Quy hoạch tuyến phố đi bộ - xu hướng tiến tới đô thị nhân văn

Bước sang thế kỷ 21, một thành phố hiện đại và văn minh không có nghĩa là thành phố chỉ có xe hơi và các tòa nhà cao ốc. Phương tiện công cộng, vỉa hè thông thoáng, quảng trường cây xanh nằm trong khoảng cách với các khu mua sắm, vui chơi và nhà ở được quy hoạch để người già, trẻ con, thanh niên có thể cảm thấy đi bộ thoải mái trở thành tiêu chí mới và tất yếu. Một đô thị dành cho người đi bộ đã trở thành biểu tượng cho sự nhân văn, điều mà Hà Nội đang chuyển mình, suy nghĩ. Dưới đây là những quan điểm của kiến trúc sư Trần Huy Ánh về việc thành phố mở rộng phạm vi dành cho người đi bộ trong khu phố cổ.

Tổ chức tuyến phố đi bộ để làm gì?

Theo ý kiến của các nhà quản lý thì tuyến phố đi bộ sẽ gia tăng cơ hội phát triển thương mại và du lịch. Kinh tế dân sinh tăng thì tăng thu ngân sách, địa phương có nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống xã hội, đồng thời với khai thác lợi thế (ví dụ như tại khu quanh Hồ Gươm) cũng là giải pháp tích cực và bền vững để bảo vệ tốt hơn những di sản cảnh quan kiến trúc, thiên nhiên, lịch sử… Nếu nhìn ở vị trí những người quan tâm đến mục tiêu thành phố có môi trường sống tốt hơn,thì việc tạo ra các khônggian đường phố đi bộ, đi xe đạp sẽ làm cho cư dân thành phố hoạt động tích cực hơn, sức khỏe tốt hơn. Những người quan tâm đến phát triển bền vững thì cho rằng nhiều người đi bộ, xe đạp kết hợp với các phương tiện giao thông công cộng sẽ bớt sử dụng ô tô, xe máy cá nhân – giảm sử dụng xăng dầu, giảm phát thải carbon sẽ bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên tốt hơn, chủ độngứng phó với biến đổi khí hậu hơn.

Đáng chú ý đang có 2 quan điểm trái ngược nhau từ cộng đồng kiến trúc sư (KTS). Với những KTS coi thành phố phải là nơi tạo khung cảnh của xã hội hưởng thụ, tiêu dùng hiện đại với cáckhu biệt thự đẳng cấp hay chung cư cao cấp, sân golf, bể bơi, trung tâm giải trí/thương mại khổng lồ, ôtô lao nhanh trên các đường cao tốc nhiều tầng… thì đi bộ là cách di chuyển của người nghèo, làm chậm đi tốc độ sống, vậy thì phố đi bộ là quay lại xã hội lạc hậu. Còn với KTS coi thành phố là nơi tất cả cư dân đô thị có thể chia sẻ giấc mơ về sự công bằng, có nhiều cơ hội tiếp cận việc làm có phẩm giá, tăng cường hiểu biết, con người có tình thân hữu láng giềng ấm áp, mọi người đều được tôn trọng, việc đi lại an toàn và thuận tiện, cảnh quan ngõ phố đem lại cảm xúc về nơi chốn…gộp lại: thành phố có thể tạo nên cuộc sống tốt hơn – thì các tuyến phố đi bộ là môi trường lý tưởng để hiện thực hóa giấc mơ đó- Nó là hình ảnh thành phố ao ướctrong Thiên niên kỷ thứ ba của loài người.

Quy hoạch, tổ chức phố đi bộ như thế nào ?

Phố đi bộ phải tạo nên sự an toàn, thoải mái, hấp dẫn cho người đi bộ. Gần đây tại nhiều nước trên thế giới còn bố trí xe bus, tầu điện đi chậm và đi xe đạp chậm rất an toàn trong phố đi bộ. Tùy theo hoàn cảnh tự nhiên mà các thành phố có những yêu cầu riêng, ví như tại châu Phi nóng nực thì cần có bóng mát và đi quãng ngắn, ở các xứ lạnh thì cần ấm áp, khô ráo.Tại những nơi vắng vẻ, bị che khuất thì cần có nhiều vị trí quan sát lẫn nhau cho an tâm và tất cả các khu phố cổ với những kiến trúc lịch sử đều rất phù hợp với việc đi bộ. Họ tăng thêm chỗ ngồi nghỉ và tạo lối đi xuyên qua tầng một các tòa nhà để lối đi bộ hấp dẫn hơn. Đối chiếu các yếu tố trên thì toàn bộ khu Hà Nội cũ (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và một phần Đống Đa) đã được thiết kế xây dựng để thích hợp với phố đi bộ: vỉa hè rộng, khoảng cách 100-150m/đoạn, lòng đường không lớn (vượt qua an toàn) cây xanh bóng mát, kiến trúc cảnh quan nhà cửa hai bên đường đẹp, hiệu quả phối cảnh hấp dẫn ở mỗi quảng trường, chiếu sáng đủ, bố trí không gian công cộng (các vườn hoa nhỏ, công trình công cộng) hợp lý, trước đây có nhiều nhà vệ sinh phân bố đều các khu phố.

Phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm hiện nay (bao gồm cả tuyến quanh Hồ Gươm) về cơ bản đáp ứng đủ các yêu cầu phố đi bộ. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, giữ xe, vệ sinh công cộng dần dần sẽ được đáp ứng. Đây là một thực tế tại các phố đi bộ Hàng Buồm, Mã Mây, Tống Duy Tân… sau một thời gian hoạt động đã xã hội hóa các nhu cầu tự nhiên.

