Quyết định lịch sử của Tướng Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo kế hoạch ban đầu là 'đánh nhanh, thắng nhanh' trong vòng 2 ngày 3 đêm nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển sang 'đánh chắc, tiến chắc'.

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá - PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam có nhận xét: Điện Biên Phủ không hề được đề cập tới kế hoạch quân sự của cả phía Việt Minh và quân đội Pháp cho cả giai đoạn 1953 - 1955.

Nhưng rồi, các diễn biến chiến trường sau đó, phía Pháp đã chọn thung lũng này, gửi đi lời thách thức. Còn Việt Minh thì lấy đây làm điểm quyết chiến chiến lược.

Lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ trên các chiến trường toàn quốc. Ảnh: VIẾT THỊNH

Cục diện chiến trường

Bối cảnh lúc ấy, để phá thế cầm cự, ở phía Bắc, Việt Minh mở Chiến dịch Biên giới (tháng 9 sang 10-1950), khai thông biên giới với Trung Quốc. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng.

Thăm các thương binh đang được điều trị tại Bệnh viện Thủy Khẩu ở Trung Quốc khi vừa kết thúc chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo: “Quân ta thắng lợi rồi, ta không còn bị bao vây, cửa đã mở ra thế giới”.

Chiến thắng Biên giới 1950 đã giúp lực lượng Việt Minh hoàn toàn thoát khỏi thế bao vây. Với sự ủng hộ của người dân trong vùng giải phóng cũng như chi viện của nước bạn Trung Quốc, các đại đoàn được mở rộng, có cả lực lượng cơ động. Nhiều cuộc tiến công lớn xa căn cứ Việt Bắc được triển khai.

Trước bối cảnh đó, tháng 5-1953, Navarre, nhà chiến lược xuất sắc của Pháp được cử làm Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương.

Tháng 7, vị Đại tướng quân đội Pháp vạch kế hoạch cho 18 tháng, trong đó xác định ở chiến trường Bắc Việt Nam, năm 1953-1954 là thực hiện phòng ngự, năm 1954-1955 tấn công chiến lược, giành thắng lợi, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán theo điều kiện của Pháp.

Ở chiều ngược lại, cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam thông qua chủ trương tác chiến chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Phương châm tác chiến là “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi sơ hở mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phân tán lực lượng”.

Cuộc đối đầu Điện Biên Phủ không nằm trong kế hoạch cả hai phía. Tuy nhiên, khi một bộ phận quân chủ lực Việt Minh tiến quân lên thị xã Lai Châu, địa bàn duy nhất mà Pháp còn chiếm giữ, thì ngày 20-11-1953, Navarre cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mục đích là chặn Việt Minh chiếm Lai Châu và tiến sang Thượng Lào, Trung Lào…

Dàn quân cho cuộc chiến

Thượng tướng - GS Hoàng Minh Thảo, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bài viết dịp 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết, ngay sau khi quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo, bộ tư lệnh tối cao ta đã chọn đây làm điểm quyết chiến chiến lược.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries. Ảnh: Gettyimages

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp mở rộng, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Để đảm bảo chắc chắn, các đơn vị chủ lực nhỏ mà tinh của Việt Minh mở hàng loạt cuộc tấn công ở các hướng Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và Bắc Tây Nguyên, buộc quân viễn chinh bị kéo dãn, phải điều động khoảng 70 trên tổng số 84 tiểu đoàn cơ động ra các chiến trường trên toàn Đông Dương.

Điện Biên Phủ vẫn được Navarre tập trung quân lực, mong trở thành “nhọt tụ độc” thu hút chủ lực của Việt Minh.

Trong lòng thung lũng dài 18 km, rộng 6-8 km, quân Pháp thiết lập một tập đoàn cứ điểm mạnh, với ba phân khu, tám cụm cứ điểm, tập trung 12 tiểu đoàn cơ động với khoảng 16.000 quân (chiếm 7/10 tổng số binh lính đồn trú ở Đông Dương).

Với 400 máy bay từ Hà Nội, Hải Phòng chi viện lên và lực lượng pháo binh hùng hậu tại chỗ bố trí ở các phân khu, Navarre cũng như tướng lĩnh Mỹ đang tích cực viện trợ cho Pháp cầm cự ở Đông Dương rất tự tin.

Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đại tá Christian de Castries thậm chí còn rải truyền đơn, công khai thách đấu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 1-1954, căn dặn Tướng Giáp trước khi lên đường chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc mới đánh. Không chắc không đánh!”

Với tinh thần ấy, gần 55.000 bộ đội đã được huy động theo hai tuyến tiếp cận. Hậu phương vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V, vùng du kích và các căn cứ du kích ở Bắc Bộ tập trung mọi sức lực, của cải cho mặt trận. 260.000 dân công, 20.991 xe đạp thồ đã tải về hướng Điện Biên Phủ hơn 20.000 tấn lương thực, thực phẩm…

Quyết định lịch sử

Theo GS Hoàng Minh Thảo, tại Bộ Chỉ huy chiến dịch khi ấy, bộ phận lên trước với sự tham gia ý kiến của đoàn chuyên gia Trung Quốc đã lên kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong hai ngày ba đêm với nhận định địch đang phòng ngự lâm thời, chưa vững chắc.

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng chiến dịch lên sau, rất phân vân. Qua thời gian tổng hợp, nắm bắt tình hình địch – ta cũng như những thay đổi nhanh chóng trên chiến trường, ông đề nghị thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Phương án này ngay sau đó được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn. Nhờ đó, Việt Minh có thêm thời gian chuẩn bị kỹ hơn, tập trung được hơn năm đại đoàn chủ lực, chuyển sang vây hãm dài ngày.

Pháo binh đã đưa vào được rút ra, chuẩn bị kỹ hơn về trận địa ở các sườn núi quanh thung lũng Điện Biên Phủ. Quân số, lương thực, đạn dược cũng được bổ sung cho một chiến dịch được xác định là gian khổ, dài ngày…

Từ quyết định đúng đắn, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân Việt Minh đánh sập, gây chấn động thế giới.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quyet-dinh-lich-su-cua-tuong-giap-trong-chien-dich-dien-bien-phu-post789259.html