Quy hoạch tỉnh - Mở ra cơ hội thu hút đầu tư

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, nhất là những dự án có ý nghĩa quan trọng, chiến lược trong nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đô thị Mộc Châu được điều chỉnh quy hoạch để phục vụ phát triển du lịch. Ảnh PV

Bám sát quan điểm, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Sơn La trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng Trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc, tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức đầu năm 2024, UBND tỉnh Sơn La trao chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các đại diện là 8 nhà đầu tư, gồm: Công ty cổ phần cà phê Detech, Công ty cổ phần Musa Green, Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, Tổng Công ty chè Việt Nam (Vinatea), Công ty TNHH Tín Phát Phúc Sơn, Công ty TNHH MTV chăn nuôi Minh Thúy Cò Nòi, Công ty TNHH Phúc Anh, Công ty cổ phần bất động sản Đồng Quê.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.

Trong đó, nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lớn, như: Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La đầu tư Nhà máy chế biến cà phê Sơn La, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng; Tổng Công ty chè Việt Nam đầu tư Nhà máy chế biến chè Mộc Châu, tổng vốn đăng ký ban đầu 85 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV chăn nuôi Minh Thúy Cò Nòi, tổng vốn đăng ký ban đầu 286 tỷ đồng.

Điều này khẳng định việc quy hoạch tỉnh mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư đang quan tâm tới Sơn La. Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, cho biết: Trong quá trình làm thủ tục đầu tư, các sở, ban, ngành của tỉnh đã nhanh chóng giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đến nay, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La tại bản Thống Nhất, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, đã đi vào hoạt động, với quy mô gần 4,1 ha, gồm các hạng mục nhà xưởng chế biến, nhà kho thành phẩm, nhà lưới phơi cà phê, nhà văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng, nhà điều hành khu xử lý nước thải, hệ thống bể xử lý nước thải, sân phơi cà phê... Hệ thống xử lý nước thải công suất 500 m3/ngày, đêm. Vụ cà phê vừa qua, trung bình nhà máy chế biến 180-250 tấn quả tươi. Nhà máy đã tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, mức thu nhập 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Nhà máy chế biến cà phê Sơn La tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.

Nhà máy chế biến cà phê Sơn La tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.

Trong quy hoạch tỉnh đã quy hoạch chi tiết phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững, sức cạnh tranh cao, trên cơ sở phát triển đa dạng hóa các loại hình canh tác, như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn; gắn kết với các ngành khác hỗ trợ lẫn nhau về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, máy móc, vật tư... Phấn đấu đưa Sơn La là trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, thuộc nhóm dẫn đầu trong vùng Tây Bắc và miền núi phía Bắc.

Nắm bắt thời cơ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, Tổng Công ty Chè Việt Nam đã đầu tư Dự án Nhà máy chế biến chè Mộc Châu, tổng vốn đăng ký ban đầu 85 tỷ đồng, quy mô 2,5 ha, công suất 125 tấn chè tươi/ngày, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động từ quý I/2026. Còn Công ty cổ phần Musa Green đầu tư Dự án bảo quản chế biến và sản xuất các sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La, tổng vốn đăng ký 15 tỷ đồng, quy mô sản xuất 4.000-6.000 tấn/năm với sản phẩm chuối, xoài, táo, nhãn; sản xuất sợi chuối 1.000.000 m3/năm; sản xuất bột chuối bình quân 5 tấn quả/ngày.

Vùng chè nguyên liệu của Vinatea Mộc Châu. Ảnh: PV

Vùng chè nguyên liệu của Vinatea Mộc Châu. Ảnh: PV

Đối với Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Minh Thúy Cò Nòi, trước đây có 2 cơ sở chăn nuôi khoảng 2.400 con lợn nái, gần 10.000 con lợn thương phẩm. Quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, có đội ngũ kỹ thuật thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Mở rộng đầu tư chăn nuôi quy mô, Công ty đầu tư Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Minh Thúy Cò Nòi, quy mô nuôi khoảng 32.000 con, tổng vốn đăng ký ban đầu 286 tỷ đồng.

Tạo ra lợi thế trong thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp. Cùng với đó, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã đưa Sơn La trở thành điểm đầu tư có sức hấp dẫn. Đến cuối năm 2023, tỉnh thu hút được thêm 24 dự án, với vốn đăng ký 17.587 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh tổng vốn đầu tư của 4 dự án, với số vốn tăng thêm 505 tỷ đồng. Đến hết tháng 2/2024, toàn tỉnh có hơn 3.490 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 53.530 tỷ đồng.

Các đại biểu xem quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu xem quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, năm 2024, các cấp, các ngành, địa phương đang tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung cấp xã, quy hoạch các khu đặc thù chức năng, thống nhất đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thực hiện việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để làm tốt công tác thu hút các nhà đầu tư; nhất là quan tâm thu hút các dự án chế biến sản phẩm nông sản, góp phần đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Quỳnh Ngọc

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/quy-hoach-tinh-mo-ra-co-hoi-thu-hut-dau-tu-0raTkx1Sg.html