Quy hoạch cán bộ lãnh đạo - đâu phải ai cũng khát khao

Có nguyện vọng công tác tại ngôi trường cũ đến khi về hưu nhưng không được chấp thuận, vị hiệu trưởng làm đơn trả lại quyết định điều động về làm lãnh đạo phòng của sở GD&ĐT Kiên Giang kèm theo đơn xin nghỉ việc.

Kính gửi bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang!

Đặt mình vào vị trí của bà, tôi có thể phần nào mường tượng ra áp lực mà bà phải đối mặt mỗi khi đặt bút ký quyết định điều động, bổ nhiệm công chức. Trước kia thì tôi không nắm rõ, nhưng chỉ xét đến quyết định điều chuyển ông Nguyễn Đình Chung, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá, Kiên Giang) về làm Phó Trưởng phòng THPT của Sở mới đây, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nếu giờ đây bà vẫn chưa tìm đọc những bình luận của độc giả xoay quanh vụ việc này và chuyện Sở yêu cầu nhà trường tuyển bổ sung các trường hợp đặc cách thì xin chân thành... chúc mừng bà. Bởi không ai có thể giữ tâm trạng thoải mái khi thấy người khác đặt dấu hỏi về năng lực của mình.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Zing.vn.

Với tư cách là lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh nhà, chẳng biết bà có cảm thấy sốc khi biết tin ông Chung "từ chối" chức vụ mới, trả lại quyết định cho Sở và làm đơn xin nghỉ việc hay không. Tuy ông Chung không phải người đầu tiên không chấp hành quyết định điều động của cấp trên và việc thầy, cô giáo từ chối giữ chức hiệu trưởng để tập trung vào chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu cũng không phải chuyện hiếm. Nhưng có lẽ bà vẫn rất buồn khi chứng kiến một người “cảm thấy bị tổn thương” trước quyết định điều động dù người đó được quy hoạch lên chức vụ cao hơn.

Trái với nỗi khổ tâm của bà, phản ứng của ông Chung – một người có kinh nghiệm 25 năm làm quản lý lại được nhiều người hiểu thấu. Họ đều đặt mình vào vị trí của ông Chung và nhận ra rằng, vị hiệu trưởng xin nghỉ việc vì chẳng còn có sự lựa chọn nào khác. Bà nói, Sở có ý quy hoạch ông Chung lên chức Trưởng phòng nhưng phải chăng bà đã quên mất quy định 5 năm bổ nhiệm lần đầu và quên mất rằng, ông Chung sẽ về hưu trong khoảng ba, bốn năm nữa? Nếu không, tỷ lệ ông Chung được thưởng thức “chiếc bánh” đó là bao nhiêu?

Trường THPT Võ Văn Kiệt (Kiên Giang). Ảnh: Zing.vn.

Được biết, Sở đã “kịp thời” phân công thầy giáo khác về làm Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt. Trước thềm năm học mới, Sở cũng yêu cầu nhà trưởng tuyển bổ sung 70 học sinh lớp 10 và 68 học sinh lớp 6 với điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn quy định; trong đó có học sinh nhân đôi 3 môn mới được 8 điểm – trường hợp này, thầy Chung không đồng ý nhận nhưng lãnh đạo Sở buộc nhà trường phải cho học sinh vào học. Như vậy nếu có ở lại, một thầy giáo tâm huyết như thầy Chung cũng chỉ chuốc thêm bực mình.

Thôi thì sự cũng đã rồi. Nếu không bị điều động rời xa chiếc ghế Giám đốc Sở, mong bà cũng như các lãnh đạo sở ban ngành khác hãy quan tâm hơn đến nguyện vọng, mong muốn của cấp dưới cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ ở vị trí mới.

Hãy hiểu rằng, không phải ai sinh ra cũng khao khát làm lãnh đạo, không phải người nào cũng xếp hàng đợi quy hoạch lên chức cao hơn.

Thân ái!

Người qua đường

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/quy-hoach-can-bo-lanh-dao-dau-phai-ai-cung-khat-khao-a338386.html