Quy hoạch phát triển du lịch phía Bắc Bình Định

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, với mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Định phấn đấu đến năm 2020, lượng khách đến tỉnh đạt khoảng 5,5 triệu lượt và tổng doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, với mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Định phấn đấu đến năm 2020, lượng khách đến tỉnh đạt khoảng 5,5 triệu lượt và tổng doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Bình Định.

Riêng năm 2017, phấn đấu đạt 3,55 triệu lượt khách và tổng doanh thu 1.620 tỷ đồng. Vì vậy, ngoài những địa danh biển, văn hóa lịch sử đã qui hoạch phát triển, tỉnh sẽ qui hoạch phát triển du lịch tại các địa phương phía Bắc tỉnh, gồm các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Cụm du lịch phía Bắc tỉnh được ngành du lịch và các địa phương xác định bao gồm các điểm tài nguyên tự nhiên bãi biển Tam Quan, Lộ Diêu (huyện Hoài Nhơn); cửa biển Hà Ra, Phú Thứ, Mũi Rồng, Tân Phụng (huyện Phù Mỹ); khu rừng sinh thái An Toàn (huyện An Lão) và các điểm tài nguyên nhân văn gồm Đền thờ Đào Duy Từ, Tăng Bạt Hổ, di tích chiến thắng Đồi 10, di tích lịch sử Chi bộ Cửu Lợi, di tích Lộ Diêu.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc sở Du lịch tỉnh, trước tiên cần tập trung khảo sát quy hoạch phát triển du lịch có trọng tâm trọng điểm phân kì đầu tư phù hợp. Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tăng cường công tác quản lý quỹ đất đai, quảng bá xúc tiến phát triển du lịch và huy động các nguồn lực đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, 4 huyện phía Bắc tỉnh Bình Định có biển, đầm, sông, núi và nhiều điểm du lịch hấp dẫn nên đủ điều kiện để phát triển du lịch. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển trục du lịch xuyên suốt từ sân bay Phù Cát qua các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão; trong đó xác định thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) là cái lõi. Về sản phẩm du lịch, Bình Định xác định 4 sản phẩm gồm: tắm biển và nghỉ dưỡng; văn hóa lịch sử kết hợp với lễ hội; sinh thái trải nghiệm, khám phá và kết hợp với văn hóa dân tộc Ba Na đối với hai huyện Hoài Ân; là trải nghiệm các làng nghề. Trước mắt, các huyện xây dựng kế hoạch hoặc đề án phát triển du lịch của huyện theo hai hướng: thành lập các điểm đến, nối kết các tour trên địa bàn từng huyện và các điểm đến nối kết tour liên vùng 4 huyện. Đồng thời, xác định mốc thời gian và lộ trình thực hiện, cố gắng trong năm 2017, mỗi huyện triển khai ngay một điểm đến kết hợp với tour trong huyện và kết hợp với các tour ngoài huyện để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền quảng bá; tăng cường công tác quản lý Nhà nước; phát triển các sản phẩm du lịch thiên về ẩm thực.../.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=34788