Quyền lợi nhiều hơn với học nghề

Học cắt may ở một cơ sở dạy nghề.

Cấp chứng chỉ nghề

Chuẩn bị trong thời gian khá dài, cuối tháng sáu vừa qua, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội chính thức ban hành thông tư quy định tổ chức và quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Hiện Tổng cục Dạy nghề cũng đang phối hợp các cơ quan chức năng cùng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các trường dạy nghề xây dựng tiếp chương trình cho các nghề mới hình thành đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tổng cục Dạy nghề trực tiếp cấp chứng chỉ trên cơ sở đánh giá của các cơ sở dạy nghề. Hiện tại đã có hơn 20 nghề được cấp chứng chỉ quốc gia và đang phấn đấu để đến năm 2020 sẽ kiểm định được tất cả các cơ sở dạy nghề với khoảng 150 nghề được cấp chứng chỉ. Theo Thông tư 15 của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội ban hành mới đây thì việc đánh giá, cấp chứng chỉ nghề sắp tới sẽ được tổ chức mỗi năm hai lần đối với tay nghề bậc 4, 5. Các bậc khác được tổ chức nhiều hơn. Việc thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là sự động viên, khuyến khích người công nhân học hỏi, nâng cao tay nghề hơn nữa để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước.

Chủ động hơn với học liên thông

Năm nay, công tác tuyển sinh ở các trường dạy nghề có xu hướng cởi mở hơn. Toàn ngành dạy nghề năm nay được tuyển 1.860.000 chỉ tiêu, tăng 6,4% so với năm ngoái. Đặc biệt, có khoảng 100 trường dạy nghề tuyển sinh dưới dạng xét tuyển chứ không qua hình thức tổ chức thi tuyển như những mùa tuyển sinh trước. Đặc biệt người học có cơ hội học liên thông lên bậc cao hơn nếu đủ khả năng. Theo đó, những người có chứng chỉ sơ cấp nghề thì chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở là đủ điều kiện dự tuyển lên trung cấp nghề. Người tốt nghiệp trung cấp nghề loại khá được quyền tuyển thẳng lên cao đẳng nghề hoặc có thể học tiếp một nghề khác trong cùng nhóm đào tạo. Không những thế, nếu đủ các điều kiện, học viên có thể học liên thông từ trường nghề lên bậc đại học. Thời gian đào tạo liên thông phụ thuộc vào từng đối tượng học viên. Thông thường một học viên có trình độ trung cấp nghề để học liên thông lên đại học chỉ mất thời gian tương đương như sinh viên học các hệ chính quy, tức từ ba đến bốn năm học tập trung; từ trung cấp lên cao đẳng mất khoảng một năm rưỡi đến hai năm. Đối tượng đào tạo liên thông là người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề có nhu cầu học tập lên trình độ cao hơn sẽ được công nhận kết quả học tập trước đây và không phải học lại những nội dung đã học khi chuyển sang học trình độ cao hơn cùng ngành nghề như hiện nay.

Liên kết chặt chẽ nhà trường với doanh nghiệp và địa phương

Theo đánh giá của Tổng cục dạy nghề, chất lượng đào tạo nghề những năm gần đây có những có chuyển biến tích cực, thể hiện rõ ở tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề có việc làm ngay đạt trên 75%, thậm chí có nghề đạt 90%. Kết quả này cho thấy trình độ nghề của học viên đã đạt yêu cầu. Và hơn thế, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp và địa phương.

Hiện nay, nguồn nhân lực lao động chất lượng cao chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Để bảo đảm học viên sau khi ra trường có việc làm ngay, cũng như đáp ứng nguồn nhân lực kịp thời cho doanh nghiệp, việc xây dựng mô hình liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và địa phương được thực hiện khá hiệu quả ở nhiều nơi. Doanh nghiệp ở các địa phương đã chủ động gõ cửa các trường dạy nghề để đặt hàng đã trở nên khá phổ biến. Trường trung cấp kinh tế- Du lịch Hoa Sữa (Hà Nội) là đơn vị nhiều năm nay thực hiện sự liên kết với các doanh nghiệp rất hiệu quả, liên tục cập nhật nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn. Điều này không chỉ có lợi trong việc giải quyết đầu ra, mà còn để nâng cao hơn trình độ nghề cho học viên. Trường cao đẳng nghề Lilama 1 (Ninh Bình) là cơ sở làm tốt công tác liên kết đào tạo, bởi trường đã đáp ứng được trình độ nhiều đối tượng học viên, nhiều ngành nghề. Đặc biệt, trước khi chiêu sinh, trường gửi thông báo đến các công ty thành viên để giúp bạn chủ động trong việc đào tạo thêm tay nghề cho công nhân.

Đào tạo nghề để hình thành đội ngũ lao động lành nghề phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước, đó là nhiệm vụ nặng nề mà cao quý của các trường dạy nghề. Một nền công nghiệp hóa phát triển đòi hỏi đội ngũ lao động không chỉ có trình độ tay nghề cao, mà còn ở tính chuyên nghiệp, kỷ luật chặt chẽ trong lao động.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/khoa-h-c-giao-d-c/quy-n-l-i-nhi-u-h-n-v-i-h-c-ngh-1.307827