Quy định mới về quản lý chất nạo vét cảng biển

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2024 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2024.

Điểm đáng chú ý tại Nghị định mới là những quy định liên quan tới việc quản lý các chất nạo vét.

Theo đó, hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án, công trình nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp chất nạo vét đổ vào khu vực, địa điểm trên bờ được UBND cấp tỉnh chấp thuận, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản (Ảnh minh họa).

Trường hợp chất nạo vét đổ vào khu vực, địa điểm trên bờ được UBND cấp tỉnh chấp thuận, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản (Ảnh minh họa).

Nghị định nêu rõ, trường hợp chất nạo vét đổ vào khu vực, địa điểm trên bờ được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chấp thuận, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.

Sau khi kết thúc dự án, công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho UBND cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân được cho phép tiếp nhận để quản lý và có biện pháp lưu giữ hoặc xử lý chất nạo vét, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Trường hợp bàn giao cho tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư báo cáo cho UBND cấp tỉnh biết để quản lý theo quy định.

Trường hợp chất nạo vét nhận chìm ở biển, sau khi hết thời gian nhận chìm chất nạo vét, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát môi trường của dự án tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển.

Đối với địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, theo quy định, hàng năm, UBND cấp tỉnh đăng tải thông tin về nhu cầu tìm kiếm khu vực, địa điểm để tiếp nhận chất nạo vét trên địa bàn tỉnh trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở.

Tổ chức, cá nhân có khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét gửi hồ sơ đề nghị tiếp nhận chất nạo vét trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến UBND cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh sẽ lập, công bố, niêm yết công khai danh mục khu vực, địa điểm nhận chìm chất nạo vét ở biển bao gồm vùng biển ngoài 6 hải lý trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở.

Căn cứ danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm chất nạo vét ở biển được công bố, chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến UBND cấp tỉnh để được chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho dự án, công trình.

Trong thời gian 30 ngày, UBND cấp tỉnh phải có văn bản trả lời về việc chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển phù hợp cho chủ đầu tư dự án, công trình. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Đồng thời, có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân có khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cảng biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã "kêu trời" về việc bị yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính về khai thác khoáng sản với vật chất nạo vét trước bến cảng.

Theo các doanh nghiệp, duy tu nạo vét khu nước trước bến cảng hàng năm là yêu cầu thiết yếu và gắn liền với hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, nhằm đảm bảo độ sâu bến cần thiết và an toàn để tiếp nhận các tàu ra vào cảng và xếp dỡ hàng hóa.

Công tác này không nhằm thu hồi khoáng sản. Các doanh nghiệp cảng không sử dụng vật chất nạo vét duy tu để kinh doanh, hưởng lợi ngoài hoạt động sản xuất chính của mình. Do vậy, hoạt động nạo vét duy tu không phải là hoạt động khai thác khoáng sản như quy định tại Luật khoáng sản.

Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho biết, đây là một trong những vấn đề cần phải sớm được giải quyết để có thể phát triển thị trường cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế.

"Nếu chi phí đổ chất nạo vét cao, doanh nghiệp cảng sẽ phải tìm cách để thu hồi vốn. Điều này sẽ tác động trực tiếp vào các chi phí khác, đặc biệt là chi phí logistics, gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp XNK và nền kinh tế", đại diện VPA nói và khẳng định đây là điều quan trọng, cần các ban, ngành, địa phương quan tâm và có cách tháo gỡ phù hợp.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-ve-quan-ly-chat-nao-vet-cang-bien-192240521105730694.htm