Quốc hội thảo luận về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường để nghe các báo cáo tờ trình về dự kiến xây dựng các luật, pháp lệnh, chương trình giám sát hoạt động của Quốc hội năm 2018, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Cụ thể, sáng nay Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Theo dự kiến, buổi chiều cùng ngày Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ DNVVV. Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sẽ điều khiển phiên họp.

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNVVV bao gồm 13 điều, được kết cấu thành 4 chương trong đó quy định các nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ chung cho các DNNVV và các hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tiềm năng phát triển.

Các hỗ trợ chung quy định tại mục 1, Chương II là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các DNNVV như hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…

Các nội dung hỗ trợ trọng tâm quy định tại mục 2, Chương II có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, chỉ giới hạn đối tượng gồm DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng nêu rõ, sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, đến nay, về cơ bản, các tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng chiều ngày 22/5.

Tuy nhiên, qua thực hiện đề án cũng bộc lộ một số hạn chế, cụ thể: hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ; tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; quy định về thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước khi xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ… Việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém có thể dẫn tới những bất cập, thiếu hụt liên quan đến cơ sở pháp lý xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém không được giải quyết; mức độ an toàn hoạt động ngân hàng và nguy cơ rủi ro lan truyền; ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.

Như vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảngvà cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội theo định hướng của Quốc hội, Chính phủ cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Thành Nam

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua.html