Quy rõ trách nhiệm trong quản lý và sử dụng tài sản công

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là quy định tốt, bởi nếu cứ sử dụng và quản lý không tốt tài sản công mà không có ai chịu trách nhiệm thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí và thất thoát rất nhiều.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Qua hơn 7 năm thực hiện, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thời gian vừa qua cũng bộc lộ những hạn chế. Xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nên cần có Luật sửa đổi thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận): Quy rõ trách nhiệm trong quản lý và sử dụng không tốt tài sản công

Hiện nay, tình trạng các cơ quan nhà nước quản lý tài sản công không thật sự rõ ràng, minh bạch nên thất thoát rất nhiều. Do vậy, một yêu cầu cấp thiết được đặt ra phải tăng cường quản lý tài sản công. Với dự thảo gồm 136 điều, tôi cho rằng đủ để đưa ra các quy định cụ thể để quản lý tài sản công trong thời gian tới. Việc Chính phủ trình dự án luật này thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với những tài sản công do nhà nước đầu tư cũng như quản lý.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận): Quy rõ trách nhiệm trong quản lý và sử dụng không tốt tài sản công. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận): Quy rõ trách nhiệm trong quản lý và sử dụng không tốt tài sản công. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Vấn đề khai thác hiệu quả tài sản công tức là đặt ra một yêu cầu cho việc quản lý. Nếu quản lý chặt chẽ thì mới chỉ tránh thất thoát nhưng vẫn phải đặt thêm yêu cầu sử dụng hiệu quả. Bởi trên thực tế, rất nhiều tài sản công được đầu tư xong rồi để đấy, dẫn đến tình trạng lãng phí.

Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã từng bước được chặt chẽ hơn. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, quan trọng nhất là đưa ra được những quy định cụ thể để có một cơ chế vừa quản lý chặt chẽ đối với các tài sản của nhà nước do nhà nước đầu tư, vừa nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là quy định tốt, bởi nếu cứ sử dụng và quản lý không tốt tài sản công mà không có ai chịu trách nhiệm thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí và thất thoát rất nhiều.

Tuy nhiên, bồi thường cụ thể như thế nào thì vẫn cần phải bàn thảo nữa để chỉnh lý cho phù hợp. Cơ chế bồi thường hiện cầ n làm rõ, nhất là những quy định cụ thể về các trường hợp, mức độ và cách giải quyết bồi thường ... Quy trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng không tốt tài sản công cần phải được thể hiện rõ ràng trong dự thảo Luật.

Đại biểu Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán nhà nước (Đoàn Nghệ An): Quản chặt và phát huy hiệu quả sử dụng tài sản công

Xây dựng và ban hành Luật về Quản lý, sử dụng tài sản công là hết sức cần thiết. Đây là bộ luật nhằm quản lý tài sản công một cách chặt chẽ và phát huy hiệu quả sử dụng tài sản công một cách tốt nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đại biểu Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán nhà nước (Đoàn Nghệ An): Quản chặt và phát huy hiệu quả sử dụng tài sản công. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nhiều công trình, dự án kém hiệu quả nhưng do quản lý hay luật còn kẽ hở thì vẫn cần phải có thời gian điều tra mới có thể kết luận rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cái cơ bản nhất vẫn là vấn đề thực hiện. Khi chúng ta lập dự án đầu tư thì cần phải hết sức khoa học và thực tiễn, có dự báo tình hình tốt.

Đặc biệt phải chú trọng vấn đề quản lý dự án đó làm sao có hiệu quả cao nhất. Do đó, khi xây dựng hoàn thiện bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì sẽ có tác dụng lớn trong việc phân loại và quản lý tài sản công một cách chặt chẽ nhất, hiệu quả nhất.

So với Luật Quản lý tài sản nhà nước thì dự thảo luật sửa đổi này rộng hơn; vấn đề thu hút nguồn lực tốt hơn, phạm vi sử dụng tài sản công lớn hơn nên chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những khái niệm cần phải bổ sung, ví dụ như tài sản của dự trữ nhà nước cũng cần phải đưa vào tài sản công. Những tài sản công khác cũng phải xác lập quyền sở hữu nhà nước và cần được đưa vào, đơn cử như cơ sở dữ liệu, côn g nghệ thông tin... để bao quát hết khái niệm tài sản công.

Một số vấn đề quản lý sử dụng tài sản công mà cho thuê hoặc liên doanh liên kết, thì cá nhân tôi không đồng tình. Tôi cho rằng, tài sản công là phải sử dụng theo đúng định mức, đúng tiêu chuẩn, đặc biệt là đúng mục đích.

Chẳng hạn như việc bán tài sản công (trụ sở) mà được để lại một phần sau khi trừ chi phí (được các cấp thẩm quyền cho phép) để đầu tư cho các đơn vị đấy thì tôi cho rằng không hợp lý. Mọi khoản bán tài sản công thì phải nộp vào ngân sách và sử dụng, quản lý theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Thận trọng khi thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp

Dự thảo Luật mới đã quy định rõ về trách nhiệm. Trước đó, Luật Đầu tư công ra đời và có hiệu lực từ năm 2015 đã quy định rõ, ngay cả người ra quyết định chủ trương đầu tư mà dự án đó không phát huy hiệu quả theo mục tiêu thì người đó cũng phải chịu trách nhiệm về chủ trương mà mình đã quyết định.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Thận trọng khi thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Việc sử dụng tài sản công cũng vậy, phải đem các nguồn thu đang phân tán, rải rác không hiệu quả đó vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ở đây có một điểm cần thiết được đề cập đến là xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Ví dụ như bệnh viện, khi xã hội hóa, giám đốc là bác sỹ thì vấn đề quản lý dự án, kinh doanh chắc chắn vẫn còn hạn chế. Họ có thể giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc giỏi về vấn đề kinh doanh. Tuy nhiên, khi bị đẩy vào guồng, họ phải bươn chải, vay nợ, kiếm vốn... Nhưng như vậy, là dễ đẻ ra nợ, vì quản trị chưa tốt, chưa hiệu quả.

Bởi vậy, cần thận trọng khi thực hiện quá trình thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp; khuyến khích nhưng phải có bước đi cụ thể và chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp xã hội hóa thành công mà không đẻ ra các khoản nợ.

Tài sản nhà nước, tài sản công rất khó minh bạch. Do đó, các hệ thống chính trị, người dân, Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội... cần giám sát và phân định tài sản công. Như vậy, cần công khai, minh bạch về hệ thống các loại tài sản công, niêm yết công khai để người dân biết nó được sử dụng như thế nào. Công tác chống tham những cũng vậy, chỉ khi minh bạch thì mới giải quyết được./.

Thành Trung - Thu Hằng/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/quy-ro-trach-nhiem-trong-quan-ly-va-su-dung-tai-san-cong/27558.html