Quy trình làm đề thi chặt chẽ nhưng không được chủ quan

Sau những sai sót của Hà Nội trong đề thi thử môn Hóa và môn Toán nhằm tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, vấn đề xây dựng đề thi chính xác, đủ tin cậy để phục vụ cho kỳ thi chính thức sẽ diễn ra vào tháng 6 đang được dư luận xã hội quan tâm.

Tại cuộc họp báo quý I do Bộ GD&ĐT tổ chức vào chiều 24-3, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

PV: Sự cố đáng tiếc trong đề thi thử của Hà Nội liệu có được xem là cảnh báo đối với công tác làm đề thi sắp tới của Bộ GD&ĐT không, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Thực tế cho thấy, do năm đầu tiên triển khai thi trắc nghiệm khách quan nên áp lực về đề thi rất lớn, kể cả là thi thử. Sai sót về đề thi thử THPT quốc gia 2017 của Hà Nội xảy ra rất đáng tiếc nhưng đó cũng có thể xem là cảnh báo cho chúng ta khi triển khai kỳ thi THPT quốc gia.

Do đề thi THPT quốc gia năm nay khác các năm vì mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng nên bắt buộc phải chuẩn hóa quy trình làm đề với các bước chặt chẽ. Tuy vậy, chúng tôi xác định không thể chủ quan. Hiện Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT rà soát, báo cáo quy trình in sao đề thi để chủ động tránh sai sót.

Cho đến thời điểm này, Bộ đã 2 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm để học sinh và giáo viên có cơ sở ôn tập, chuẩn bị kỹ cho kỳ thi. Bộ đang tiếp tục gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đã có bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên đại học có chuyên môn tốt, tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng.

PGS, TS Mai Văn Trinh.

PV: Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 quy định, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng. Liệu mức độ khó dễ giữa các đề thi có tương đồng để đảm bảo kết quả thi công bằng, khách quan cho mọi thí sinh không, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chỉ có duy nhất môn ngữ văn là thi tự luận, còn lại là thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.Trong đó, đề thi sẽ được xây dựng theo 1 quy trình khoa học chặt chẽ để có được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Từ ngân hàng câu hỏi được chuẩn hóa ấy, sẽ xây dựng thành bộ đề thi, và trong quy trình kỹ thuật sẽ có những phương tiện, công cụ để bảo đảm độ cân bằng của các đề thi.

Do đó, về mặt lý luận, khoa học và kỹ thuật thì việc xây dựng đề thi được chuẩn hóa là công bằng và các em không cần băn khoăn về việc đó. Trong phòng thi, thí sinh có mã đề thi nào thì phải làm mã đề thi đó, không được phép đổi.

Lưu ý, đối với các bài thi môn tổ hợp, phải có cùng 1 mã đề thi. Ví dụ em có mã đề thi là 202 thì em phải lưu ý các môn thành phần trong bài thi tổ hợp đó đều phải thuộc mã đề 202. Và các bài thi này được làm trên 1 phiếu trả lời trắc nghiệm được đánh số từ 1-120. Ví dụ với khối tự nhiên, từ 1-40 là câu trả lời của môn Vật lý, từ 41- 80 là của môn Hóa học và từ 81-120 là câu trả lời của môn Sinh học.

PV: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được trả về cho các Sở GD&ĐT địa phương chủ trì. Vậy các trường ĐH, CĐ sẽ tham gia phối hợp như thế nào để kỳ thi đảm bảo khách quan, công bằng?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Năm nay với việc mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do Sở chủ trì, vì vậy, công tác rà soát và xác định các điểm thi sao cho phù hợp, vừa đảm bảo thuận lợi cho thí sinh, vừa đảm bảo an toàn cho kỳ thi đã được các địa phương chuẩn bị chặt chẽ.

Dù không còn trực tiếp chủ trì một cụm thi như năm trước, song vai trò của các trường ĐH vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi năm nay thông qua việc cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỷ lệ 1-1, 1 địa phương, 1 trường ĐH. Các trường ĐH hiện đã sẵn sàng cho phương án cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi.

PV: Năm nay, câu chuyện thí sinh ảo sẽ tiếp tục là bài toán khó với nhiều trường ĐH, liệu Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ các trường “chống” ảo không, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, cùng với việc tiếp tục cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, Bộ xây dựng phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”. Bênh cạnh đó, Bộ cũng sẽ yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như xác định chỉ tiêu phù hợp với với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông.

PV: Ông sẽ đưa ra lời khuyên hoặc những lưu ý gì đối với các thí sinh?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Trước hết, tôi khuyên các em hãy yên tâm học tập và chuẩn bị việc ôn tập cho tốt để đảm bảo đạt kết quả cao trong kỳ thi quốc gia 2017. Các em tự đánh giá về năng lực bản thân trong những môn học để lựa chọn cho phù hợp.

Năm nay trong việc đăng ký dự thi, thí sinh còn được quyền đăng ký luôn nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, mục đích giúp thí sinh có sự lựa chọn phù hợp sở thích và đặt mục tiêu phấn đấu. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là sau khi kết quả thi không đạt được kỳ vọng ban đầu thì em có thể thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng để khả năng và cơ hội trúng tuyển cao hơn. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, và đề thi được ra phủ kín kiến thức, do đó các em cần tránh tình trạng học tủ, học lệch.

Ngoài ra, đối với các môn thi tổ hợp, các em cũng cần lưu ý phải nộp lại đề thi và giấy nháp của hai môn thi tổ hợp đầu tiên, chỉ đến môn thi cuối cùng, các em mới không phải nộp lại giấy nháp. Ngay sau khi thi xong, Bộ GD&ĐT sẽ công khai đăng tải đề thi, đáp án tất cả các môn trên phương tiện truyền thông để học sinh đối chiếu kết quả.

Thu Phương- Huyền Thanh (ghi)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/quy-trinh-lam-de-thi-chat-che-nhung-khong-duoc-chu-quan-434159/