Quyết định các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI tổ chức từ ngày 6-8/12, các đại biểu đã thống nhất các nhóm giải pháp nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Quang cảnh Kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa IX. Ảnh : Nguyễn Văn Trí -TTXVN

* Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI tổ chức từ ngày 6-8/12, các đại biểu đã thống nhất các nhóm giải pháp nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, một số chỉ tiêu chủ yếu đã được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế, đó là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đạt 7,52%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.600 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 18.755 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,35%...

Một trong những nhóm giải pháp hàng đầu được xác định là: tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là triển khai các kế hoạch về tái canh cây cà phê, tưới nước tiết kiệm, đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từng bước hình thành các cánh đồng lớn, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn có thương hiệu mạnh; chú trọng xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...

Năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đạt kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực. Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả hạn hán, lũ lụt và kiểm tra, chấn chỉnh việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi được thực hiện tốt. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu có chuyển biến...

* Từ ngày 6 - 8/12, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa IX tổ chức kỳ họp lần thứ ba đã thông qua 21 nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội. Năm 2017, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu phấn đấu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 16 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế năm ở mức 7,5%, phấn đấu giá trị GRDP đạt 48.290 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 5.480 tỷ đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,2%, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm 1,5%…

Trong năm 2016, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt mức 12/16 chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra; trong đó GRDP bình quân đầu người ước đạt 34,8 triệu đồng, tương đương 1.568 USD (theo giá thực tế). Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương của tỉnh thực hiện nhiều mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2016 ước tăng 6,39% so cùng kỳ; hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,69% so với năm 2015; ước kim ngạch xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt 765 triệu USD, bằng 99,65% kim ngạch năm 2015. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 3,3%, dẫn đầu khu vực ồng bằng sông Cửu Long.

* Ngày 8/12, tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; giải pháp năm 2017; kế hoạch đầu tư công năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020.

Quang cảnh Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Năm 2017, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu duy trì sự ổn định và tăng trưởng về kinh tế. Phấn đấu GDP tăng khoảng 7,5-8%; tổng thu ngân sách đạt 33,81 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/người/năm. Vĩnh Phúc đưa ra 5 giải pháp, trong đó trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 614 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Đề án tổng thế tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiểu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn. Tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao hiểu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn…

Năm 2016, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ vững ổn định, nhiều lĩnh vực phát triển cao hơn so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt trên 28,5 nghìn tỷ đồng, vượt 10,6% dự toán. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,56% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 9,94 so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt trên 1,76 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm ngoái.

* Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu năm 2017. Cụ thể: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng trên 7%; GRDP bình quân đầu người là 22,9 triệu đồng; thu ngân sách đạt 1350 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 674 triệu USD; số xã được công nhận tiêu chí nông thôn mới là 5 xã.

Để đạt được mục tiêu đề ra, HĐND tỉnh đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: khẩn trương khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, đoàn kết, thống nhất, phát huy cao tinh thần nội lực, tranh thủ huy động các nguồn vốn đầu tư và sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương; tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; tăng cường quản lí hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu du lịch Cao Bằng đến các địa phương trong và ngoài nước; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, nêu cao tinh thần cảnh giác, làm tốt công tác nắm tình hình trên tuyến biên giới.

Năm 2016, sản xuất công nghiệp của Cao Bằng có bước phục hồi, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp được duy trì, kiểm soát tốt dịch bệnh, thu ngân sách địa phương đạt hơn 1.300 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng cao đạt 852 triệu USD, tăng 30% so với cùng kì năm trước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được củng cố, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia;..

* Tại kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2017: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDRP) từ 8,5% đến 9% so năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu 2,35 tỷ USD, tăng 11,1% so năm 2016, tổng thu ngân sách địa phương 7.045 tỷ đồng, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 29.100 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng, chiếm 36,5 đến 39,5% tổng GDRP, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 43,1 đến 43,4 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 4,37%...

Để đạt mục tiêu, tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế gắn với triệt để thực hành tiết kiệm, cơ cấu lại ngân sách địa phương gắn với triển khai kế hoạch đầu tư công hợp lý, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm mang lại hiệu quả. Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, xúc tiến đầu tư hiệu quả,...Trong đó, tỉnh chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa; quan tâm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, củng cố và nâng cao hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, khuyến nông... Tiền Giang coi trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đề án tái cấu trúc ngành công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2025; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, dạy nghề nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải ở các bệnh viện.../.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/quyet-dinh-cac-nhom-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2017/30349.html