Quy định và thực thi: Còn khoảng cách!

Bàn vấn đề tố tụng với người chưa thành niên, thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) đã gửi cho Pháp Luật TP.HCM một bài phân tích khá sâu về pháp lý, sinh động về thực tiễn áp dụng. Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc.

Nhìn tổng thể, các quy định trong pháp luật hình sự hiện hành với người chưa thành niên phù hợp với tình hình xã hội, thể chế pháp luật, đáp ứng được các yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và có những điều khoản mang tính tiến bộ. Nhiều khoảng cách Tuy nhiên, giữa quy định và thực thi có những khoảng cách mà nếu không khắc phục nhanh sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của các em. Chẳng hạn, theo luật, chỉ được bắt tạm giam người chưa thành niên khi họ phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng nhưng có khả năng trốn, cản trở điều tra. Vậy mà có khi một em học sinh trộm cắp một chiếc xe máy cũng bị bắt tạm giam. Dù điều này vi phạm tố tụng nghiêm trọng nhưng không ai để ý thì nó trở thành bình thường và cứ tái diễn. Việc tạm giam để lấy cung, theo luật bắt buộc phải có người đại diện hợp pháp tham gia nhưng không ít nơi “quên”. Luật cũng bắt buộc phải có luật sư và người giám hộ tham gia ngay từ giai đoạn điều tra nhưng nhiều nơi còn cẩu thả không làm. Luật cho phép luật sư của người chưa thành niên có quyền và trách nhiệm kháng cáo khi thấy tòa xử chưa thỏa đáng nhưng thực tế rất hiếm luật sư nào chủ động làm. Đáng nói hơn là chưa có biện pháp chế tài nào và chưa luật sư nào bị xử lý vì không làm tròn trách nhiệm này. Đây có thể coi là một kẽ hở. Luật rất tiến bộ khi quy định trong tất cả các khâu từ điều tra, truy tố và xét xử trẻ thì cán bộ tố tụng phải có kiến thức chuyên sâu về tâm sinh lý và sự phát triển thể chất của trẻ. Nhưng thực tế có mấy cán bộ được đào tạo như vậy để làm việc với các em? Như vậy bảo sao họ không đưa ra những quyết định mang tính áp đặt, chủ quan. Trẻ em trong một dịp vui chơi tại trường giáo dưỡng. Ảnh: HTD Luật cũng quy định khá rõ vai trò của cộng đồng, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội với trẻ vị thành niên phạm tội nhưng rất hiếm trường hợp cơ quan tố tụng triệu tập đại diện của những tổ chức này bảo vệ trẻ. Điều đó dẫn đến một thực tế là cả người tiến hành và người tham gia tố tụng đã tự bỏ qua một số quyền mà luật cho phép mình làm. Tất cả những khoảng cách trên, tôi cho rằng nếu rút ngắn được để làm đúng chuẩn thì chắc chắn việc xử lý sẽ khác hiện nay rất nhiều. Khuyến khích hơn áp đặt Quan điểm của tôi về quá trình điều tra hiện nay là nên có mô hình phòng hỏi cung thân thiện, làm cho trẻ thoải mái về tâm lý như Pháp Luật TP.HCM đã đề cập. Nhưng đó cũng mới chỉ giải quyết được vấn đề hình thức điều tra, còn bản chất quan trọng nhất vẫn là nội dung các cuộc hỏi cung. Những yêu cầu như hỏi cung bằng cách nào, phương pháp ra sao, nhằm vào mục tiêu gì… quan trọng hơn rất nhiều. Hỏi cung để trẻ khai việc phạm tội của mình thì dễ nhưng để các em nói ra những điều tự mình muốn nói mới khó. Vì từ đó điều tra viên sẽ khai thác được thông tin nhằm làm sáng tỏ vụ án chứ không chỉ nhằm làm rõ hành vi phạm tội. Đặc biệt, trong những vụ phạm tội có tổ chức thì việc tìm ra manh mối, bản chất của vụ án là mục tiêu rất quan trọng. Đến giai đoạn xét xử, tôi không ủng hộ việc xử rút gọn với người chưa thành niên bởi chế định này chỉ áp dụng với những tội ít nghiêm trọng mà độ tuổi chưa thành niên dưới 16 tuổi lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng thì lấy ai mà xử. Chưa kể, để có thể xử rút gọn phải hội đủ bốn điều kiện trong khi thực tế rất ít trường hợp nào đáp ứng được… Đưa vào trường giáo dưỡng từ khi khởi tố? Việc áp dụng biện pháp tư pháp đưa trẻ vào trường giáo dưỡng là rất tiến bộ và hiện chúng ta đã có đầy đủ hành lang pháp lý cũng như điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn vướng ở chỗ thông thường đến giai đoạn xét xử thì cơ quan điều tra đã tạm giam trẻ được vài tháng, có khi cả năm trời. Trẻ đã phải chịu bao nhiêu sự ràng buộc, tòa lại tuyên đưa vào trường giáo dưỡng sẽ trở nên vô ích. Chưa kể, luật khống chế độ tuổi đi giáo dưỡng chỉ đến 18 tuổi, với những trẻ 17 tuổi mới phạm tội thì thời gian giáo dục chỉ còn một năm, không tương xứng với hành vi phạm tội. Còn những em mới 14, 15 tuổi lại ít khi phạm những tội nằm trong diện phải vào trường giáo dưỡng. Từ khi khởi tố, điều tra viên có thể áng chừng các em sẽ bị xử lý ở khung hình phạt nào thì tại sao không cho các em vào trường giáo dưỡng ngay lúc đó để kết hợp giữa điều tra với rèn luyện, giáo dục các em? Khi đấy, tòa sẽ căn cứ vào nơi em đó đang bị quản chế để tuyên buộc phải ở trường thêm bao lâu hay sẽ xử án treo. Làm như vậy vừa thuận lợi cho cơ quan tố tụng, vừa không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ phạm tội. Tôi vẫn luôn mong muốn có một tòa án chuyên trách dành riêng cho người chưa thành niên. Theo tôi, mô hình này đáp ứng được yêu cầu xét xử hiện đại, đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích cho trẻ cũng như phát huy được vai trò của các cán bộ xã hội. Không nên xử lưu động Tôi phản đối việc đưa người chưa thành niên ra xử lưu động, vì mục đích cuối cùng của pháp luật là giáo dục. Ai cũng hiểu đại đa số trẻ em phạm tội mang tính nhất thời, trong khi bản chất ý nghĩa của việc xử lưu động là để răn đe. Khi đưa một người nhận thức tâm sinh lý chưa đầy đủ để răn đe là đi ngược với chính sách hình sự. Ở góc độ xã hội, đưa người chưa thành niên xử lưu động là không có ý nghĩa về mặt giáo dục vì mặc nhiên đã xem trẻ như người lớn với tâm lý cần phải trừng trị. Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội 1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. 2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. 3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. 4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của bộ luật này. 5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. 6. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. (Theo Điều 69 BLHS) Điều tra, truy tố và xét xử 1. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên. 2. Khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử cần phải xác định rõ: a) Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên. b) Điều kiện sinh sống và giáo dục. c) Có hay không có người thành niên xúi giục. d) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội. (Theo Điều 302 Bộ luật Tố tụng hình sự)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100325112451967p1063c1016/quy-dinh-va-thuc-thi-con-khoang-cach.htm