Quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh vẫn có thể điều chỉnh

TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Ba, Phó GĐ Sở GTVT Đà Nẵng nhấn mạnh: Quy hoạch giao thông là cần thiết, đúng hướng. Nhưng không phải quy hoạch nào cũng mang tính cố định mà có thể điều chỉnh trên tình hình thực tiễn.

Bến xe phía Nam (TP Đà Nẵng) được đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng không một bóng người

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông tĩnh TP Đà Nẵng đến năm 2020 được UBND TP phê duyệt, Bến xe phía Nam (BXPN) đảm trách các tuyến phía Nam, Tây Nguyên, nhưng nay chủ đầu tư cho rằng Đà Nẵng không làm tròn trách nhiệm, thưa ông?

Đà Nẵng quy hoạch đúng hướng, để có cái nhìn tổng thể về hệ thống hạ tầng giao thông, bến bãi. Quy hoạch cần thiết, nhưng nó chỉ mang tính định hướng, và có thể điều chỉnh theo thực tiễn chứ không phải mang tính cố định. Mình quy hoạch để xây dựng, đầu tư còn việc triển khai hoạt động phải tuân thủ theo pháp luật.

Anh cứ thấy quy hoạch, rồi nhảy vào đầu tư mà không lựa chọn thời điểm, tính toán tiềm năng là đầu tư tầm bậy rồi. Thành phố vạch quy hoạch, nhưng anh phải tính toán, lựa chọn cách thức, phải biết khách hàng mình thích cái gì, chọn món gì. Không phải cứ đầu tư trong quy hoạch là được quyền lợi, đòi hỏi. Khách hàng, thị trường là đối tượng anh phải hướng đến. Anh sản xuất chăn gối đệm, anh bắt khách hàng mua mặt hàng của anh là không được. Bởi thế nhà đầu tư khi đầu tư bất kể lĩnh vực gì phải có sự tính toán. Nói thế, không phải Đà Nẵng không có trách nhiệm. Thành phố quan tâm chỉ đạo, định hướng, trả lời rõ mọi kiến nghị của chủ đầu tư BXPN Đà Nẵng; tổ chức gặp các doanh nghiệp, HTX vận tải nhưng phần lớn họ đều không đồng ý về BXPN này.

Do thiếu chủ trương phân luồng tuyến Bắc-Nam của Đà Nẵng?

Đà Nẵng giữ quan điểm không can thiệp áp đặt phân luồng tuyến mà để các doanh nghiệp, HTX vận tải tự do lựa chọn, đăng ký những bến xe, phương án khai thác phù hợp, đúng luật. Mình làm ngược lại là trái luật. Phân luồng tuyến phải căn cứ trên công năng của bến bãi. Hiện, bến xe trung tâm Đà Nẵng mới chỉ khai thác hơn 30% năng suất, và tình hình hoạt động các đơn vị vận tải ổn định. Nếu tự ý điều chỉnh có khi lại gây ra hậu quả khó lường.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khi triển khai thi công Ngã ba Huế, Đà Nẵng không sẵn sàng chia sẻ luồng tuyến cho BXPN để giãn các phương tiện ra khỏi nội thị, tránh ùn tắc?

Thi công dự án cầu vượt Ngã ba Huế là giải pháp tạm thời, đâu phải lâu dài. Thành phố họp các đơn vị liên quan, lựa chọn phương án tối ưu cho các phương tiện xe ô tô khách lưu thông từ Bến xe trung tâm Đà Nẵng, không cần phải giãn tuyến phía Nam ra BXPN. Vấn đề là anh tổ chức giao thông như thế nào cho ổn định. Nếu di dời xe đi, chẳng lẽ di dời luôn cả bến xe buýt ở khu vực Bến xe trung tâm này, bắt người dân phải đi bộ ra đón chờ xe.

Cảm ơn ông.

Luật sư Lê Cao: Chưa sòng phẳng với DN

Quy hoạch của chính quyền Đà Nẵng về việc mở thêm BXPN là hợp lý. Thành phố kêu gọi mời đầu tư, chấp thuận đầu tư. Doanh nghiệp bỏ hàng trăm tỷ đầu tư, rồi phải bỏ hoang, gây tốn kém, lãng phí như thế nhưng Đà Nẵng lại đổ cho “cơ chế” là rất thiếu trách nhiệm, không sòng phẳng - Luật sư Lê Cao, Cty Luật hợp danh FDVN (đoàn Luật sư Đà Nẵng) trao đổi với Tiền Phong.

Theo luật sư Lê Cao, chính quyền Đà Nẵng cho rằng do vướng cơ chế nên không can thiệp phân luồng Bắc-Nam theo quy hoạch. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ tại Điều 37 nêu rõ vấn đề tổ chức giao thông và điều khiển giao thông. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông. Gồm các việc như: Phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ... Tại các Điều 12, Điều 59, Điều 60 của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định UBND tỉnh, thành và Bộ GTVT có thẩm quyền quy hoạch mạng lưới tuyến giao thông. Vậy nếu về thẩm quyền, vấn đề nào chính quyền Đà Nẵng không làm được thì phải đề xuất lên Bộ GTVT để tìm giải pháp. Không thể đổ cho cơ chế được. Chỉ cần UBND TP Đà Nẵng làm đúng quy hoạch, làm việc với Bộ GTVT để tổ chức lại giao thông, phân luồng, phân tuyến thì sẽ không bỏ phí một bến xe được đầu tư hơn cả trăm tỷ đồng.

Luật sư Lê Cao cho rằng, chính trong Quyết định 524/QĐ-UB của UBND TP Đà Nẵng (năm 2005) phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông công chính TP Đà Nẵng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, tại điều 4 chỉ rõ các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành quyết định. Nếu phát hiện quy hoạch bị phá vỡ có thể hiểu đó là hành vi hành chính và doanh nghiệp có thể khởi kiện để buộc UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phải thực hiện. Đồng thời, pháp luật tố tụng hành chính cũng quy định rõ người khởi kiện có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này doanh nghiệp cần phải chứng minh các thiệt hại do việc không thực hiện quy hoạch của chính quyền Đà Nẵng gây ra.

N.H
(lược ghi)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/quy-hoach-he-thong-giao-thong-tinh-van-co-the-dieu-chinh-683479.tpo