Quy định án tích của pháp nhân là “yêu cầu bắt buộc”

Ngày 11/8, cho ý kiến về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa quy định về án tích đối với pháp nhân là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung như dự thảo luật chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh, pháp nhân thương mại có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng xóa án tích nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác.

Điều 89 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 446 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng có quy định về việc đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại.

Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp lại không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích với pháp nhân thương mại.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào dự thảo luật là yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc bổ sung nội dung trên là chưa thể thực hiện được, vì theo quy định tại Điều 2 Luật Lý lịch Tư pháp, thông tin về lý lịch tư pháp bao gồm án tích và tình trạng thi hành án.

Theo đó, các thông tin về tình trạng thi hành án đối với pháp nhân thương mại và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin về thi hành án phải được quy định trong Luật Thi hành án hình sự (sẽ được sửa đổi trong thời gian tới).

Một điểm khác, Ủy ban Tư pháp chưa đồng thuận là dự thảo Luật khi bỏ quy định về cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 (phiếu có nội dung án tích đã được xóa vốn chỉ được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình).

Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị, lùi thời gian trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 tới khi Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Khi bố trí nhân sự, rất cần phiếu lý lịch tư pháp số 2

Cho ý kiến, theo các đại biểu, dự thảo chưa đề cập đến pháp nhân là chưa bảo đảm tính thống nhất với các văn bản pháp luật mới được ban hành, cũng như cân nhắc việc bỏ quy định về phiếu lý lịch tư pháp số 2.

"Công dân đi nước ngoài, yêu cầu được cung cấp lý lịch tư pháp là điều đáng mừng bởi điều này chứng tỏ luật đi vào cuộc sống. Tôi không đồng tình với cách giải thích như trong Tờ trình có chuyện lạm dụng ở đây, phải chăng vì việc nhiều quá, không đủ người làm nên mới yêu cầu sửa đổi", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết. Nhưng sửa đổi thế nào thì còn cần phải bàn.

“Tôi đồng tình với hướng Ủy ban Tư pháp đưa ra, là phải tính rất kỹ. Lý lịch tư pháp là sản phẩm của một kho hồ sơ về Tư pháp, sản phẩm này phải hết sức chuẩn xác, đầy đủ, vì nó ảnh hưởng đến con người; mà không chỉ cho 1 cá nhân người đó, mà cho cả cơ quan tố tụng, cả tổ chức khác... ", ông Vương nói.

Thượng tướng dẫn, điều tra vụ án 1 giám đốc ngân hàng đã phạm tội lừa đảo, bị phạt tù 6 năm. Sau đó, đương nhiên được xóa án tích theo Bộ luật Hình sự. Khi xác nhận lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp xác nhận là không có án tích, nên khi bổ nhiệm, ngân hàng không biết rằng ông ta đã lừa đảo trước đây.

“Ví dụ này cho thấy thông tin của lý lịch tư pháp phải đầy đủ và cần có các loại lý lịch tư pháp khác nhau”, Thứ trưởng lưu ý, phiếu lý lịch tư pháp số 2 rất cần thiết. Không chỉ có riêng cơ quan công an lấy lý lịch tư pháp về án tích mà các cơ quan, tổ chức cũng cần những thông tin cụ thể hơn, nhất là khi bố trí nhân sự.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dù chỉ sửa đổi một số điều, nhưng phạm vi sửa đổi phải xác định rõ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cùng Ủy ban Tư pháp ngồi lại xác định tất cả các vấn đề còn băn khoăn, báo cáo Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tới để Thường vụ Quốc hội quyết định trình ra kỳ họp thứ 4 hay chờ sửa luật Thi hành án hình sự.

Cũng trong ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán TAND và nghị quyết về việc thành lập TAND, Viện KSND TP Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/quy-dinh-an-tich-cua-phap-nhan-la-yeu-cau-bat-buoc_t114c67n122912