Phố đi bộ không nên tăng bãi đỗ xe máy và ô tô mà nên tăng tuyến xe bus, tăng điểm đỗ bus và taxi… Hiệu ứng lan tỏa các phố lân cận là tăng điểm dịch vụ này kèm theo dịch vụ ăn uống, giải trí, như vậy mở rộng phạm vi phố đi bộ một cách tự phát ngoài mong đợi. Tăng bãi đỗ xe sẽ thu hút người đi xe đến phố đi bộ và cả người gửi xe không cần đi bộ, các chủ nhà hàng, khách sạn, chung cư cao tầng sẽ không làm bãi đỗ xe mà để thành phố quy hoạch một cách hợp lý.

Nhà vệ sinh trên phố đi bộ hiện tại đã đủ và tiếp tục bổ sung bởi các nhà hàng, café, các tòa nhà sở hữu công (bưu điện, nhà thông tin triển lãm , điện lực…) cũng cần mở cửa hỗ trợ. Nhưng nếu dịch vụ tốt quá thì sẽ thu hút cư dân từ xa hoặc khu vực lân cận đến phố đi bộ để đi vệ sinh. Kinh nghiệm cho thấy thành phố Paris mỗi năm đón gần 30 triệu khách du lịch, riêng tháp Eiffel đón hơn 10 triệu khách tham quan mỗi năm, vậy mà cả thành phố chỉ có 400 nhà VSCC, các khu đi bộ lớn như tháp Eiffel, đồi Montmartre… rộng ngang hồ Gươm mà cũng chỉ bố trí một khu VS (trả tiền), họ phân bổ nhu cầu này vào các nhà ga, trung tâm thương mại, nhà hàng, café…Cho dù không thỏa mãn (đặc biệt là du khách Việt Nam chưa quen “ nhịn”) nhưng rất hiếm vi phạm, nếu cảnh sát bắt được sẽ phạt 34 Eu (gần 1triệu VND) rất rắc rối về giấy tờ (hóa đơn, kê khai, hộ chiếu…)

Các tuyến phố đi bộ còn thiếu những gì ?

Tuyến đi bộ quanh Hồ Gươm mới mở nên cần rút kinh nghiệm sau vài tuần, vài tháng. Cần bổ sung ngay là cần thông tin nhiều hơn sơ đồ điểm gửi xe, phân làn giao thông và đặc biệt là “nội quy phố đi bộ” với những quy định thưởng phạt về xả rác, vệ sinh, bán rong, thông tin đến các sân bay, khách sạn, các khu dân cư và các điểm đi vào phố đi bộ. Cũng rất cần các hoạt động cộng đồng, tọa đàm trên phố về trách nhiệm công dân với KGCC Hà Nội. Phố đi bộ quanh Hồ Gươm phải trở thành trường học thực hành cho các công dân về “Văn minh đô thị”. Chúng ta đến đây với niềm tự hào là công dân văn minh thanh lịch Thủ đô, các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ hay các tổ chức xã hội khác (CLB yêu Hà Nội, bảo vệ thiên nhiên, môi trường hay các CLB xanh sạch…) các tình nguyện viên đến chung tay với Ban tổ chức làm việc này, chúng ta sẽ chung tay vì phố đi bộ thú vị, Xanh, Văn Minh gương mẫu thay vì phải lăn tăn vì các thói hư tất xấu phô bày ra chốn công cộng.

KTS Mochizuki Shinichi, điều phối viên của Tuần lễ Giao thông Châu Âu (EMW), phụ trách chương trình “Ngày không khói xe – Car Free days” Nhật Bản và châu Á khuyến nghị tuyến đi bộ quanh Hồ Gươm có thể thêm làn đường dành cho xe bus điện, xe bus thường đi chậm, xe đạp, xe tự hành tiếp cận sâu vào tuyến đi bộ quanh hồ, như vậy sẽ tạo thêm sự vận động phong phú, nhưng không xung đột mạnh, nó còn gia tăng thêm người đi bộ, xe đạp và giảm bãi đỗ xe… đồng thời, có thể còn hỗ trợ việc kéo dài thời gian đi bộ mà không ảnh hưởng lớn đến lưu thông bình thường . Để làm rõ ý tưởng này, KTS Đinh Đăng Hải, chuyên gia dự án “Thành phố Sống tốt”, HealthBridge đã cung cấp các hình ảnh minh họa

Xe bus nhanh (RBT) đi chậm trong khu vực phố đi bộ Jakarta – Indonesia

Xe bus điện (Trolleybuses) đi dọc trong khu vực phố đi bộ Neuchâtel, Thụy sĩ

Xe điện (trams) chạy dọc tuyến trong khu vực phố đi bộ tại Gent, Bỉ

Trong một khu vực cho người đi bộ ở Croydon, Anh : đá lát màu khác có thể xác định phạm vi của xe điện để gây chú ý mà không có hạn chế khả năng đi lại cho người đi bộ

Dù còn nhiều tranh cãi cho rằng phố đi bộ lãng phí và vô nghĩa, song, với một Hà Nội luôn tự hào Xanh, Sạch, đẹp mà lại để bộ mặt thủ đô 36 phố phường nhếch nhác, không được quy hoạch tử tế, thì may ra, phố đi bộ là bước khởi điểm để người ta quan tâm đến nó đúng nghĩa.

KTS Trần Huy Ánh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/quy-hoach-tuyen-pho-di-bo-xu-huong-tien-toi-do-thi-nhan-van