Quốc khánh Việt Nam - Tết Độc lập của muôn dân

Xa quê đã trên 30 năm, nhưng kỷ niệm 65 năm Ngày Quốc khánh 2-9 năm nay, sao tôi vẫn còn nhớ như in những ngày này tuổi thơ tôi và lũ bạn nhỏ trong dịp Tết Độc lập năm ấy. Quê tôi rộn ràng ngày mở hội. Tiếng trống ếch "tùng… tùng… tùng…" vang lên khắp ngõ nhỏ; hàng đoàn thiếu niên nhi đồng tập nghi thức, thi đấu với đội thiếu niên thôn khác, nào đi đều, nào thể dục thể thao, nào văn nghệ đêm đêm…

Cả vùng quê đỏ rực màu cờ Tổ quốc, cả sân trường, sân kho đỏ rực các em thiếu nhi quàng khăn đỏ… Đi đâu, gặp ai cũng vui vẻ hỏi nhau, nhà đón Tết Độc lập vui chứ? Mỗi nhà được hợp tác xã chia cho vài cân cá ao, dăm ba lạng thịt lợn để cả nhà được ăn bữa tươi. Tuổi nhỏ chúng tôi thật vô cùng sung sướng, diện quần áo đẹp đi xem lễ Quốc khánh và chuẩn bị cặp sách vào khai giảng năm học mới. Tiếng trống ếch rộn ràng cũng đồng thời báo hiệu các thế hệ học sinh vào năm học mới… Tôi cũng không giải thích được vì sao những người dân xứ Nghệ quê tôi - quê hương của Bác Hồ kính yêu gọi ngày Quốc khánh 2-9 là Tết Độc lập? Sau rồi tôi tìm hiểu, được biết nhà sử học Dương Trung Quốc giải thích rằng, hiểu nghĩa đen, "Tết Độc lập" được dành cho Tết Bính Tuất (1946) là cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên được tổ chức trong khung cảnh đất nước đã độc lập sau 80 năm bị đô hộ của thực dân Pháp. Sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) luôn tổ chức Lễ hội đua thuyền đúng ngày 2/9 mừng Tết Độc lập. Trong bài báo có nhan đề là "Tết" đăng trên "Cứu Quốc", Bác Hồ đã viết rằng đây là "Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập". Giao thừa năm đó, Bác cải trang hòa mình vào dòng người đi lễ và hái lộc trong đền Ngọc Sơn rồi nửa đêm Bác đi thăm một vài gia đình nghèo nhất, không có Tết và đề nghị lãnh đạo Hà Nội lo Tết cho đồng bào nghèo. Và phải chăng từ đó, "Tết Độc lập" đã được sử dụng trong người dân Việt Nam khi đón lễ Quốc khánh 2-9 kể từ năm khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) cho đến nhiều năm về sau. Càng ngày tôi càng tự hỏi, vậy Tết Nguyên đán cổ truyền khác gì với Tết Độc lập? Theo tập quán dân gian, Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới mùa Xuân. Còn ngày Quốc khánh 2-9-1945 và những ngày Quốc khánh hằng năm là "Tết Độc lập" khởi đầu cho mùa Thu. Cũng có thể hiểu Tết Độc lập theo cái nghĩa một sự kiện có ý nghĩa như cái mốc mở ra một cái gì tốt đẹp cho cả một dân tộc. Đó là một ngày hội thực sự của những con người nhận thấu được một sự thay đổi to lớn không chỉ với quốc gia mà với chính mỗi con người. Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Nguyễn Đình Thi dùng hình tượng một dân tộc "rũ bùn đứng dậy" để nói về ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Còn những sĩ phu của nền học cổ hay những trí thức của nền học mới thì nhận ra từ cái nhục vong quốc nô trở thành một "dân quốc", một công dân của một quốc gia độc lập tự do. Còn số đông người dân thì nhận thấy những kẻ cai trị hôm qua như thực dân, quan lại phong kiến giờ đây đã bị tước đoạt hết quyền lực và họ nhận thấy hy vọng của sự "đổi đời" khi thấy mọi thứ đã khác trước. Vì thế, Tết Độc lập "thời lập bàn thờ Tổ quốc là trên hết". Rồi không khí "Tết" dường được bung nổ trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc. Khi gặp khó khăn, đau thương chung con người có thể bắt đầu hàn gắn và cô kết lại. Người thành phố sơ tán về nông thôn vẫn nhận được những tình cảm chia sẻ rất mộc mạc của người dân quê với câu đầu lưỡi "Ơn Đảng, ơn Bác" các ông, các bà mới về đây với chúng tôi. Và cái không khí "Tết Độc lập" trở lại trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, cái ý nghĩ chính trị hòa vào trong nếp sống và ứng xử văn hóa... Ý niệm về "Tết Độc lập" có phai dần trước những thử thách mới? Đến nay, dù cuộc sống của nhân dân đã yên bình và ngày một sung túc hơn, nhưng cảm xúc về một ngày Tết Độc lập vẫn còn như trước. Xu thế chung ngày Tết, Tết Nguyên đán hay Tết Độc lập, người dân thường hướng về đời sống gia đình, tổ tiên và thỏa mãn những nhu cầu của chất lượng sống hiện đại như du lịch hay làm từ thiện! Đó cũng là điều thường tình. Nhưng để có lại được không khí Tết Độc lập, để không khí đó sẽ trở thành động lực cho con đường mà dân tộc ta sẽ phải tiến nhanh hơn, tiêu chí hàng đầu chính là niềm tin của người dân và tình yêu nước phải được hướng vào những giá trị đích thực. Với thế hệ hiện tại, sinh ra đã là người dân độc lập rồi, có lẽ người dân thấm câu nói Bác Hồ đã từng đề cập tới từ rất sớm là "Có độc lập tự do mà cuộc sống của người dân chưa no ấm, hạnh phúc thì cũng vô nghĩa". Có thể, nhiều cái tốt đẹp trong quá khứ mất dần đi… Nhưng chắc chắn rằng, tôi và các con tôi, thế hệ tôi luôn giữ một cảm xúc không thể tàn phai: Tết Độc lập là cái Tết của quyền làm người, cái Tết được vui chơi mà người lớn không đe nẹt phải sợ hãi. Xưa cha ông tôi bị phong kiến phương Bắc, bị thực dân Pháp cai trị hà khắc trong vòng nô lệ, chắc rằng họ vừa ăn Tết Nguyên đán vừa sợ hãi bị bọn thực dân bắt giam bất cứ lúc nào. Và bỗng nghĩ, nếu không có cái Tết Độc lập này, liệu những cái Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ phỏng người dân được gì khi đang sống trong vòng nô lệ? Bất cứ quốc gia nào, ngày Quốc khánh đều được coi trọng, là ngày thiêng liêng. Ở Việt Nam, trong dân gian, ở nhiều vùng quê và hàng triệu người dân Việt Nam gọi Quốc khánh là Tết Độc lập. Đảng và Nhà nước ta đã cho nhân dân nghỉ làm việc ngày Quốc khánh. Nên chăng trong văn bản pháp quy và trên những tờ lịch hằng năm, chúng ta ghi hẳn ngày 2/9 là ngày Tết Độc lập

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2010/9/136384.cand