Quỷ Môn Quan '10 người đi, chỉ một người về' thuộc tỉnh nào?

"Ải cửa quỷ, ải cửa quỷ! 10 người đi, một người về". Đó là lời câu thơ mà chính kẻ thù đã sợ hãi thốt lên khi đem quân xâm lược nước ta.

Câu 1. Quỷ Môn Quan, nơi 10 người đi, chỉ một người về, thuộc địa phận tỉnh nào của nước ta?

Cao Bằng
Lạng Sơn
Yên Bái
Quảng Ninh

Quỷ Môn Quan là cửa ải nổi tiếng trong lịch sử nước ta, từng khiến kẻ thù bao phen khiếp đảm. Ngày nay, Quỷ Môn Quan thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Câu 2: Quỷ Môn Quan thuộc huyện nào?

Chi Lăng
Bắc Sơn
Bình Gia
Cao Lộc

Xã Chi Lăng của huyện Chi Lăng có Ải Chi Lăng và Quỷ Môn Quan. Theo Phương Đình dư địa chí, xã Chi Lăng có quan lộ hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu nước độc được gọi là Quỷ Môn Quan.

Câu 3: Ải Chi Lăng từng gắn liền chiến công của anh hùng dân tộc nào?

Lê Hoàn
Lý Thường Kiệt
Trần Hưng Đạo
Cả 3 người trên

Ải Chi Lăng là một địa danh đặc biệt gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh chống xâm lược của dân tộc ta. Ải Chi Lăng đã gắn liền chiến công của các nhà quân sự tài năng như Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…

Câu 4. Câu thơ "Ải cửa quỷ, ải cửa quỷ! 10 người đi, một người về", là của binh lính triều đại nào nói về cửa ải này?

Hán
Đường
Tấn
Tống

Câu thơ trên có từ thời nhà Tấn (266-420). Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Quỷ Môn Quan là nơi chôn xác rất nhiều kẻ thù xâm lược từ phương Bắc khi chúng tiến vào lãnh thổ nước ta.

Câu 5. Viên tướng nổi tiếng nào của nhà Minh từng bỏ mạng tại Quỷ Môn Quan khi đem quân xâm lược nước ta?

Hầu Nhân Bảo
Quách Quỳ
Trần Thọ
Liễu Thăng

Cuối năm 1427, An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy 10 vạn quân sang đàn áp khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi đã phái Lê Sát dẫn các tướng lên đón đường, đặt quân mai phục tại núi Mã Yên. Trong trận đánh vào tháng 10/1427, nghĩa quân Lam Sơn chém chết Liễu Thăng tại trận.

Câu 6. Tại ải Chi Lăng có khối đá khổng lồ tượng trưng cho thanh kiếm của vị vua nào?

Lê Đại Hành
Lê Thái Tổ
Lê Thánh Tông
Quang Trung - Nguyễn Huệ

Phía nam ải Chi Lăng có hai khối đá lớn, một khối có hình dáng giống như thanh kiếm khổng lồ được gọi là Lê Tổ Kiếm (thanh kiếm của vua Thái tổ Lê Lợi) và một tượng đá có hình dáng như người quỳ gối, bị cụt đầu gọi là Liễu Thăng Thạch (tức đá Liễu Thăng, ám chỉ tướng Liễu Thăng bị Lê Sát chém tại ải).

Câu 7. Nhà thơ nổi tiếng nào của nước ta từng có bài thơ vịnh về Quỷ Môn Quan?

Nguyễn Trãi
Nguyễn Du
Nguyễn Thiếp
Ngô Thì Sĩ

Năm 1804, thời nhà Nguyễn, đại thi hào Nguyễn Du trên đường đi sứ sang nhà Thanh, qua Chi Lăng có vịnh thơ Quỷ Môn đạo trung nói về Quỷ Môn Quan.

Ải Chi Lăng được xếp hạng di tích cấp nào?

Cấp huyện
Cấp Thành phố
Cấp tỉnh
Cấp quốc gia

Khu di tích lịch sử Chi Lăng nằm trong vùng Ải Chi Lăng, bao gồm 52 điểm kéo dài gần 20 km, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962. Tại đây, bảo tàng, nhà bia tưởng niệm chiến thắng của quân ta năm 1427 cũng được xây dựng.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quy-mon-quan-10-nguoi-di-chi-mot-nguoi-ve-thuoc-tinh-nao-post772955.html