NH) cũng là doanh nghiệp.

“Quản trị và quản lý của hệ thống NH còn yếu kém. Tôi đồng ý phải xử lý nhưng nếu ta ưu ái cho NH thì liệu có làm ảnh hưởng đến DN không. DN bị xử lý thì liệu họ có dám vay nữa không, kinh tế có phát triển không. Cho nên tôi đề nghị phải báo cáo rõ nợ xấu từ đâu ra, có phải do thiên tai người dân, dịch bệnh hay do lợi ích nhóm đến từ sự câu kết của NH với DN. Tôi đồng ý phải xử lý nhưng vẫn băn khoăn như vậy, nghị quyết có ưu ái NH quá không”, đại biểu Hạ nói.

Cũng tương tự, một thắc mắc đến từ đại biểu khác trong tổ này “nhờ” Thống đốc cũ lý giải giùm là điều 5 Nghị quyết quy định bán nợ xấu ra thị trường trong đó có bán dưới giá, thấp hơn giá trị ghi sổ khoản nợ. “Điều này dễ tạo kẽ hở lắm, vậy bán thấp là thấp hơn là bao nhiêu?”, vị này hỏi?

Đồng tình với lý giải của người từng trong ngành, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói: “Trên thực tế đúng là có những vụ án tồn tại 10-20 năm văn bản chồng chéo, không thực hiện. Qua ý kiến anh Bình tôi thấy có những vướng mắc: ví dụ thời kỳ bất động sản đóng băng, vốn NH không lưu thông được; người vay vốn NH mua BDĐ họ không bán được. Thực tế thời gian vừa qua, tài sản NH tồn đọng rất lớn.“

Đại biểu Vũ Xuân Cường (Lào Cai).

Còn đại biểu Vũ Xuân Cường (Lào Cai) băn khoăn về nghị quyết cần bổ sung thêm trong tờ trình nội dung về thực trạng, tín dụng mới cũ thế nào; tín dụng nhà nước hay nhân dân, nợ NHNN hay cổ phần. đồng thời cần có phân tích nguyên nhân xử lý nợ xấu …” Trước tất cả các thắc mắc đó, các đại biểu đề nghị đồng chí Trưởng ban kinh tế Trung ương vốn từng là trưởng ngành ngân hàng trả lời giùm.

Trả lời vấn đề này, ông Bình nói: “Giờ tôi không làm Thống đốc, không làm bên Chính phủ nữa nên cũng chỉ được nghe như các đại biểu. Còn trên góc độ kinh nghiệm bản thân thì tôi cho rằng, nợ xấu đúng là xảy ra theo nguyên nhân khách quan do biến động của nền kinh tế, sức khỏe DN có vấn đề; còn phần chủ quan ví như có chuyện DN vay móc ngoặc với NH. Về việc này cần hiểu rõ riêng trách nhiệm chủ quan của các cơ quan liên quan đến nợ xấu vẫn phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nghị quyết này không vì thế bao nhẹ cho ông này, ông kia làm ăn sai trái cả”, ông Bình khẳng định.

Theo ông Bình, đại biểu và người dân cần hiểu rõ, giả sử nợ xấu do DN vay không được xử lý được thì các tổ chức tín dụng (TCTD) phải xử lý , ví dụ có người vay ngân hàng 100 tỷ; có tài sản bảo đảm ngân hàng (NH) có quy định rất rõ: Nếu nợ nhóm 3 thì phải trích 20% (tương đương 20 tỷ) cho đến khi ông lên đến nợ nhóm 5 thì NH đó phải trích lập 100% (100 tỷ) vì như tôi nói ban đầu tiền này là tiền của dân dù DN làm mất tiền nhưng NH vẫn phải đền đủ. Cho nên từ góc độ NH không ông nào thích nợ xấu cả; bình thường nợ xấu NH của DN, nhưng giờ họ phải trích lập“, ông Bình lý giải.

Gút lại, người từng ngồi “ghế nóng” ngân hàng khẳng định: “Chúng ta cứ thấy băn khoăn là Nghị quyết này có gì mới, có gì ưu ái về phía trên, có gì ưu ái các ông gây ra chuyện này? Tôi chỉ thấy cái đọng lại thì ta cần xử lý cho nhanh. Đây là sự sửa đổi cần thiết để phù hợp mặt bằng ổn định nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (ĐăkLak) với tư cách là người đang xử lý nợ xấu hang ngày cho biết: Chúng tôi là nơi thu hút nguồn vốn nhất Tây Nguyên; từ 2016 xử lý 518 vụ; 3 vụ hình sự (121 tỷ) , 470 vụ bằng con đường dân sự kinh doanh thương mại ( 1352 tỷ) trong này báo cáo : con đường dân sự và kinh doanh thương mại chúng tôi công nhận hòa giải thành 40%. Nguồn gốc nợ xấu thông thường đến từ 2 nguyên nhân, một là do cán bộ NH và người vay không tuân thủ; hai là do rủi ro khách quan. Có tín dụng thì có nợ xấu và nó là cái tích tụ. Cái lo lắng nhất của chúng ta trong các khoản nợ xấu này; của DNNN là bao nhiêu của tư nhân là bao nhiêu? Nghị quyết cho là cái ngọn để chữa bệnh tức thời.

Khánh Huyền

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/quoc-hoi-thao-luan-to-nho-thong-doc-cu-giai-thich-gium-1152801.tpo