Quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng là cao nhất

“Thức ăn đường phố biết bẩn như thế nhưng vẫn xúm đông xúm đỏ vào ăn. Còn cầu thì có cung, nếu người tiêu dùng tẩy chay, 3 ngày liền không bán được thì chỉ có nước giải tán. Quyền của người tiêu dùng mạnh hơn bất kỳ giải pháp quản lý nào”, TS.Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhấn mạnh đến vai trò của người tiêu dùng trong bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Phát biểu của ông Hùng được trình bày tại hội thảo “Khoa học công nghệ trong bảo đảm an toàn thực phẩm”, do Bộ Khoa học và công nghệ và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vừa phối hợp tổ chức. Theo ông Hùng, chống thực phẩm bẩn không phải bằng các giải pháp “trên trời rơi xuống” mà phải xuất phát từ khoa học và một trong các giải pháp quan trọng là người tiêu dùng (NTD) phải thấy được vai trò quan trọng của mình.

Theo ông Hùng, ngay cả các nước phát triển có hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống pháp luật đồng bộ thì các sự cố liên quan an toàn thực phẩm vẫn xảy ra. Trong khi tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế, một bộ phận người dân kinh tế thấp nên phải dùng sản phẩm trôi nổi… nên các sự cố về mất ATTP rất khó tránh. Đồng quan điểm, bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà của tất cả các nước trên thế giới. Cộng đồng châu Âu từng choáng váng vì bệnh bò điên, hay Trung Quốc cũng phải đau đầu vì có melamine trong sữa…

Hội thảo Khoa học công nghệ và an toàn thực phẩm.

Qua giám sát về ATTP, ông Hùng cho biết bức tranh ô nhiễm và sự cố ATTP ở Việt Nam không có qui luật, nên rất khó khăn trong kiểm soát, phụ thuộc cả vào yếu tố con người, giải pháp quản lý, hiệu quả giám sát của cộng đồng… Đánh giá hành lang pháp lý về bảo đảm ATTP tương đối đầy đủ, Luật ATTP đã thể chế qui định cần thiết, chế tài chi tiết, các Bộ ngành đã ban hành đến 58 thông tư và qui chuẩn kỹ thuật, nhiều tổ chức chính trị xã hội đã có chỉ thị về vấn đề này, nhưng ông Hùng cho rằng, nguy cơ mất ATTP vẫn xảy ra, không chỉ phụ thuộc vào cơ quan quản lý, mà còn phụ thuộc trách nhiệm của người sản xuất và nhận thức của NTD.

Nói về tình hình sản xuất, chế biến rau hiện nay và giải pháp bảo đảm ATTP, TS.Nguyễn Đức Hạnh, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, rau quả Việt Nam khá đa dạng, có sản phẩm xuất khẩu đi trên 40 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cây ăn quả, rau hiện chủ yếu trồng với diện tích nhỏ lẻ, manh mún, còn sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng với khuyến cáo, thời gian cách ly, chưa có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, cơ sở chế biến bảo quản đúng tiêu chuẩn, giá thành còn cao do chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Ông Hạnh cho rằng, vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP cho rau đang là yêu cầu cấp bách và bức xúc với cả người sản xuất, tiêu dùng, nhà quản lý và toàn xã hội. “Nguyên nhân chính dẫn đến rau mất ATTP là do ý thức người sản xuất chưa cao, không tuân thủ qui trình công nghệ và các khuyến cáo về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài các vùng rau an toàn được kiểm soát dư lượng kim loại nặng trong đất, nước tưới, còn đại đa số không được kiểm soát các chỉ tiêu này. Còn công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch thì vừa lạc hậu, vừa tùy tiện, thiếu đồng bộ và ngại đầu tư”, ông Hạnh nói.

Bên cạnh đó, rau quả hiện chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ, không có nhãn mác, khó truy nguyên nguồn gốc, chưa có hệ thống sơ chế, đóng gói và vận chuyển đúng tiêu chuẩn, chế tài xử lý chưa đủ răn đe… Theo ông Hạnh, “điều quan trọng là phải nâng cao được thu nhập của người dân, bởi thu nhập thấp quyết định đến thỏa hiệp, mua rau không an toàn vì giá rẻ hơn”.

Đồng thời, theo ông Hạnh, NTD cần hình thành thói quen kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tự trang bị kiến thức nhận biết sản phẩm tươi ngon, nhất là sản phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt; lựa chọn địa điểm mua bán tin cậy; xây dựng thói quen nấu chín các loại rau củ quả. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tổ chức tốt hệ thống bán rau an toàn, tạo điều kiện và giao cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tham gia giám sát việc sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn. Đồng thời, cần thông tin kịp thời cho NTD thông tin liên quan đến ATTP để chủ động phòng tránh và xử lý; xây dựng chuỗi liên kết từ người nông dân, người thu mua đến hệ thống cung ứng như chợ, siêu thị…

TS. Phạm Kim Đăng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO thì toàn thế giới có 600 triệu người bị ngộ độc về thực phẩm, trong đó châu Á-Thái Bình Dương chiếm 125 triệu người và trung bình mỗi năm có 2 triệu người chết vì tiêu chảy. Năm 2015, Việt Nam có 171 vụ ngộ độc thực phẩm, với 4.965 người mắc, 23 người tử vong, chưa kể các tác động lâu dài gây bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng…

Ông Đăng nhìn nhận, một trong các giải pháp để bảo đảm ATTP là nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn, đảm bảo gắn kết, có trách nhiệm, có khả năng truy xuất. Đồng thời, phải nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chăn nuôi, người tiêu dùng và cả cộng đồng. Trong đó, NTD cần nâng cao nhận thức sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, mua ở địa chỉ tin cậy. “Thực phẩm an toàn hay không thì NTD là người quyết định. Giám sát của Nhà nước quan trọng nhưng cần giám sát độc lập, giám sát của NTD thì mới đem lại hiệu quả cao”, ông Đăng nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/quyen-loi-hop-phap-cua-nguoi-tieu-dung-la-cao-nhat-111257