Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 9, sáng 21-4, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH tiến hành thảo luận cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát và phản biện xã hội.

Tham dự phiên họp về nội dung này, có Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Pháp luật cho biết: Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã được Ủy ban Pháp luật tổ chức thẩm tra tại phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban. Về chủ thể ban hành Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam là ba cơ quan có thẩm quyền ban hành dự thảo nghị quyết. Đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về nội dung này. Việc quy định ba cơ quan thống nhất ban hành một Nghị quyết liên tịch là phù hợp thẩm quyền được giao.

Về hình thức giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tại Điều 11 của dự thảo Nghị quyết nếu chỉ quy định trình tự giám sát của MTTQ Việt Nam thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng là không đầy đủ so với quy định của pháp luật hiện hành. Để bảo đảm tính khả thi, đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cả ba bên là HĐND, UBND và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam ở cấp xã trong hoạt động và việc giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Qua thảo luận, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH cơ bản thống nhất với các nội dung đã được tiếp thu, giải trình trong Báo cáo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH. 100% thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ QH cũng đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) (sửa đổi). Theo Ủy ban Pháp luật của QH: Bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27), các Đoàn đại biểu QH còn có hai loại ý kiến. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng: Điều 27 của dự thảo luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại giới hạn chỉ trong trường hợp người đó đã chết. Quy định như vậy kế thừa quy định của luật hiện hành, đồng thời phù hợp quy định tại Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế... Một số ý kiến đại biểu nêu rõ, người bị oan tổn thất về tinh thần nhưng người thân như cha, mẹ, vợ, con, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất cũng bị ảnh hưởng, tổn thất về tinh thần và đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cân nhắc kỹ vấn đề này.

Về nội dung này, theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, nếu quy định bồi thường cả cho người thân thích thì không phù hợp quy định bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Luật hiện hành cũng không quy định về vấn đề này và kinh nghiệm quốc tế cũng không có nước nào quy định. Tham gia phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, bồi thường thiệt hại tinh thần cho người thân của người bị oan là một điểm mới. Trong một vụ án oan sai, cả người bị oan và người thân của họ đều bị thiệt hại về tinh thần, cần được Nhà nước xin lỗi và bồi thường thiệt hại một khoản nhất định để bù đắp về tinh thần. Sau phiên họp này, đề nghị đưa cả hai loại ý kiến trình QH quyết định.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32674102-quy-dinh-chi-tiet-cac-hinh-thuc-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam.html