Quy định tỷ lệ quỹ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ

Sáng 21.5, thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đề xuất: Bổ sung quy định tỷ lệ quỹ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị; để các bến xe căn cứ vào chất lượng dịch vụ công bố giá dịch vụ xe ra, vào bến…

Cơ bản tán thành với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và nội dung dự thảo Luật trình tại kỳ họp, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đã phân tích thực tế, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Hồ Long

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Hồ Long

Khuyến khích sử dụng xe dùng năng lượng sạch

Về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị (Điều 5). Trước nhiều bất cập phát sinh trong giao thông đô thị ở các địa phương liên quan đến đường dành cho phương tiện lưu thông; bến bãi đậu xe tập trung; nơi dừng đỗ xe trên các đường phố, đường dành riêng cho người đi xe đạp… đại biểu đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ quỹ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị, bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè; bến xe khách, điểm đỗ, dừng đón, trả khách cho xe buýt, taxi; bãi đậu xe ô tô tải, các trung tâm logistics…

Về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56), theo đại biểu,quy định tại Khoản 5 Điều 56 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của dự thảo chưa đầy đủ. Đề nghị xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc nhu cầu đi lại, có thu tiền cước vận tải; đồng thời, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giao Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu cho rằng, Khoản 7 và khoản 8 Điều 56 dự thảoLuật quy địnhvề kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và bằng xe buýt theo tuyến cố định “với lịch trình, hành trình cố định” chưa phù hợp thực tế. Vì vận tải khách theo tuyến cố định hay vận tải bằng xe buýt thì về lịch trình, tần suất chạy xe đơn vị kinh doanh vận tải phải điều chỉnh theo nhu cầu của hành khách. Theo đó, về hành trình, khi có đường hoặc cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh về tổ chức giao thông hoặc qua nghiên cứu quy luật đi lại của hành khách mà điều chỉnh hành trình cho phù hợp. Đề nghị sửa cụm từ hành trình cố định” trong dự thảo bằng cụm từ hành trình xác định”. Theo đó, hành trình do đơn vị vận tải xác định và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Khoản 8 Điều 56 dự thảo Luật quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung 2 nội dung: Nhà nước khuyến khích việc phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt ở các đô thị, giao cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải xe buýt ở các đô thị; bổ sung nội dung về định nghĩa xe buýt trong đô thị theo hướng xe buýt trong đô thị là xe có chỗ đứng, chỗ ngồi cho hành khách; khuyến khích sử dụng xe dùng năng lượng sạch.

Khoản 13 Điều 56 dự thảo quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ phải đảm bảo công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô”.Theo đại biểu Lã Thanh Tân, quy định này không rõ đơn vị nào phải có bộ phận quản lý an toàn; đơn vị nào phải bảo đảm công tác an toàn giao thông. Trên thực tế, có những đơn vị có số lượng xe hoạt động lớn thì phải có bộ phận chuyên trách phụ trách công tác bảo đảm an toàn giao thông trong đơn vị; đơn vị có số lượng xe ít thì phải có sự phân công, có quy chế quản lý để công tác bảo đảm an toàn giao thông được thực hiện tốt. Tùy theo số lượng ô tô hoạt động, đơn vị kinh doanh vận tải hoặc vận tải nội bộ phải có bộ phận chuyên trách để triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông trong đơn vị; những đơn vị có số lượng xe ít (nhất là hộ kinh doanh) có thể phân công công tác bảo đảm an toàn giao thông cho cá nhân hoặc tổ chức phù hợp, hoặc có quy chế quản lý để lái xe thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải. Đại biểu đề nghị xem xét, chỉnh lý cho phù hợp.

Gía dịch vụ xe ra, vào bến căn cứ từ chất lượng dịch vụ

Về dịch vụ bến xe, trạm dừng nghỉ (Điều 72), khoản 7 Điều 72 dự thảo quy định: “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô theo quy định của pháp luật về giá”.

Đại biểu phân tích: hiện nay, các bến xe có nhiều hình thức sở hữu, nhưng đa số được thành lập theo Luật Doanh nghiệp do tư nhân đầu tư hoặc đã được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước. Việc Nhà nước định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe khách chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi mà các bến xe đều thuộc sở hữu nhà nước.

Nếu các bến xe không được linh hoạt, chủ động nghiên cứu thị trường để đầu tư nâng cấp, tổ chức các dịch vụ có chất lượng cao thì không thể thu hút được hành khách vào bến; làm gia tăng tình trạng xe dù bến cóc, gây mất trật tự an toàn giao thông. Vấn đề các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định quan tâm nhất hiện nay là làm sao thu hút được hành khách vào bến; giảm bớt xe dù, bến cóc chứ không phải để tình trạng này ngày càng gia tăng như hiện nay, đại biểu nhấn mạnh.

Mặt khác, quy chuẩn bến xe còn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; thực tế tình trạng hành khách không vào bến xe mà đứng ngoài đường, gần các bến xe để đón xe hoặc hẹn lái xe ra đón ngày càng tăng… Theo đại biểu, tình trạng đó có nguyên nhân chính là bến xe chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng dịch vụ đối với hành khách. Vì vậy, cần để các bến xe căn cứ vào chất lượng dịch vụ của mình để công bố giá dịch vụ xe ra, vào bến. Đề nghị nghiên cứu chỉnh lý cho phù hợp.

HẢI AN ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/quy-dinh-ty-le-quy-dat-toi-thieu-danh-cho-giao-thong-duong-bo-i372382/