Quý 1 năm 2024, tai nạn giao thông tăng hơn 22%

Thông tin trên được đề cập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I năm 2024, tổ chức ngày 24/4.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị. Phía đầu cầu tỉnh Cà Mau có đồng chí Lâm Văn Bi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Quý 1 năm 2024, các cơ quan chức năng trên toàn quốc đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo ổn định trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Dù vậy, TTATGT vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong quý 1 năm nay, toàn quốc xảy ra 6.550 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.194 vụ (tăng 22,3%), giảm 484 người chết (giảm 15,1%), tăng 1.847 người bị thương (tăng 54,3%).

Riêng địa bàn tỉnh Cà Mau trong 3 tháng đầu năm 2024 xảy 17 vụ TNGT, làm chết 5 và bị thương 17 người. Theo số liệu thống kê điều chỉnh của Bộ Công an, Cà Mau là một trong những địa phương có số vụ TNGT thấp nhất, tương đương so với cùng kỳ quý 1/2023.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi phát biểu tham luận tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho rằng: “Mặc dù các ngành chức năng trên địa bàn đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT, nhưng TTATGT từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên ngành về giao thông vẫn còn mỏng, thiếu, chủ yếu tập trung vào các tuyến đường chính của nội ô TP Cà Mau, mà chưa phủ kín hết các khu vực đường nông thôn, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng TNGT, dẫn đến quý 1/2024 có gần 30% số vụ TNGT xảy ra ở khu vực nông thôn”.

Trong quý 2 năm 2024, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trên cơ sở đó tham mưu, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình mới; yêu cầu các địa phương có tai nạn giao thông tăng trong quý 1 báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm tai nạn, đồng thời sẽ tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương tai nạn diễn biến phức tạp, tăng cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao giải pháp của các bộ, các ngành trong việc nỗ lực kéo giảm tình hình TTATGT trong thời gian qua, mặc dù vậy, tình hình TNGT trên cả nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vẫn còn xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt tai nạn giao thông đối với trẻ em, học sinh vẫn còn diễn ra tại một số địa phương. Do đó, cần thiết phải nêu cao tinh thần gương mẫu của phụ huynh đối với con em mình, cùng với đó là trang bị các kiến thức cần thiết cho các em khi tham gia giao thông. Các ngành chức năng cũng tăng cường xử lý nghiêm đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi, đủ điều kiện điều khiển.

Thông qua hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch Thường trực UB ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu ý kiến tham luận của các đại biểu nhằm bổ sung vào những giải pháp đảm bảo TTATGT để triển khai trong thời gian tới. Ban ATGT các địa phương cần tiếp thu những cách làm hay, giải pháp hiệu quả của các bộ, ngành, các địa phương có số TNGT giảm sâu để áp dụng có hiệu quả tại địa phương mình, nhằm từng bước làm dừng, làm giảm số TNGT trong thời gian tới.

Công tác tuần tra kiểm soát theo chuyên đề như nồng độ cồn, tốc độ, tránh vượt sai quy định... đã và đang phát huy hiệu quả tốt, do đó, đây sẽ là nhiệm vụ thường xuyên mà các ngành, các cấp các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa, nhằm kéo giảm số vụ TNGT xảy ra trên cả nước.

Các cơ quan báo chí, truyền thông từ Trung ương tới địa phương cần phát huy vai trò tuyên truyền, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật lệ ATGT, đồng thời nhân rộng những cách làm hay, những điển hình trong việc đảm bảo TTATGT, nhằm xây dựng văn hóa giao thông, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của mỗi người khi tham gia giao thông./.

Lê Chí

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quy-1-nam-2024-tai-nan-giao-thong-tang-hon-22--a32248.html