Quy hoạch cán bộ: Đừng để việc xảy ra rồi mới nói 'tôi không biết'

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, càng là công chức có chức vụ cao thì càng phải chấp hành pháp luật nghiêm túc, đừng để xảy ra rồi mới nói "tôi không biết".

Tin tức về việc Cục trưởng cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký đề nghị “quy hoạch” vợ làm Phó cục trưởng gửi Tổng cục Thuế vẫn đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong khi Tổng cục Thuế chưa có phản hồi về vụ việc, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra quan điểm của mình.

Trụ sở cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Quy hoạch cán bộ từng được thực hiện nghiêm minh trong lịch sử thông qua Luật Hồi tị. Ông đánh giá thế nào về sự kế thừa trong luật pháp hiện hành?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Việc thực thi công vụ của quan lại, công chức xưa được thể hiện rất rõ trong Luật Hồi tị.

Ở đây, Luật Hồi tị chủ yếu làm sao cho những mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ thân tộc anh em, họ hàng, vợ chồng không làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc, khách quan của thực thi công vụ.

Trong bộ Quốc triều Hình luật (Luật Hồng Đức) thời vua Lê Thánh Tông quy định rất rõ: “Quan lại không được lấy vợ, không kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở tại nơi mình làm quan; không được dùng người cùng quê và đương nhiên là cả người thân làm người phò tá cho mình”.

Nói đơn giản là cấp trưởng không được lấy cấp phó là người cùng quê hay người có quan hệ thân tộc.

Đến đời Minh Mạng, trong Bộ luật Gia Long cũng nói rõ và cụ thể hơn rất nhiều về những điều này. Quan lại các bộ, trong kinh hay kể cả các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh, em ruột, chú, bác, cô, dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác để không vì những mối liên hệ thân thuộc tạo ra “nhóm lợi ích”.

ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh vào việc cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Mọi quy định đều rất rõ ràng, nhưng đối với thái y (cơ quan chịu trách nhiệm chăm lo sức khỏe) thì không áp dụng luật này. Bởi những bí quyết trị bệnh cha truyền con nối, ngón nghề gia truyền là thực tế, không cấm.

Có thể nói, luật đi vào những vấn đề hết sức cụ thể. Những người cùng làng có thể xảy ra vấn đề phức tạp, hay quan hệ thông gia đều được bẩm báo lên những cơ quan có trách nhiệm hoặc triều đình để có phương thức giải quyết; không để ai lợi dụng quan hệ riêng tư, thân tộc gia đình ảnh hưởng đến thực thi công vụ.

Luật Hồi tị đã trở thành nhận thức xã hội tạo ra môi trường tránh những hiện tượng tiêu cực trong việc thực thi công quyền.

Tôi nhớ khi thảo luận về Luật Công chức viên chức hay Luật Phòng chống tham nhũng, câu chuyện Hồi tị được nhân ra. Nhưng, việc thực thi và giám sát thi hành luật đều chưa thật nghiêm túc, tức là luật chưa đi vào đời sống.

Tôi cho rằng, chúng ta có luật rất cụ thể, đầy đủ dù có thể còn có kẽ hở chỗ này chỗ khác. Vấn đề là do việc thực thi luật không nghiêm khiến dư luận bức xúc.

-Phải chăng, những kẽ hở như ông nói đang ngày càng bị lợi dụng để nhiều người toan tính chuyện cá nhân trên vị thế của mình?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Khoản 3 điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi 2007, 2012 quy định rất rõ: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”.

Tôi nghĩ, đừng khiến luật Quốc hội đã thông qua để trong tủ. Thủ trưởng là chồng đề bạt phó thủ trưởng chính là vợ mình thì tôi thấy không nên.

-Sau những vụ quy hoạch, bổ nhiệm hàng loạt người nhà, mới đây là lùm xùm ở ngành thuế tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, theo ông, làm sao để tránh xuất hiện hiện tượng "gia đình trị"?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là có luật phải thực thi. Muốn thực thi thì phải lấy luật ra để soi. Công chức là phải thuộc luật. Những người nào vi phạm luật phải xử cho nghiêm. Không thể để sự việc xảy ra rồi mới nói tôi không biết. Đó là câu không được phép nói ở một công chức, nhất là công chức đã có chức vụ cao. Càng là công chức có chức vụ cao thì càng phải thuộc luật.

Thêm nữa, bộ máy giám sát của Nhà nước, thanh tra phải tốt. Giám sát của dân sẽ làm cho những việc nảy sinh hay quy trình đúng hay quy trình sai đều rõ ràng.

Lâu nay, chúng ta e ngại phải chăng là luật quá lỏng lẻo, quá hở. Tôi cho rằng không hẳn vậy. Vấn đề là luật không được thực thi nghiêm túc, nhất là những người có quyền, có chức càng cố tình không thực thi để vụ lợi.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/quy-hoach-can-bo-cang-chuc-vu-cao-cang-phai-thuoc-luat-a257298.html